Thứ sáu, 17/01/2025 | 17:06
RSS

Cách sơ cứu tai nạn trẻ thường gặp trong ngày Tết

Thứ bảy, 31/12/2016, 07:54 (GMT+7)

Ngày lễ Tết, trẻ nhỏ có rất nhiều “cạm bẫy” trong khi người lớn bận rộn với việc trang hoàng nhà cửa. Chính vì vậy, trẻ rất hay xảy ra những tai nạn không mong muốn.

Bỏng

Nguyên nhân nhiều nhất là do nhiệt ướt như nước sôi, cháo canh, dầu ăn (khoảng 77%). Ngoài ra, trẻ cũng có thể bị bỏng vì nhiệt khô như lửa, bàn ủi, pô xe máy, một số bị bỏng do nổ gas, nổ bóng bay chứa khi hydro, bỏng do điện, hóa chất (axit).

Sơ cứu: Đưa nạn nhân ra khỏi lửa, nguồn nhiệt, làm nguội vết phỏng bằng cách cởi quần áo cháy hoặc dính hóa chất, dội nước sạch vào vết bỏng, cho trẻ uống nhiều nước khi bỏng nặng.

Hạn chế nhiễm khuẩn bằng cách rửa sạch vùng da bỏng, sau đó thoa kem Pommade Silver Sulfadiazine (Silvirin, Flammazine, Silvadene), đắp băng gạc vô trùng hoặc vải sạch lên, có thể kèm theo một túi nhưa bọc vết bỏng. Nếu phát hiện vùng da bị nhiễm khuẩn như sưng, đỏ, mủ thì phải cho trẻ dùng kháng sinh.

Độ nặng tùy thuộc vào diện tích bị phỏng, vị trí vết phỏng và độ sâu. Sâu độ 1 có nghĩa là nông, chỉ khiến da đỏ và rát, độ hai là bỏng một phần lớp da, có bóng nước; độ 3 là bỏng toàn bộ lớp da khiến da trắng bệch. Vị trí nguy hiểm nhất là bỏng mặt, bộ phận sinh dục, bàn tay, bàn chân.

Nếu trẻ bỏng nặng, cần phải đưa đến bệnh viện, phụ huynh có thể chăm sóc vết thương trước khi di chuyển bằng cách rửa vết thương với NaCl 0,9%, bôi Polividone 10%, băng vết bỏng với Silverdine, không làm vỡ bóng nước, nằm drap vô trùng.

Tuyệt đối không bôi kem đánh răng, nước mắm, giấm lên vùng bị bỏng và không làm bể bọng nước.

Phòng ngừa: Không nên để trẻ ở gần bình gas nhỏ (bếp gas mini), không châm thêm dầu cồn khi bếp đang cháy, không để trẻ chơi lửa, không để bình thủy, nồi nước sôi, thức ăn vừa nấu chín, chai hóa chất ở trong tầm tay trẻ, không để ổ điện thấp trong tầm với của trẻ.

Ngộ độc thực phẩm, hóa chất

Nguyên nhân: thường do trẻ tưởng nhầm chai hóa chất là nước nên uống, ví dụ nước tro tàu, dầu hôi, dấm, nước rửa vàng, thuốc trừ sâu, diệt mối.

Trẻ em dưới 6 tuổi dễ bị tai nạn ngộ độc nhất. Trẻ ở độ tuổi này có bản năng tò mò và khám phá thế giới xung quanh bằng cách đưa tất cả mọi thứ vào miệng, nhất là những gì nhìn thấy hấp dẫn hay mang màu sắc sặc sỡ có sẵn ở khắp nơi trong gia đình.

Sơ cứu: Xác định nhanh các thông tin liên quan đến tình trạng ngộ độc như tuổi và cân nặng của trẻ, trẻ đã nuốt cái gì, lượng nuốt phải, thời điểm nào, nếu có thể hãy giữ lại lọ/hộp chứa độc chất để đem cho bác sĩ xem. Loại bỏ bớt độc tố ra khỏi cơ thể bằng cách giúp trẻ tự nôn ói.

Cho trẻ uống nước lọc hoặc sữa, cởi bỏ quần áo để ngăn chất độc thấm vào cơ thể. Nếu trẻ bị ngưng tim ngưng thở, cần hô hấp nhân tạo và xoa tim ngoài lồng ngực để giúp bệnh nhân hồi tỉnh. Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được cứu chữa kịp thời.

Người lớn thường móc họng trẻ để gây nôn. Đây là một sai lầm nghiêm trọng vì sẽ dẫn đến trầy rách niêm mạc miệng, hầu, họng của trẻ. Ngoài ra, khi nôn trẻ sẽ hít phải chất độc và dễ bị viêm phổi.

- Không dùng thuốc trong các chai không có nhãn. Phải đọc rõ nhãn thuốc và hướng dẫn sử dụng khi cho trẻ uống.

- Không tự ý cho trẻ dùng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

- Tất cả thuốc diệt rệp, xịt muỗi, thuốc diệt chuột, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, thuốc tẩy cần phải cho vào tủ có khóa cẩn thận và phải để xa tầm thấy, tầm tay của trẻ.

- Các loại chất độc sử dụng trong gia đình phải được ghi rõ ràng để có thể xử lý phù hợp khi xảy ra ngộ độc.

- Tủ thuốc điều trị trong gia đình nên được đặt xa tầm tay của trẻ và luôn có khóa an toàn.

- Không dùng chai nước suối, nước ngọt để đựng dầu hỏa hay hóa chất.

Điện giật

Các thiết bị điện gia đình thường hoạt động với tần suất cao trong ngày Tết nhưng phụ huynh không chủ động để các vật tích điện tránh xa tầm tay của trẻ. Nếu trẻ bị điện giật nhưng vẫn tỉnh táo thì có thể để trẻ nằm nghỉ và theo dõi tại nhà, nếu thấy có dấu hiệu xấu đi thì đưa đến cơ sở y tế. Nếu trẻ bất tỉnh và ngưng thở, hãy cấp cứu tại chỗ rồi đưa ngay đến bệnh viện, không được trực tiếp kéo trẻ khi chưa ngắt nguồn điện.

Bố mẹ cần đảm bảo không để trẻ sờ nghịch các thiết bị điện ngày Tết và cần có phương pháp sử dụng điện an toàn.

Chấn thương do té ngã

Vào dịp Tết, trẻ thường bắt chước các anh chị lớn chạy nhảy vui chơi rất dễ xảy ra tai nạn. Nhiều trẻ tò mò thích tìm hiểu thế giới mới lạ xung quanh cũng có thể bị té ngã. Trẻ bị té ngã có thể bị chấn thương phần mềm, chảy máu và xây xát da tại chỗ, gãy chân, gãy tay hay thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Mẹ có thể dùng khăn nhúng nước lạnh vắt ráo nước rồi đắp lên vết bầm, hoặc bọc nước đá vào khăn và áp lên chỗ chấn thương. Nếu nghi trẻ bị bong gân hay gẫy xương cần cố định chỗ chấn thương trước bằng gạc sạch, mềm rồi sớm đưa trẻ đến khám bác sĩ. Nếu trẻ than đau nhiều ở vùng bị chấn thương, sưng và sau đó bị bầm tím, cử động khó khăn hoặc chân hay tay trẻ bị cong một cách kỳ lạ thì nên đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế chuyên khoa để được kiểm tra và xử lý kịp thời.

Mẹ hãy luôn để mắt đến trẻ trong mọi trường hợp vui chơi trong ngày Tết. Cầu thang, ban công trong nhà phải có hàng rào che chắn cẩn thận để trẻ không gặp nguy hiểm.

 

Hải Bình (T/H)
Theo Đời sống Plus