Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:44
RSS

Cách phân biệt bệnh bạch hầu với chứng viêm họng thông thường

Thứ hai, 29/06/2020, 11:24 (GMT+7)

Bệnh bạch hầu là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính dễ lây lan nhất hiện nay. Dưới đây là cách phân biệt bệnh bạch hầu và chứng viêm họng thông thường giúp phát hiện và có biện pháp điều trị kịp thời.

Thế nào là bệnh bạch hầu?

Bệnh bạch hầu (Diphtheria), đây là một trong những bệnh truyền nhiễm cấp tính dễ lây lan nhất hiện nay. Thời gian ủ bệnh có thể kéo dài từ 2 - 10 ngày tùy xem vi khuẩn đó có phải là dạng mạn tính hay không.

Nguyên nhân chính gây ra bệnh bạch hầu là do các vi khuẩn cùng tên. Chúng là một dạng trực khuẩn không di động nhưng sẽ sản sinh ra các loại độc tố. 

Khi các độc tố này xâm nhập vào cơ thể (thường là vị trí họng của bệnh nhân) thì quá trình tổng hợp tế bào cơ thể sẽ bị ức chế. Theo thời gian các tế bào này sẽ tự chết đi và hình thành các màng giả bám vào thành họng. Vi khuẩn lại tiếp tục theo máu đi khắp cơ thể và gây tổn thương cho quá trình tuần hoàn và cung cấp máu của cơ thể, tim, dây thần kinh,...

Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, thường có sốt nhưng không cao, có lớp màng dày màu trắng ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi, có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.

Trong tháng 6, Việt Nam ghi nhận 4 trường hợp mắc bệnh bạch hầu tại xã Đăk Sor, huyện Krông Nô và 8 trường hợp mắc tại xã Quảng Hòa và xã Đắk R’măng, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông. Trong đó có một trẻ tử vong, do được phát hiện muộn.

ThS.BSCKII Trần Duy Hưng – Trưởng khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo mọi người cần chú ý các dấu hiệu điển hình của bệnh bạch hầu. Đồng thời, cần phân biệt rõ bệnh bạch hầu với chứng viêm họng thông thường để có các biện pháp ngăn chặn và điều trị kịp thời.

Phân biệt bệnh bạch hầu với chứng viêm họng thông thường

Cách phân biệt bệnh bạch hầu với chứng viêm họng thông thường

Phân biệt bệnh bạch hầu và chứng viêm họng

Các triệu chứng lâm sàng ban đầu của bệnh bạch hầu cơ bản tương tự như triệu chứng của viêm họng. Để có thể phân biệt nhằm có hướng phòng tránh kịp thời thì bạn nên chú ý đến các tập triệu chứng bệnh lý riêng biệt như sau:

  • Dấu hiệu sốt nhẹ: Đối với người bị viêm họng thì thường nhanh chóng chuyển sang giai đoạn sốt cao, phổ biến nhất là sốt cao về đêm. Trong khi đó, người bị bệnh bạch hầu sẽ có biểu hiện sốt nhẹ, mệt mỏi, uể oải.

  • Khó chịu ở khu vực cổ họng: Viêm họng khiến người bệnh khô môi và lưỡi, khoang miệng có mùi khó chịu, mất giọng, rát họng và có cảm giác đau rát khi nuốt thức ăn rắn. Ngoài ra, thường chỉ bệnh nhân viêm họng mới có triệu chứng đi kèm như tắc mũi hoặc chảy nước mũi.

Trong khi đó, bệnh nhân bạch hầu chỉ có dấu hiệu ho tần suất dày đặc, khi ho thì tiếng hơi khàn, người bệnh cảm thấy háo nước và bị chảy dãi thường xuyên.

  • Sưng hạch bạch huyết: Nếu như bệnh nhân bạch hầu bị sưng hạch bạch huyết ở cổ hoặc dưới cằm thì bệnh nhân viêm họng lại sưng thành các hạch quanh cổ, dưới tai hoặc ở góc hàm.

  • Một trong những triệu chứng riêng của bệnh bạch hầu là phần giả mạc xuất hiện tại họng rất dày, bám chắc, gần như không tách ra khỏi niêm mạc họng được. Nếu bệnh nhân cố tách thì sẽ gây ra chảy máu. Trong khi đó, bệnh nhân viêm họng thông thường nếu có xuất hiện giả mạc thì cũng lấy ra rất dễ dàng. Giả mạc này cũng không dày hay sẫm màu như bạch hầu.

Việc tự phân biệt bệnh bạch hầu thông qua việc quan sát giả mạc hoặc theo dõi các triệu chứng có thể không chính xác 100%. Do đó, nếu bạn đang nghi ngờ bản thân mắc bệnh thì vẫn nên đến cơ sở y tế để thăm khám. Các bác sĩ sẽ giúp bạn đưa ra chẩn đoán chính xác nhất cũng như có phác đồ điều trị phù hợp.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN