Thứ hai, 07/10/2024 | 02:16
RSS

Cách ôn tập hiệu quả môn Lịch sử trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

Thứ năm, 25/05/2023, 06:43 (GMT+7)

Học sinh cần làm gì để học tốt mà vẫn bảo đảm sức khỏe, đặc biệt với lượng kiến thức nhiều như môn Lịch sử trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay?

Cách ôn tập hiệu quả môn Lịch sử trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

Học sinh Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) trong giờ ôn tập Lịch sử trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Nhớ kiến thức cơ bản bằng các từ khóa

Theo cô Hà Thị Minh Trang, giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội), ôn tập môn Lịch sử luôn là lo lắng của nhiều học sinh, vì kiến thức rộng dài, luôn phải ghi nhớ nhiều sự kiện, mốc thời gian…

Điều này làm cho không ít học sinh thấy chán nản, không biết bắt đầu từ đâu, rồi nảy sinh tâm lý trông chờ vào vận may. Đây là lý do chủ yếu khiến nhiều học sinh học tốt vẫn bị điểm liệt môn này.

Để có thể đạt điểm tốt trong môn Lịch sử, cô Hà Thị Minh Trang lưu ý một số phương pháp ôn tập sau:

Thứ nhất: hiểu rõ bản chất của môn học. Là môn trong khối xã hội, lượng kiến thức cần ghi nhớ nhiều, để đạt điểm từ trung bình trở lên học sinh phải có khả năng tư duy, logic, vận dụng kiến thức đã học để chọn đáp án đúng. Nếu chỉ dừng lại ở học thuộc máy móc, các em sẽ chỉ đạt được qua điểm liệt bộ môn.

Thứ 2, bám sát nội dung kiến thức trong sách giáo khoa, coi sách giáo khoa như một sách tham khảo. Thậm chí để ghi nhớ kiến thức, học sinh có thể đọc sách giáo khoa như đọc truyện hàng ngày.

Thứ 3, chủ động luyện tập các đề tham khảo trên internet để dần làm quen với cách hỏi của đề thi tốt nghiệp THPT. Với một lượng kiến thức, người ra đề có thể có nhiều cách hỏi khác nhau. Học sinh luyện nhiều đề sẽ tăng khả năng phản xạ của trí nhớ để khi làm bài thi thật sẽ tiết kiệm thời gian suy nghĩ. Không nên luyện quá nhiều đề thi trong 1 ngày, tốt nhất nên luyện tối đa 2 đề/ ngày.

Trong khoảng thời gian luyện đề thi, hãy bấm giờ, làm bài phải nghiêm túc nhằm có thể đánh giá được khối lượng kiến thức của chính bản thân mình và quen trước với tâm lý ở trong phòng thi.

Thứ 4, tóm tắt bài học bằng sơ đồ tư duy. Có thể coi đây là tập Atlat về lịch sử giúp các học sinh nhận diện và tra cứu để luyện tập dễ dàng. Phần lịch sử thế giới học sinh hãy xây dựng sơ đồ theo mảng và lựa chọn tối ưu là sơ đồ tư duy với nội dung cô đọng, các từ khóa. Còn phần lịch sử Việt Nam xây dựng các sơ đồ thời gian timeline từng giai đoạn là tốt nhất.

Thứ 5, nhớ kiến thức cơ bản bằng các từ khóa. Đây là cách giúp học sinh tiết kiệm thời gian học tập và nhớ lâu. Ví dụ: ý nghĩa của chiến dịch Việt Bắc thu đông 1947 là cuộc phản công lớn đầu tiên của quân ta thì từ khóa là “cuộc phản công lớn đầu tiên”.

Cách ôn tập hiệu quả môn Lịch sử trước kỳ thi tốt nghiệp THPT

Cô Hà Thị Minh Trang, giáo viên Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội).

8 bước ôn tập

Cô Phạm Thị Hằng, giáo viên Trường THPT Quan Sơn (Thanh Hóa) cho rằng, học sinh ngại học Lịch sử phần lớn vì chưa có một phương pháp học phù hợp; từ đó chia sẻ một số bí quyết nhỏ mình đã áp dụng cho học sinh của mình.

Trước hết, học sinh đã được tìm hiểu toàn bộ nội dung chương trình trong năm học. Vì vậy yêu cầu đầu tiên là phải nắm vững được kiến thức cơ bản, từ đó trình bày ra một khổ giấy to (cớ A3) những gì mình hiểu.

Thứ 2: Chia phần Lịch sử thế giới và Lịch sử Việt Nam ra thành các giai đoạn nhỏ và tự rút ra được những nội dung cơ bản của giai đoạn đó.

Thứ 3: Liên hệ những kiến thức có liên quan giữa lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam. Ví dụ như trong năm 1960, trên thế giới có sự kiện “Năm Châu Phi” thì ở Việt Nam có những sự kiện gì?

Thứ 4: Tăng cường luyện đề. Mỗi ngày học sinh cố gắng tự làm một đến hai đề thi thử. Trong quá trình làm đề chú ý đến các từ “khóa” trong câu hỏi, chú ý đọc đề và phân tích đề, đáp án cẩn thận.

Thứ 5: Sau khi làm được một đề, cần so sánh với đáp án hoặc trao đổi với thầy cô về những câu còn làm sai và chưa hiểu nội dung.

Thứ 6: Để bài thi được trọn vẹn nhất, ngoài nắm vững kiến thức trọng tâm và rèn kỹ năng thì việc có những “mẹo” làm bài cũng là một cách nên được tận dụng. Ví dụ như trong đề thi sẽ có những từ khóa quan trọng để xác định trọng tâm nội dung câu hỏi, tránh việc mất tập trung làm hiểu sai đề bài.

Thứ 7: Cần đọc kỹ tất cả các câu hỏi và đáp án có trong đề thi, từ đó xác định các câu hỏi dễ để trả lời trước, không cần theo thứ tự đề ra. Không nên để mất quá nhiều thời gian cho một câu hỏi khó mà cần phân bố thời gian hợp lý để hoàn thành được tất cả các câu trong đề thi.

Thứ 8: Trong quá trình ôn thi, học sinh cần lập ra kế hoạch cho cá nhân mình, phân phối thời gian hợp lý cho từng môn ôn tập, từ đó nắm vững toàn bộ kiến thức, yên tâm chinh phục đề thi. Ngoài học tập theo tài liệu do giáo viên cung cấp, thí sinh có thể tự tìm thêm những tài liệu tham khảo ở nhiều kênh khác nhau.

Thứ 9: Để có thể ôn tập có hiệu quả bộ môn Lịch sử và các môn học khác, cần phân bố thời gian ôn tập từng môn hợp lý, có chế độ ăn uống và nghỉ ngơi phù hợp. Nên dành cho mình một khoảng thời gian để đi bộ, đi bơi hoặc chơi một môn thể thao mà mình yêu thích.

Hải Bình
Theo Giáo dục & Thời đại