Ông Li Pengfei - Bí thư thành ủy thành phố Thư Lan (tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc). Ảnh: Thành phố Thư Lan
Ông Li Pengfei - Bí thư thành ủy thành phố Thư Lan (tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc) đã bị cách chức sau khi địa phương này ghi nhận sự xuất hiện của một ổ dịch covid-19
Theo CGTN, ngay sau khi ông Li Pengfei bị cách chức, ông Zhang Jinghui - Phó Thị trưởng thành phố Cát Lâm (tỉnh Cát Lâm) đã được chỉ định giữ chức Bí thư thành ủy Thư Lan, báo Tiền phong cho biết.
Ngoài ông Li Pengfei, TP Thư Lan còn sa thải Yue Xiaoyan, Giám đốc Sở Y tế.
Cùng lúc đó, thành phố Cát Lâm sa thải 5 quan chức, trong đó có Liu Shijun, Phó Giám đốc Ủy ban Y tế.
Thư Lan hiện là thành phố duy nhất của Trung Quốc được xếp loại “có nguy cơ cao” với dịch Covid-19.
Địa phương này hiện đã xác nhận ít nhất 29 ca mắc Covid-19. Nhiều ca trong số đó có liên quan đến một nữ nhân viên giặt là.
Ít nhất 8.000 người tại tỉnh Cát Lâm đang bị cách ly vì có liên quan đến ổ dịch ở Thư Lan.
Tính đến đêm thứ Sáu, 15/5, tại tỉnh Cát Lâm còn 28 bệnh nhân Covid-19 vẫn đang phải nằm viện. 16 người trong số đó ở Thư Lan.
Sáng 16/5, Trung Quốc thông báo ghi nhận thêm 8 ca Covid-19 mới, trong đó có 6 trường hợp là nhập cảnh, 2 ca nội địa còn lại đều ở Cát Lâm. Một ca mới ở Cát Lâm là nhân viên y tế, đã sử dụng phương tiện công cộng trong suốt 2 tuần.
Ủy ban Y tế và sức khỏe Quốc gia Trung Quốc đã phải cử các đoàn chuyên gia đến Thư Lan để phối hợp điều tra dịch tễ học và hỗ trợ chống dịch.
Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, Bắc Kinh đã nỗ lực rất nhiều trong việc xử phạt các quan chức chính phủ vì thiếu trách nhiệm trong công tác phòng dịch.
Ma Mingfu, một quan chức ở Giai Mộc Tư, tỉnh Hắc Long Giang đã bị cách chức vào cuối tháng 4 vì tham gia một bữa ăn chung, vi phạm quy định về việc tránh tụ tập đông người.
Giữa tháng Hai, hai quan chức chính phủ ở Cáp Nhĩ Tân và Hắc Long Giang, đã bị buộc thôi việc vì đánh giá thấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh và không thực hiện vai trò lãnh đạo trong phòng chống dịch bệnh.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh Covid-19, ông Liu Dengfeng, một quan chức của phòng khoa học thuộc Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, vừa bất ngờ xác nhận các phòng nghiên cứu trái phép đã được yêu cầu hủy những mẫu virus SARS-CoV-2 để "phòng ngừa rủi ro với an toàn sinh học và ngăn ngừa thảm họa thứ cấp do mầm bệnh không xác định".
Ông Liu Dengfeng cho biết, khi các ca nhiễm đầu tiên được báo cáo ở Vũ Hán, "các viện nghiên cứu chuyên nghiệp cấp quốc gia" đã làm việc tích cực để xác định mầm bệnh. "Dựa trên nghiên cứu toàn diện và ý kiến chuyên gia, chúng tôi quyết định phân loại mầm bệnh gây dịch viêm phổi vào Loại II, khả năng gây bệnh cao, đồng thời áp đặt các yêu cầu an toàn sinh học đối với các hoạt động thu thập, vận chuyển và thử nghiệm mẫu, cũng như phá hủy các mẫu", ông Liu nói tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh.
Các mầm bệnh Loại II có thể lây truyền giữa người với người, động vật với động vật hoặc giữa người với động vật và gây ra các bệnh nghiêm trọng như SARS và bệnh đậu mùa.