Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:39
RSS

Các dự án điện mặt trời áp mái: Thiếu kiểm soát!

Chủ nhật, 20/12/2020, 10:40 (GMT+7)

Phát triển nguồn năng lượng tái tạo, trong đó có các dự án năng lượng mặt trời, điện mặt trời áp mái là cần thiết, vì đây chính là lời giải thiết thực cho bài toán an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, sự phát triển ồ ạt của các dự án điện mặt trời thời gian qua tại một số địa phương lại đang bộc lộ những tiêu cực...

Các dự án điện mặt trời áp mái: Thiếu kiểm soát!

Tây Nguyên - mảnh đất hấp dẫn các nhà đầu tư điện mặt trời

Nếu như cách đây vài năm, việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo là mơ ước của nhiều nhà đầu tư, do đây là loại hình năng lượng đem lại nhiều lợi ích cho xã hội được nhà quản lý khuyến khích phát triển, thì đến thời điểm này, sự phát triển ồ ạt của các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời áp mái đang khiến nhà quản lý đau đầu, do các dự án điện mặt trời chủ yếu do tư nhân lắp đặt với quy mô nhỏ, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ cháy nổ.

Chỉ trong vòng 11 tháng của năm 2020, hàng loạt công trình điện mặt trời áp mái đã mọc lên tại nhiều tỉnh Tây Nguyên. Đến các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai... thời điểm này, người ta có thể chứng kiến các dự án điện mặt trời mái nhà dày đặc đan xen, dày đặc, cho thấy sức hút của loại hình năng lượng tái tạo này lớn đến mức nào.

Với lợi thế về địa hình, có lượng ánh nắng mặt trời lớn, Tây Nguyên đang trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nguồn năng lượng tái tạo này. Tỉnh Đắk Nông trước đây hiền hòa là thế, nay cũng đón nhận hàng trăm dự án điện mặt trời mái nhà của nhiều nhà đầu tư tư nhân.

Hiện nay, 8 huyện, thành phố của tỉnh Đắk Nông đã mọc lên hàng trăm dự án xây dựng điện mặt trời áp mái. Theo Công ty Điện lực Đắk Nông, trước tháng 7/2019, trên toàn tỉnh mới chỉ có 14 dự án điện NLMT nhưng đến cuối tháng 9/2020, con số đã lên đến 195 dự án điện NLMT và điện mặt trời mái nhà, đăng ký bán điện cho ngành điện với tổng công suất 46,37 MWp.

Bên cạnh các dự án đã bán điện, tỉnh này cũng đang có 642 dự án khác với tổng công suất 197,75 MWp. Ngoài ra, có 58 dự án điện mặt trời mái nhà khác đã được thỏa thuận đấu nối vào lưới điện quốc gia nhưng chưa đóng điện…

Tương tự, tại các tỉnh Gia Lai, Đắk Lắk, các nhà đầu tư tư nhân cũng ồ ạt xây dựng các dự án điện năng lượng mặt trời khiến cho lưới điện tại các địa phương này trở nên quá tải. Cụ thể, tại tỉnh Đắk Lắk, chỉ trong vòng 2 năm trở lại đây, đã mọc lên 2.000 công trình điện mặt trời trên mái nhà, với tổng công suất hơn 120.000 kWp được đấu nối.

Theo Công ty Điện lực Đắk Lắk chỉ tính từ đầu 2020 đến nay, toàn tỉnh Đắk Lắk đã có thêm 1.500 công trình điện mặt trời áp mái với tổng công suất gần 100.000 kWp hòa lưới điện, tăng gấp 5 lần so với năm 2019. Điện mặt trời áp mái “bùng nổ” khiến lưới điện một số vùng thuộc các huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Cư Mga bị nghẽn vì quá tải.

Còn tại tỉnh Gia Lai, con số thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư địa phương này cho biết, trong vòng một năm qua, số doanh nghiệp (DN) thành lập mới và bổ sung ngành nghề liên quan đến điện áp mái bỗng dưng tăng đột biến, lên tới hơn 500 DN. Có lúc chỉ trong vòng một tháng, tỉnh có trên 300 chủ đầu tư đăng ký đầu tư dự án với tổng công suất trên 300 MWp...

Theo thống kê từ Công ty Điện lực Gia Lai, toàn tỉnh có tổng cộng 1.503 chủ đầu tư đăng ký, đang triển khai và đưa vào vận hành các hệ thống điện mặt trời mái nhà với tổng công suất 562,5 MWp. Trong đó, có trên 930 chủ đầu tư lắp đặt, đã đưa vào vận hành và bán điện, còn lại đang hoàn tất thủ tục hoặc chuẩn bị lắp đặt.

Sớm lấp lỗ hổng chính sách

Sẽ không có gì đáng bàn nếu như việc phát triển các dự án năng lượng tái tạo mang lại những lợi ích lớn cho xã hội cũng như đảm bảo được sự an toàn cho đời sống dân sinh. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, sự phát triển ồ ạt các dự án điện mặt trời áp mái tại các tỉnh Tây Nguyên chỉ trong một thời gian rất ngắn vừa qua đang nảy sinh hàng loạt những vấn đề bất cập, đặc biệt là những nguy cơ cháy nổ tại các dự án điện mặt trời tư nhân gây bất an cho dư luận xã hội.

Sự cố cháy nổ 60 tấm pin mặt trời tại nhà sản xuất của Công ty Cổ phần Điện Gia Lai là một minh chứng rõ nét.

Sự cố cháy nổ tại Gia Lai khiến cho nhiều nhà đầu tư cảm thấy e ngại hơn khi có ý định đầu tư vào loại hình năng lượng tái tạo này, tuy nhiên, cũng bộc lộ rõ hơn những lỗ hổng trong chính sách quản lý. Bởi, nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ Công thương chưa ban hành hướng dẫn nghiệm thu, thẩm duyệt về PCCC đối với các công trình điện năng lượng mặt trời khiến cho cơ quan chức năng gặp rào cản trong việc quản lý về PCCC đối với các công trình liên quan đến lĩnh vực này.

Trên thực tế, nguy cơ cháy nổ các dự án điện mặt trời áp mái đã được giới chuyên gia trong ngành cảnh báo từ lâu. Tuy nhiên, do nhiều nhà đầu tư bám vào mục tiêu hoàn thành các dự án điện mặt trời trước ngày 31/12/2020 để được hưởng mức giá điện cao, dẫn đến tình trạng quá tải ở nhiều địa phương, và hệ lụy là hạ tầng truyền tải không đủ để đáp ứng lượng công suất lớn sản sinh ra từ hàng trăm dự án điện mặt trời gây quá tải cục bộ.

Điều này một lần nữa cho thấy lỗ hổng trong chính sách quản lý, nó không chỉ khiến nhà quản lý khó nắm bắt và “điều trị” được bệnh, mà còn gây ra một hiệu ứng xấu, đó là lòng tham của nhà đầu tư, muốn tranh thủ chính sách để trục lợi hưởng giá bán điện cao.

Khẳng định thực tế này, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh thẳng thắn chỉ rõ: Lợi dụng chính sách ưu đãi về giá bán điện của Chính phủ, nhiều DN đã đổ xô mua đất nông nghiệp, đất rừng và xin chuyển đổi đầu tư điện mặt trời để hưởng giá điện cao.

Đó chính là nguyên nhân của thực trạng, vì sao mảnh đất Tây Nguyên trước đây êm đềm là thế mà chỉ trong vòng một năm trở lại đây rộ lên làn sóng xây dựng các dự án điện mặt trời mái nhà.

Thực trạng này không chỉ tiềm ẩn những rủi ro, bất cập về vấn đề an toàn trong phòng chống cháy nổ, mà còn đẩy nhiều địa phương đến bờ vực mất dần diện tích đất nông nghiệp.

Nhiều ý kiến cho rằng để tránh tình trạng trục lợi chính sách, nhà quản lý cần sớm xây dựng cơ chế riêng cho điện mặt trời mái nhà kết hợp với nông nghiệp. Do tiềm năng về điện mặt trời còn khá lớn, bởi vậy sau ngày 31/12 tới Chính phủ nên tiếp tục duy trì cơ chế giá khuyến khích đối với điện mặt trời mái nhà; đồng thời có những quy định chặt chẽ hơn về quy mô công suất để tránh việc nhà đầu tư tận dụng lỗ hổng chính sách để trục lợi.

Minh Phương
Theo Đại Đoàn Kết