Thứ sáu, 26/04/2024 | 11:55
RSS

Các 'điểm mờ' cần được làm rõ trong phiên giám đốc thẩm vụ tử tù Hồ Duy Hải

Thứ tư, 06/05/2020, 11:21 (GMT+7)

Hầu hết những điểm bất thường này đều trùng với nội dung được nêu trong quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại vụ án mà Viện trưởng Viện KSND tối cao ký ban hành vào ngày 22/11/2019.

Vụ án Hồ Duy Hải kéo dài hơn 12 năm với hàng ngàn lá đơn kêu oan của mẹ bị án và luật sư Trần Hồng Phong (Đoàn luật sư TP.HCM hỗ trợ pháp lý cho Hồ Duy Hải) gửi các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan chức năng. Nội dung trong những lá đơn ấy đều nêu những điểm bất thường trong vụ án mà nếu dựa vào đó thì không thể buộc tội, kết án Hồ Duy Hải.

Đáng lưu ý, hầu hết những điểm bất thường này đều trùng với nội dung được nêu trong quyết định kháng nghị giám đốc thẩm, đề nghị hủy 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm để điều tra lại vụ án mà Viện trưởng Viện KSND tối cao ký ban hành vào ngày 22/11/2019. Vì vậy, trong phiên xử giám đốc thẩm hôm nay (6/5), các cơ quan tiến hành tố tụng phải giải quyết được các vấn đề mâu thuẫn trước khi tuyên án.

Trong đó, nội dung lời khai của bị cáo Hồ Duy Hải mâu thuẫn với nhau và mâu thuẫn với kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi nhưng chưa được điều tra, thẩm vấn làm rõ tại phiên tòa.

Về mâu thuẫn trong hành vi tấn công nạn nhân: các lời khai ban đầu của Hải không trùng khớp với những lời khai sau về hành vi đánh nạn nhân cũng như cách dùng hung khí (dao) để thực hiện hành vi phạm tội, báo Công an TPHCM cho hay.

Các 'điểm mờ' cần được làm rõ trong phiêm giám đốc thẩm vụ tử tù Hồ Duy Hải
Chân dung Hồ Duy Hải. Ảnh: VNE

Tiếp đến là mâu thuẫn về thời gian sau khi gây án và việc tiêu thụ tài sản ăn cắp cũng có mâu thuẫn: lời khai bán điện thoại cho một thanh niên lấy 200 ngàn đồng, bán nữ trang được 3 triệu đồng của Hải không thống nhất trong các bản cung về người mua, nơi mua. Ngoài ra, còn có sự mâu thuẫn trong lời khai của Hải về hành vi hiếp dâm nạn nhân, nhiều lời khai của Hải trước sau không thống nhất.

Kháng nghị cũng đề cập đến việc, trong bản kết luận điều tra, anh Đinh Vũ Thường đến Bưu điện Cầu Voi gọi điện về Cà Mau lúc 19h39’, có nhìn thấy một thanh niên ngồi trong bưu điện. Nhưng cũng theo kết luận điều tra vào lúc 19h13’, Hải đang có mặt tại hiệu cầm đồ để làm thủ tục cầm đồ rồi quay về nhà dì ruột của bị cáo... Tính toán quãng đường và thời gian, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng, Hải không thể có mặt tại Bưu điện lúc 19h39' như trong kết luận điều tra.

Theo báo Thanh Niên, ngày 7/12/2011, luật sư Trần Hồng Phong đã đi tìm gặp anh Đinh Vũ Thường và nhân chứng cho biết, mình không được tòa án triệu tập tham dự phiên tòa. Đặc biệt, anh Thường khẳng định không nhìn thấy Hồ Duy Hải tại Bưu điện Cầu Voi. Anh Đinh Vũ Thường đồng ý viết một giấy xác nhận, có nội dung: “Tôi xác định, chiếc xe tôi nhìn thấy tại Bưu điện Cầu Voi tối ngày 13/1/2008 là loại xe Dream cao.

Tòa án không mời tôi tham dự phiên tòa. Tôi không khẳng định nhận dạng được người thanh niên mà tôi thấy tối hôm 13/1/2008 tại Bưu điện Cầu Voi”. Giấy xác nhận này luật sư Trần Hồng Phong đã giao nộp, cung cấp đến Chánh án TAND tối cao, Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, Viện trưởng Viện KSND tối cao trước phiên xử giám đốc thẩm.

Về vật chứng của vụ án. Theo hồ sơ, Hồ Duy Hải giết 2 nhân viên bưu điện bằng ghế, dao, thớt. Song, hơn 2 tháng sau khi vụ án xảy ra, CQĐT thu giữ 1 chiếc ghế inox có mã số khác với mã số chiếc ghế trong bản ảnh và khác với mã số ghi nhận trong biên bản khám nghiệm hiện trường; đối với vật chứng là con dao, hồ sơ thể hiện con dao gây án được một số người dọn dẹp hiện trường vụ án đem đi đốt, sau đó một trong những người này phải ra chợ mua một con dao khác để đưa vào hồ sơ vụ án.

Các 'điểm mờ' cần được làm rõ trong phiêm giám đốc thẩm vụ tử tù Hồ Duy Hải
Bưu điện Cầu Voi. Ảnh: VNE

Tương tự, tấm thớt được cho là vật chứng mà Hồ Duy Hải dùng để đập đầu nạn nhân cũng không được cơ quan điều tra (CQĐT) thu giữ khi khám nghiệm hiện trường. Hơn 5 tháng sau, theo yêu cầu của CQĐT, ngày 24/6/2008, bà Lê Thị Thu Hiếu (bạn của 2 nạn nhân) mới đi mua một tấm thớt gỗ khác về nộp cho CQĐT để làm vật mô phỏng.

Dấu vân tay tại hiện trường là của ai? Theo kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND tối cao, Kết luận giám định số 158 ngày 11//2008 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An ghi rõ: “Các dấu vân tay thu được tại hiện trường vụ án, không phát hiện trùng với điểm chỉ 10 ngón tay in trên chỉ bản của Hồ Duy Hải”. Vậy dấu vân tay này của ai, có liên quan gì đến vụ án là việc các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh Long An phải giải thích rõ.

Bện cạnh đó, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng có nhiều vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng như: Bỏ sót những chứng cứ vụ án, không trưng cầu giám định vết máu, không đưa ra một số lời khai của Hồ Duy Hải và người làm chứng vào hồ sơ vụ án dẫn đến sai lầm trong giải quyết vụ án.

Vì vậy, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng những vấn đề trên cần phải khắc phục để bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật không làm oan người vô tội và không bỏ lọt tội phạm.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN