Ngày 28/7, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh thành phố; các bệnh viện/ viện trực thuộc Bộ; các cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc về việc bảo đảm cung ứng, kiểm soát chặt chẽ giá thuốc điều trị cúm mùa.
Tại văn bản này, Cục Quản lý Dược cho biết, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn một số tỉnh thành phố số ca cúm mùa có xu hướng gia tăng, trong đó tỉ lệ ca mắc cúm A qua thống kê của các bệnh viện tăng cao so với các năm trước.
Để bảo đảm việc cung ứng thuốc điều trị cúm và kiểm soát giá các thuốc điều trị cúm mùa, đặc biệt đối với các thuốc điều trị cúm A (thuốc Tamiflu và các thuốc chứa hoạt chất oseltamivir), Cục Quản lý Dược yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện Công điện số 665/CĐ-TTg ngày 25/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phòng, chống sốt xuất huyết và các dịch bệnh truyền nhiễm khác.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng trực thuộc Sở Y tế chủ động xây dựng và triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.
Chỉ đạo các bệnh viện, các doanh nghiệp kinh doanh thuốc trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định về quản lý giá thuốc (niêm yết giá thuốc và bản theo giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá bán buôn, bán lẻ kê khai, kê khai lại đã công bố), không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi; các cơ sở bán lẻ thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nghiêm quy định về thặng số bán lẻ quy định tại Điều 136 Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2021 của Chính phủ.
Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến cho các cơ sở y tế, cơ sở kinh doanh dược và người dân về việc mua, bán, sử dụng thuốc điều trị cúm theo đúng quy định; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh các thuốc kháng virus dùng trong điều trị cúm, đặc biệt các thuốc điều trị cúm A và xử lý nghiêm các vi phạm, đặc biệt các trường hợp kinh doanh thuốc không rõ nguồn gốc, lợi dụng dịch bệnh để tăng giá thuốc bất hợp lý.
Tamiflu là thuốc được cấp phép lưu hành để điều trị cúm
Về phía các bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế, Cục Quản lý Dược yêu cầu chủ động triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc điều trị cúm, đặc biệt thuốc điều trị cúm A, không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân, thực hiện đúng các quy định về quản lý giá thuốc.
Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc, Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh các thuốc điều trị cúm, trong đó có các thuốc điều trị cúm A, chủ động khẩn trương lên kế hoạch sản xuất, nhập khẩu thuốc để bảo đảm nguồn cung ứng phục vụ công tác điều trị và thực hiện các hợp đồng cung ứng thuốc với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo kết quả trúng thầu đã ký kết.
Các cơ sở bán lẻ thuốc có trách nhiệm hướng dẫn đầy đủ cho người dân về việc sử dụng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và hướng dẫn sử dụng thuốc để bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Cục Quản lý Dược yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc phải tuân thủ đầy đủ các quy định về quản lý giá thuốc (niêm yết giá thuốc và bán theo giá niêm yết, mua thuốc theo giá không cao hơn giá bán buôn, bán lẻ kê khai, kê khai lại đã công bố), tuyệt đối không được lợi dụng tình hình dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng và đẩy giá thuốc tăng cao nhằm trục lợi.
Trao đổi với Báo Dân Việt, bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn tổng hợp, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, cúm A là bệnh về đường hô hấp và có thể gây ra các triệu chứng tương tự như ho, sổ mũi, đau họng, sốt, nhức đầu và mệt mỏi. Bệnh này lây lan qua các giọt bắn và khí dung khi người bị bệnh hít thở, nói, ho hoặc hắt hơi. Bác sĩ Thiệu khuyến cáo, khi người dân có biểu hiện sốt cao trên 38 độ kèm theo chảy mũi, ho,đau người, đau đầu, khó thở, tức ngực thì nên đến cơ sở y tế để khám chứ không tự ý dùng thuốc tại nhà mà không có tham khảo của các bác sĩ chuyên môn. Theo bác sĩ Thiệu, việc người dân tự ý đi mua thuốc Tamiflu tích trữ, thậm chí tự ý sử dụng là không cần thiết. Dù Tamiflu là một thuốc kháng virus vì vậy nên có chỉ định dùng sớm. Nhưng phải được sử dụng theo đúng chỉ định của bác sĩ, nghĩa là người bệnh phải được xác định chính xác nhiễm cúm A. Để phòng cúm, bác sĩ Thiệu nhấn mạnh người dân cần giữ gìn vệ sinh cá nhân như rửa tay sạch với xà phòng diệt khuẩn hoặc dung dịch sát khuẩn trước khi ăn, khi đi từ ngoài về nhà. Hạn chế đưa tay tiếp xúc vùng mắt, mũi, miệng và khi tiếp xúc với người nghi cúm, cần đeo khẩu trang. Đặc biệt người nghi là bị cúm hoặc đã xác định mắc bệnh cúm cần đeo khẩu trang khi có tiếp xúc với người khác hoặc lúc ra khỏi nhà . Cần thường xuyên vệ sinh không gian sống và khu vực vui chơi của trẻ, đặc biệt là môi trường lớp học, các đồ chơi, vật dụng trẻ tiếp xúc hàng ngày… Tiêm vaccine phòng cúm vào trước giao mùa khoảng 3 tháng (vào tháng 7-9 hàng năm) để cơ thể kịp sản sinh kháng thể cần thiết để chống lại virus gây bệnh và cần tiêm phòng nhắc lại hàng năm. Ngoài ra cần chú ý nâng cao thể trạng, đặc biệt cho trẻ em thông qua việc ăn uống đủ chất, bổ sung vitamin, khoáng chất... theo lứa tuổi và uống đủ lượng nước cần thiết hàng ngày. Người lớn và người cao tuổi nên thể dục vừa sức thường xuyên để nâng cao đề kháng. |