Chủ nhật, 19/01/2025 | 15:24
RSS

Bộ Y tế giải thích về giá giường bệnh dịch vụ 4 triệu đồng/ngày

Thứ ba, 13/08/2019, 07:03 (GMT+7)

Theo đại diện Bộ Y tế mặc dù quy định mức giá tối đa là 4 triệu đồng đối loại 1 giường/1 phòng dịch vụ nhưng giường điều trị có hàng chục loại nên không phải cứ 1 giường/1 phòng là thu 4 triệu đồng.

Bộ Y tế giải thích về giá giường bệnh dịch vụ lên tới 4 triệu đồng/ngày
 Ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế.

Vì sao phải xây dựng giá dịch khám chữa bệnh tại bệnh viện công?

Trong buổi gặp mặt Thông tin báo chí do Bộ Y tế tổ chức ngày 12/8, ông Nguyễn Nam Liên - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ Y tế nhấn mạnh việc ban hành Thông tư hướng dẫn xây dựng giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tại cơ sở y tế công lập là cần thiết.

Theo ông Liên, trên thực tế nhu cầu của người dân về sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh có chất lượng dịch vụ cao, đòi hỏi được chăm sóc toàn diện (dịch vụ theo yêu cầu) là rất lớn. Vì thế bệnh viện phải có hình thức cung cấp dịch vụ đa dạng để đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân.

Có nhiều người muốn sử dụng dịch vụ ở mức cao hơn, ngoài cơ bản, ngoài BHYT thanh toán, ví dụ như khám cần mời các chuyên gia, thầy thuốc giỏi, không chỉ trong nước mà có người còn cần mời chuyên gia quốc tế Giường bệnh, có người có nhu cầu nằm phòng chỉ 300-500-1.000.000 đồng nhưng có người cần phòng riêng, đầy đủ tiện nghi, có phòng khách, phòng ăn, cần chăm sóc 24/24h… nên giá giường phải khác và bệnh viện nên đáp ứng.

Thực tế cũng cho thấy nhiều người dân đăng ký khám, nằm điều trị tại một số bệnh viện tư, bệnh viện quốc tế như Việt Pháp, Vinmec... chủ yếu là để có giường nằm đáp ứng nhu cầu. Còn thực hiện các dịch vụ như khám, phẫu thuật, điều trị lại mời các bác sỹ bệnh viện công. Do bệnh viện công không có các phòng bệnh đáp ứng  yêu cầu. Rất thiệt thòi cho các bệnh viện công lập.

Bên cạnh đó theo thống kê, mỗi năm có khoảng 40.000-50.000 người Việt Nam ra nước ngoài chữa bệnh, tiêu tốn tới 2 tỷ USD. Trong khi đó, hiện có khoảng hơn 300.000-500.000 người nước ngoài làm việc ở Việt Nam. Theo ông Liên, nếu các cơ sở y tế ở nước ta có khu dịch vụ chất lượng cao, khi đó, người Việt không phải ra nước ngoài và người nước ngoài làm việc ở Việt Nam cũng không phải về nước hoặc đi các nước khác để chữa bệnh.

“Việc thu hút người nước ngoài chữa bệnh ở Việt Nam còn giúp chúng ta thu hút ngoại tệ từ các đối tượng này.", ông Liên cho biết.

Bộ Y tế giải thích về giá giường bệnh dịch vụ lên tới 4 triệu đồng/ngày 2
Hình ảnh một phòng dịch vụ tại Bệnh viện Việt Đức.

So sánh giá giường bệnh dịch vụ với khách sạn hạng sang là không hợp lý

Trước nhiều ý kiến cho rằng giá giường bệnh dịch vụ 4 triệu đồng/ngày là quá cao, sánh ngang với khách sạn hạng sang, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Nguyễn Nam Liên cho biết việc so sánh này là không hợp lý bởi lẽ : "Khách sạn du khách chỉ ở thời gian ngắn, chủ yếu tối về ngủ, còn ban ngày đi công tác, đi du lịch.

Nhưng giường bệnh viện là người bệnh phải nằm 24/24h, luôn có điều dưỡng chăm sóc 24/24h giờ, kèm ăn uống, bệnh lý... Giường 4 triệu đồng/ngày chỉ áp dụng cho một số bệnh viện có điều kiện xây dựng theo đúng tiêu chuẩn. Giường này có cả giường nằm cho người nhà, phòng tiếp khách trong phòng bệnh”, ông Liên giải thích.

Cũng theo ông Liên, Thông tư có quy định mức giá tối đa là 4 triệu đồng đối loại 1 giường/1 phòng. Giường điều trị có hàng chục loại nên không phải cứ 1 giường/1 phòng là được thu 4 triệu đồng mà các bệnh viện phải xây dựng, quyết định giá cho từng loại giường như: hồi sức tích cực, giường sau các phẫu thuật loại đặc biệt, lọai I.. giường điều trị nội khoa….

Chi phí các vật tư chăm sóc người bệnh cũng phải tính theo từng loại giường. Tiền lương phải tính theo trình độ bác sỹ điều trị và mức độ chăm sóc của điều dưỡng. Người bệnh nặng, phải luôn có 1 điều dưỡng chăm sóc 24/24 giờ, người nhà không phải chăm sóc thì giá khác với giường cũng chăm sóc 24/24 giờ nhưng 1 điều dưỡng có thể phục vụ 2-3 hoặc 4 giường….

Mặt khác, do là giường dịch vụ theo yêu cầu, trên cơ sở tự nguyện của người dân nên các bệnh viện khi quyết định giá cũng phải tham khảo thị trường, nếu giá cao, chất lượng chuyên môn, phục vụ chưa tốt thì người dân sẽ lựa chọn cơ sở y tế khác.

Theo người đứng đầu Vụ Kế hoạch Tài chính trong trường hợp bệnh viện sử dụng tài sản công do nhà nước đầu tư để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu thì phải hoàn thành các hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ nhà nước giao cho đơn vị. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ được sử dụng tài sản công để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu sau khi bảo đảm được việc khám bệnh, chữa bệnh cho người có bảo hiểm y tế.

\Trường hợp quá tải về khám bệnh hoặc người bệnh có bảo hiểm y tế thường xuyên phải nằm ghép thì không được sử dụng số phòng khám hiện có hoặc số giường bệnh kế hoạch được giao để hoạt động dịch vụ theo yêu cầu. Đơn vị phải tự đầu tư cơ sở hoặc thuê cơ sở để thực hiện các hoạt động dịch vụ theo yêu cầu.

Bộ Y tế giải thích về giá giường bệnh dịch vụ lên tới 4 triệu đồng/ngày 3
Hình ảnh một phòng dịch vụ cho sản phụ tại Bệnh viện Từ Dũ.

Tác động của việc quy định giá khám chữa bệnh dịch vụ tới người dân

Theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính Nguyễn Nam Liên, việc ban hành thông tư quy định giá khám chữa bệnh dịch vụ sẽ không tác động nhiều tới đại đa số người dân bởi Giá dịch vụ chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh theo yêu cầu chỉ áp dụng với người có nhu cầu và tự nguyện đăng ký sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, khám, chữa bệnh theo yêu cầu. 

Người có thẻ BHYT đi khám, chữa bệnh sẽ thực hiện theo mức giá do Bộ Y tế quy định trong thanh toán BHYT. Với người không có thẻ BHYT nhưng không đăng ký tự nguyện sử dụng các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu sẽ chi trả mức giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.  

Cụ thể:

- Với đố tượng là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng KTXH khó khăn, người sinh sống ở vùng KTXH đặc biệt khó khăn, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân sinh sống tại huyện đảo, xã đảo; người có công với cách mạng, thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng, các đối tượng chính sách xã hội thuộc diện được Ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính khác mua thẻ BHYT, khi đi KCB được BHYT thanh toán 100%: không bị ảnh hưởng

- Đối với người cận nghèo: tỷ lệ đồng chi trả là 5% (tỷ lệ điều chỉnh giá tăng bình quân 4,4% đối với ngày giường, 1,1% đối với các dịch vụ khác) nên mức độ tác động không đáng kể (tăng thêm 5% của 4,4% đối với ngày giường là 0,22%, tăng thêm 5% của 1,1% đối với các dịch vụ khác là 0,05%). 

- Các đối tượng có thẻ BHYT phải đồng chi trả 20% chi phí KCB BHYT thì có bị ảnh hưởng, tuy nhiên mức độ ảnh hưởng không nhiều (tăng thêm 20% của 4,4% đối với ngày giường là 0,88%, tăng thêm 5% của 1,1% đối với các dịch vụ khác là 0,2%).

Mặt khác, với người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi KCB đúng tuyến, khi số tiền đồng chi trả trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì chỉ phải thanh toán tối đa 06 tháng lương cơ sở. Việc này rõ ràng có lợi với nhóm đối tượng này.

Minh Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN