Thứ bảy, 20/04/2024 | 02:29
RSS

95% người bệnh không hài lòng về viện phí hiện nay

Thứ ba, 04/06/2019, 19:56 (GMT+7)

Kết quả khảo sát mới đây cho thấy, hầu hết người bệnh không hài lòng về viện phí cho thấy ngành y tế cần phải thay đổi rất nhiều điều.

Sự hài lòng của người bệnh vượt cả mục tiêu đề ra

Hơn 80% người bệnh hài lòng về chất lượng phục vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện
Hình ảnh trong buổi thông tin báo chí về 5 năm thực hiện "Đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng đến sự hài lòng của người bệnh".

Thông tin từ PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh năm 2018 được Bộ Y tế và Tổ chức Sáng kiến Việt Nam khảo sát trên 7.500 bệnh nhân nội trú và người nhà đi theo chăm sóc ở 60 bệnh viện tại 23 tỉnh thành trên cả nước, mức độ hài lòng của người bệnh nội trú tại bệnh viện đạt mức 80,8%  tương ứng với 4,04/5 điểm, con số này tăng 0,06 điểm so với năm 2017. 

Còn theo kết quả khảo sát do Vụ Tổ chức cán bộ và Viện Chiến lược chính sách y tế đánh giá sự hài lòng của người bệnh tại 53 bệnh viện tuyến Trung ương, bệnh viện thuộc trường, bệnh viện tuyến tỉnh kết quả hài lòng của người bệnh đạt 83,7 %. Như vậy mức độ hài lòng của người dân với bệnh viện đạt mức hơn 80% là khá chính xác.

Nghị quyết của Chính phủ đặt ra là phấn đấu đến năm 2020 đạt tối đa khoảng 80% sự hài lòng của người dân về dịch vụ công. Riêng ngành y tế cũng đặt ra mục tiêu đạt 80% sự hài lòng của người bệnh vào năm 2020, tuy nhiên đến thời điểm này ngành y tế đã đạt được trên 80%. 

Theo PGS Lương Ngọc Khuê, đó là sự đánh giá cho những nỗ lực hết sức to lớn của cán bộ toàn ngành y tế  từ tuyến trung ương đến địa phương. Có được kết quả hết sức khích lệ này là nhờ áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ trong đó có việc đổi mới, rút ngắn quy trình khám chữa bệnh, đơn giản và giảm thời gian chờ đợi; xây dựng đường dây nóng; hòm thư góp ý; chú trọng công tác tiếp sức người bệnh trong bệnh viện...

Bên cạnh đó phải kể đến các Đề án giảm tải bệnh viện, xây thêm bệnh viện mới; Đề án Bệnh viện vệ tinh cho 5 chuyên khoa đang quá tải trầm trọng là ung thư, tim mạch, sản nhi, chấn thương chỉnh hình; các bệnh viện tuyến dưới đã làm chủ được các kỹ thuật cao, chữa trị nhiều ca bệnh khó, làm giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trung ương, làm tăng thêm sự hài lòng của người bệnh...

Tiếp đến là việc Bộ Y tế ban hành bộ 83 tiêu chí về chất lượng bệnh viện gồm thái độ, chất lượng khám chữa bệnh, quy trình khám chữa bệnh... Đây được coi là quy định có ý nghĩa rất lớn thay đổi chất lượng bệnh viện toàn diện, sâu sắc trong đó một vấn đề quan trọng là thay đổi quan niệm cán bộ y tế từ người ban ơn sang người phục vụ và khách hàng chính là bệnh nhân.

Vẫn còn nhiều điểm phải khắc phục

Hơn 80% người bệnh hài lòng về chất lượng phục vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện 2
Bệnh viện Đại học Y dược TP.Hồ Chí Minh là một trong những bệnh viện có chỉ số hài lòng của người bệnh cao nhất cả nước.

Cũng theo khảo sát mức độ hài lòng của người bệnh do Bộ Y tế và Tổ chức Sáng kiến Việt Nam trong số 60 bệnh viện được khảo sát, có 13 bệnh viện được người bệnh hài lòng nhất và thuộc nhóm xếp hạng rất tốt, chiếm 21,7% số bệnh viện được khảo sát, 26 bệnh viện người bệnh hài lòng và được xếp hạng tốt, chiếm 43,3% còn lại 21 bệnh viện thuộc nhóm xếp hạng khá, chiếm 35%.

Người bệnh ở các bệnh viện tuyến trên có mức độ hài lòng cao hơn cơ sở y tế tuyến dưới như bệnh viện tỉnh và huyện. Các bệnh viện ở TP HCM có điểm số hài lòng cao hơn các bệnh viện tại Hà Nội bao gồm cả dịch vụ và chi phí khám chữa bệnh, cơ sở vật chất. 

Theo kết quả khảo sát này, chỉ số hài lòng với môi trường và nhà vệ sinh bệnh viện có thay đổi theo hướng tích cực hơn tuy nhiên, chỉ số này vẫn xếp ở nhóm cuối trong bảng. Tại một số bệnh viện tuyến Trung ương như Bệnh viện Mắt Trung ương, bệnh viện Bạch Mai... vẫn có nhiều người dân phàn nàn về nhà vệ sinh không sạch hay việc hút thuốc lá tràn lan nơi công cộng.

Chỉ số kém hài lòng nhất với bệnh nhân chính là viện phí với tỷ lệ không hài lòng gần 95%. Nguyên nhân là giá dịch vụ y tế liên tục tăng ảnh hưởng đến chi phí điều trị và tác động tới đời sống của người dân, đặc biệt là những người có hoàn cảnh khó khăn. Trong số này, bệnh nhân khám chữa bệnh BHYT phản ánh vẫn phải chi trả thêm khiến bệnh nhân khó điều trị lâu dài.

Nói về vấn đề này PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết: "Kết quả khảo sát người bệnh không hài lòng về viện phí cho thấy ngành y tế cần nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tương xứng với chi phí người bệnh bỏ ra"

Minh Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN