Mới đây, Bộ Y tế đã có công văn về việc tăng cường triển khai tiêm vaccine Covid-19. Tại công văn này, Bộ Y tế nhấn mạnh, việc tiêm vaccine Covid-19 là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh.
Theo Bộ Y tế, trước đó Bộ đã có đầy đủ các hướng dẫn chuyên môn về tiêm các mũi vaccine Covid-19, tuy nhiên thời gian vừa qua có những thông tin chưa chính xác về cách gọi tên các mũi tiêm.
Bộ Y tế điều chỉnh, làm rõ về cách xác định các mũi tiêm 3, 4 vaccine Covid-19 và thời gian tiêm. So với hướng dẫn trước đó, cụm từ "tiêm ngay" được thay thế cho từ "ít nhất", cụ thể như sau:
Đối với tiêm mũi 3, người trên 18 tuổi tiêm ngay sau mũi 2 ba tháng, người đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay sau khi khỏi bệnh. Người từ 12 đến dưới 18 tuổi tiêm ngay sau mũi 2 năm tháng, người đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay sau khi khỏi bệnh ba tháng.
Đối với tiêm mũi 4, tiêm ngay sau mũi 3 bốn tháng, người đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay sau khi khỏi bệnh ba tháng. Tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Trẻ đã mắc Covid-19 thì tiêm ngay sau khi khỏi bệnh 3 ba tháng.
Tiêm vaccine Covid-19 cho người dân. Ảnh minh hoạ
Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về tác dụng, hiệu quả của vaccine; tập trung truyền thông và tiêm chủng cho các đối tượng, đặc biệt cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, lưu ý các trẻ có nguy cơ cao, trẻ sống ở khu vực có tỉ lệ bao phủ vaccine thấp; tổ chức các đội tuyên truyền, vận động tiêm đến từng địa bàn dân cư.
Bên cạnh đó, công khai các điểm tiêm chủng trên địa bàn (địa chỉ, người phụ trách, thông tin liên hệ) và thông tin đến người dân để người dân biết và đi tiêm chủng kịp thời.
Cũng tại văn bản này Bộ Y tế đề nghị Bộ giáo dục và Đào tạo chỉ đạo tăng tốc độ tiêm chủng vaccine cho trẻ mầm non, học sinh, sinh viên đặc biệt ưu tiên trẻ em từ 5 - dưới 12 tuổi và trẻ có nguy cơ cao; nhanh chóng hoàn thành tiêm mũi 3, mũi 4 cho cán bộ, công nhân viên chức và người lao động trong ngành theo hướng dẫn của Bộ Y tế;
Tăng cường truyền thông, tư vấn cho học sinh, sinh viên, cha mẹ hoặc người giám hộ hợp pháp của trẻ em, học sinh về tác dụng, lợi ích của việc tiêm chủng, những phản ứng có thể gặp sau tiêm chủng và trách nhiệm bảo đảm quyền được tiêm chủng của trẻ em để tạo sự đồng thuận, vận động các em và phụ huynh, người giám hộ hợp pháp của trẻ đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, kịp thời.
Sáng 23/7, Bộ Y tế đã cập nhật thông tin mới nhất về tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi ở nước ta. Theo đó, tính đến 22/7, cả nước đã tiêm cho trẻ từ 5 - dưới 12 tuổi đạt tổng số mũi là 11.209.597, tăng khoảng hơn 290.000 liều so với ngày trước đó. Kết quả tiêm mũi 1 cho trẻ trong độ tuổi này là 7.501.131 trẻ (đạt tỷ lệ 65,5%); tăng 1%. 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp dưới 47%: Hà Nội (46,8%); Hà Tĩnh (46,6%); Đà Nẵng (33,9%); Quảng Nam (34,1%); TP Hồ Chí Minh (42,1%). Kết quả tiêm mũi 2 cho trẻ trong độ tuổi này là 3.708.466 trẻ (đạt tỷ lệ 32,4%); tăng 1,6%. 5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp dưới 16%: Hà Nội (14,8%); Vĩnh Phúc (15,7%); Đà Nẵng (14,2%); Quảng Nam (9,5%); Khánh Hòa (14,9%). 3 tỉnh tiêm cao: Ninh Thuận (71,4%); Sóc Trăng (65,9%); Vĩnh Long (61,5%). Đối với nhóm từ 18 tuổi trở lên, tiêm mũi 3, tổng số có 47.445.309 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 71,0%) tăng 0,2%, trong ngày có 42 tỉnh triển khai với 80.504 người được tiêm. 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm mũi 3 thấp dưới 52%: Hải Phòng (51,8%);Quảng Nam (45,9%); Bình Thuận (49,6%); Đồng Nai (45,7%); Cần Thơ (51,6%). 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 3 cao: Thanh Hóa (95,1%); Bắc Giang (96,6%); Bến Tre (95,4%). Tiêm mũi 4, tổng số có 7.881.379 mũi tiêm (đạt tỷ lệ 44,2%) tăng 1,7%, trong ngày có 46 tỉnh triển khai với 228.386 người được tiêm. 5 tỉnh có tỷ lệ tiêm mũi 4 thấp dưới 18%: Bắc Cạn (17,1%); Nghệ An (11,9%); Quảng Bình (6,1%); Quảng Trị (16,6%); Bình Định (7,3%). 3 tỉnh có tỷ lệ tiêm nhắc mũi 2 cao: Quảng Ninh (96,8%); Phú Yên (98,3%); Khánh Hòa (89,6%). Đối với nhóm từ 12 - dưới 18 tuổi, tiêm mũi 3 được 2.370.018 trẻ (đạt tỷ lệ 27,1%) tăng 1,7%. 27 tỉnh tiêm mũi 3 cho trẻ trong độ tuổi này thấp dưới 25% gồm: Miền Bắc (12 tỉnh) là Hà Nội; Thái Bình; Nam Định; Hưng Yên; Nghệ An; Hà Tĩnh; Lai Châu; Tuyên Quang; Hà Giang; Cao Bằng; Sơn La; Điện Biên (Chưa triển khai). Miền Trung (8 tỉnh) là Quảng Bình; Quảng Trị; Đà Nẵng; Quảng Nam; Quảng Ngãi; Phú Yên; Khánh Hòa; Bình Thuận. Tây Nguyên (1 tỉnh) là Gia Lai. Miền Nam (6 tỉnh) là TP Hồ Chí Minh; Bà Rịa – Vũng Tàu; Đồng Nai; Sóc Trăng; Đồng Tháp; Bình Dương. 3 tỉnh tiêm cao gồm: Bắc Giang (72,3%); Vĩnh Long (62,5%); Hậu Giang (60,1%). |