Thứ ba, 16/04/2024 | 10:21
RSS

Bộ trưởng Bộ GD &ĐT Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm trước Chính phủ

Thứ tư, 01/08/2018, 14:46 (GMT+7)

Về vụ việc tiêu cực xảy ra tại Hà Giang, Sơn La vừa qua, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã có phát biểu trước Chính phủ.

Ông Phùng Xuân Nhạ nói gì trước Chính phủ về tiêu cực thi cử?
Ông Phùng Xuân Nhạ nói gì trước Chính phủ về tiêu cực thi cử?​. Ảnh Tri thức trực tuyến. 

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Trong các năm 2015, 2016, 2017, kỳ thi được tổ chức và rút kinh nghiệm qua từng năm nên ngày càng hoàn thiện. 

Từ năm 2017, Kỳ thi được tổ chức ở tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương do sở GD&ĐT chủ trì, các trường ĐH, CĐ phối hợp, hỗ trợ tổ chức thi; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tổ chức thi và xét tuyển ĐH, CĐ. 

Đặc biệt, áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan với hầu hết các bài thi (trừ môn Ngữ văn); bảo đảm mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi riêng; kết quả làm bài của thí sinh được chấm bằng máy quét với phần mềm máy tính, Dân việt đưa tin.

Phát huy kết quả đã đạt được qua 3 năm đổi mới thi và tuyển sinh, Bộ GD&ĐT đã báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý giữ ổn định phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2017 cho năm 2018 và các năm tiếp theo, với những điều chỉnh kỹ thuật trên cơ sở rút kinh nghiệm tổ chức thi và tuyển sinh từng năm, cho đến khi áp dụng đầy đủ chương trình giáo dục phổ thông mới.

Về vụ việc tiêu cực xảy ra tại Hà Giang, Sơn La vừa qua, người đứng đầu ngành giáo dục đánh giá là những sai phạm rất nghiêm trọng. Bộ đã báo cáo Thủ tướng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để xử lý vụ việc trên tinh thần nghiêm túc, kiên quyết, kịp thời, xử lý nghiêm minh các cá nhân vi phạm theo đúng quy chế thi và các quy định pháp luật hiện hành.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, khi xảy ra sai phạm thì phải xử lý nghiêm nhưng không vì sai phạm ấy mà phủ nhận toàn bộ kết quả của kỳ thi và vội vàng đề nghị xóa bỏ kỳ thi này như một số ý kiến đặt ra.

“Trước các sai phạm xảy ra tại một số địa phương, với trách nhiệm của mình, tôi xin nhận trách nhiệm”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu.

Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, sẽ tiếp tục bổ sung ngân hàng câu hỏi thi làm cơ sở để xây dựng đề thi phù hợp, đáp ứng tốt hơn mục đích, yêu cầu của Kỳ thi THPT quốc gia. Hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi, Tri thức trực tuyến đưa tin.

Cải tiến phương thức tổ chức chấm thi, trong đó xem xét chấm tập trung theo các cụm để nâng cao tính trung thực, khách quan trong khâu chấm thi. Quy định rõ trách nhiệm của các địa phương, trường đại học, cán bộ làm công tác coi thi, chấm thi; tăng cường vai trò giám sát, thanh, kiểm tra của Bộ GDĐT đối với các Hội đồng thi.

"Chúng ta đang sửa 2 luật (Luật GD và Luật GDĐH), vấn đề thi và tuyển sinh cũng được đặt ra, nhưng như đã phân tích ở trên, việc bỏ thi THPT quốc gia ở thời điểm này là không nên. 

Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu thấu đáo nhưng quan điểm của Bộ việc bỏ thi THPT quốc gia trong những năm tới là chưa thể thực hiện được. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ cố gắng để kỳ thi này đảm bảo thực chất hơn, đánh giá đúng chất lượng giáo dục của các địa phương", ông nói.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng cho hay sẽ tiếp tục hoàn thiện để kỳ thi THPT quốc gia những năm tới được tổ chức tốt hơn.

Trước đó, ngày 31/7, Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Sơn La) khởi tố bị can với 3 đối tượng và cấm đi khỏi nơi cư trú với 2 đối tượng.

Ngày 26/7, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã ra quyết định khởi tố vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, quy định tại Điều 356 Bộ luật hình sự để điều tra về việc nhiều bài thi tốt nghiệp THPT ở tỉnh có dấu hiệu bị sửa.

Quyết định khởi tố được cơ quan điều tra ban hành sau khi xác định có dấu hiệu tội phạm Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra Hội đồng thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh Sơn La.

Theo bảng thống kê thì có 42/110 bài thi có thay đổi điểm sau khi chấm thẩm định môn ngữ văn. Trong đó, có 12 bài thi có điểm thấp hơn so với chấm lần đầu từ 1,0 điểm trở lên. Trong số này có 1 bài có điểm thấp hơn 3 điểm và 1 bài là 4,5 điểm so với chấm lần đầu. Còn lại là 30 bài từ 0,25 đến 0,75 điểm.

Về kết quả đối chiếu điểm thi môn ngữ văn, sau khi đối chiếu, phần lớn điểm thi môn ngữ văn có sự giống nhau giữa điểm ghi trên bài thi và điểm tại biểu kết quả chấm thi được in ra từ phần mềm hỗ trợ chấm thi (điểm đã nhập vào máy). Tuy nhiên, có 16 bài thi có sự khác nhau giữa điểm ghi trên bài thi và biểu kết quả chấm

Ngày 19/7, Cơ quan an ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang vừa ra Quyết định khởi tố hình sự về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” vụ nâng điểm cho hơn 300 bài thi ở Hà Giang.

Có tất cả 114 thí sinh, với hơn 330 bài thi có tổng điểm đã công bố chênh lên hơn 1,0 điểm so với điểm chấm thẩm định. Không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Cá biệt có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.


Xem thêm: 
Bộ trưởng GD-ĐT: 'Tên gọi học phí là do mọi người quen tai'​

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN