Thứ bảy, 27/04/2024 | 04:25
RSS

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Quy trình chấm thi ngày càng hoàn thiện

Thứ ba, 24/07/2018, 21:54 (GMT+7)

Trước thông tin xuất hiện nhiều tiêu cực sau khi chấm thi ở các địa phương, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chính thức lên tiếng.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nha: Quy trình kỹ thuật chấm thi ngày càng hoàn thiện
Bộ trưởng Phùng Xuân Nha: Quy trình kỹ thuật chấm thi ngày càng hoàn thiện. Ảnh Vietnamnet.

Lên tiếng sau bê bối gian lận thi cử tối 24/7, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói sẽ tổng kết, đánh giá công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 trên tinh thần trung thực và cầu thị.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã chính thức lên tiếng sau bê bối chấm thi xuất hiện ở nhiều tỉnh thành như Hà Giang, Sơn La trên VTV1 vào tối nay 24/7, Vietnamnet đã ghi lại phần trả lời của Bộ trưởng Nhạ.

Nói về trách nhiệm của mình, Bộ trưởng Nhạ cho biết: "Trên phương diện quản lý ngành, tất cả các vấn đề xảy ra trong lĩnh vực giáo dục đào tạo thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT thì Bộ phải có trách nhiệm xem xét, chỉ đạo giải quyết và xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm.

Với trường hợp Hà Giang và Sơn La, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường trong kết quả thi THPT quốc gia, tôi cùng lãnh đạo Bộ đã chỉ đạo kiểm tra, xác minh, đồng thời thành lập ngay tổ công tác về địa phương để làm rõ các dấu hiệu sai phạm.

Các anh em trong tổ công tác đã làm việc ngày đêm để đưa ra được kết luận nhanh chóng và chính xác nhất.

Tôi cho rằng, trả lại công bằng cho các em học sinh, niềm tin cho xã hội là việc mà Bộ GDĐT phải làm và thực tế những ngày qua đã khẳng định rằng Bộ GD-ĐT đã làm bằng quyết tâm cao nhất.

Khi phát hiện những sai phạm tại Hà Giang và Sơn La, quan điểm của lãnh đạo Bộ là kiên quyết xử lý nghiêm theo đúng quy chế thi và quy định của pháp luật

Tại Hà Giang, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Còn về phía ngành Giáo dục, tôi đã đề nghị các địa phương kiên quyết đưa ra khỏi ngành những cán bộ sai phạm.".

Khi được hỏi xảy ra sai phạm như thế này, có phải do quy trình chấm thi chưa chặt chẽ?, Bộ Trưởng Nhạ khẳng định: " Qua từng năm, quy chế cũng như quy trình kỹ thuật chấm thi ngày càng hoàn thiện. Nhưng kỹ thuật tới mức nào thì vẫn dưới sự vận hành của con người. Con người mà không có tâm trong sáng, thiếu trách nhiệm thì kỹ thuật đến mấy cũng có thể làm sai lệch kết quả, nhất là khi sai phạm mang tính có chủ đích.

Trong quá trình chuẩn bị và tổ chức kỳ thi, với trách nhiệm của mình, Bộ GD-ĐT đã ban hành quy chế, hướng dẫn tổ chức thi; tập huấn nghiệp vụ về tổ chức thi, vận hành các phần mềm quản lý thi, chấm thi; công tác chỉ đạo, thanh tra, giám sát cũng được tập huấn và thực hiện liên tục trước, trong và sau kỳ thi.

Tuy nhiên, sau sự việc xảy ra tại Hà Giang, Sơn La, Bộ GD-ĐT sẽ nghiêm túc rà soát kỹ lưỡng lại toàn bộ quy trình tổ chức thi, nhất là khâu chấm thi, khắc phục những bất cập để hạn chế tới mức thấp nhất các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra trong các kỳ thi tiếp theo."

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, từ 2 năm nay, phần lớn các bài thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan, mỗi thí sinh có một mã đề riêng hay bài thi tự luận môn Ngữ văn ra đề mở đã hạn chế tối đa các gian lận, tiêu cực trong phòng thi. Vì vậy, việc coi thi ở địa phương đã cơ bản đảm bảo được tính nghiêm túc, an toàn.

Nói về giải pháp, ông Nhạ cho biết, Bộ GD-ĐT đã có văn bản yêu cầu Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương rà soát, đánh giá quy trình thực hiện các khâu tổ chức thi tại địa phương, nhất là khâu coi thi, chấm thi.

Ngay sau đây, Bộ GD-ĐT sẽ tổng kết, đánh giá công tác tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 trên tinh thần trung thực và cầu thị.

Bộ cũng sẽ hoàn thiện và nâng cao chất lượng của ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phù hợp hơn với kỳ thi THPT quốc gia phục vụ hai mục đích để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để tuyển sinh đại học cao đẳng.

Như tin đã đưa sáng 20/7, Công an tỉnh Hà Giang tống đạt quyết định khởi tố ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng khảo thí và quản lý chất lượng (Sở GD-ĐT) tội danh "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ".

Bộ trưởng Phùng Xuân Nha: Quy trình kỹ thuật chấm thi ngày càng hoàn thiện
Nguyễn Thanh Hoài (ảnh phải) và Vũ Trọng Lương. Ảnh: Kinh tế đô thị

Đại tá Lê Văn Canh - Trưởng phòng tham mưu Công an tỉnh Hà Giang cho biết, kết quả xác minh điều tra cho thấy có dấu hiệu vi phạm. Hôm qua, cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố vụ án.

Cơ quan An ninh điều tra cũng tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 tháng đối với Vũ Trọng Lương (SN 24/10/1978), về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong thi hành công vụ để điều tra làm rõ.

Ông Lương được xác định là đối tượng chính trong việc thao tác, can thiệp làm thay đổi điểm số của 114 thí sinh với hơn 330 bài thi.

Chiều 23/7, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Hà Giang ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam 3 tháng đối với Nguyễn Thanh Hoài, Trưởng Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục - Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang, về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Với tư cách Phó Trưởng ban chấm thi, Trưởng ban thư ký Hội đồng thi tốt nghiệp THPT ở Hà Giang, ông Hoài đã đưa chìa khóa nơi lưu giữ bài thi, hồ sơ thi trắc nghiệm đã chấm cho cấp dưới là Vũ Trọng Lương, Phó trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục của sở này. Từ đó, xảy ra chuyện hơn 300 bài thi được nâng điểm.

Theo Trí thức trẻ, ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD - ĐT), Tổ trưởng Tổ công tác cho hay: Quá trình rà soát, kiểm tra, Tổ công tác bằng biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ đã phát hiện những sai phạm Quy chế thi tại Hội đồng thi Sở GD - ĐT Sơn La.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nha: Quy trình kỹ thuật chấm thi ngày càng hoàn thiện
Hình ảnh từ buổi họp báo. Ảnh: Trí thức trẻ

Cục trưởng Mai Văn Trinh thông tin, bằng các biện pháp chuyên môn, nghiệp vụ, Tổ công tác đã phát hiện những sai phạm quy chế thi tại Hội đồng thi Sở Giáo dục Sơn La như sau:

Thứ nhất, Hội đồng thi này đã sao dữ liệu ảnh bài thi trắc nghiệm đã quét ra đĩa CD không đúng thẩm quyền và tự ý đem ra khỏi khu vực bảo quản bài thi, chưa biết đem đi đâu và ai cho phép.

Thứ hai, Hội đồng thi Sơn La tổ chức quản lý khu vực chấm thi trắc nghiệm lỏng lẻo, không đúng quy định; phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không có niêm phong; khóa phòng lưu giữ bài thi, tài liệu thi không đúng quy định; các thùng đựng Phiếu trả lời trắc nghiệm niêm phong không đúng quy định. Thứ ba, quy trình nghiệp vụ chấm thi trắc nghiệm không đúng quy định.

Thứ tư, máy tính dùng chấm thi không được niêm phong. Tại thời điểm kiểm tra, máy tính này đang được sử dụng bình thường tại phòng làm việc của chuyên viên Phòng khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở Giao dục Sơn La. Thứ năm, một số phiếu trả lời trắc nghiệm của các thí sinh có dấu hiệu bị sửa chữa.

Thứ sáu, việc bàn giao bài thi giữa các điểm thi với Hội đồng thi Sở Giáo dục, việc bảo quản bài thi trắc nghiệm tại Hội đồng thi, việc bàn giao bài thi giữa Ban thư ký với Ban làm phách không đảm bảo quy định.

Kết quả chấm thẩm định cho thấy có 12 bài thi có điểm thấp hơn so với chấm lần đầu từ 1,0 điểm trở lên; trong đó có 1 bài có điểm thấp hơn 4,5 điểm so với chấm lần đầu.

Qua xác minh ban đầu, những người liên quan đến các sai phạm quy chế thi THPT Quốc gia là các ông bà: Ông Trần Xuân Yên, Phó Giám đốc Sở GD - ĐT Sơn La, Ủy viên Ban chỉ đạo thi, Phó Chủ tịch HĐ thi, Phó Trưởng ban TT Ban chấm thi, Tổ trưởng Tổ chấm thi trắc nghiệm. 

Bà Nguyễn Thị Hồng Nga, chuyên viên phòng khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD - ĐT Sơn La; bà Cầm Thị Bun Sọm, Phó Trưởng phòng chính trị Tư tưởng, Ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm; ông Đặng Hữu Thủy, Phó Hiệu trưởng trường THPT Tô Hiệu, Ủy viên Tổ chấm thi trắc nghiệm; ông Lò Văn Huynh, Phó trưởng phòng Khảo thí quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD - ĐT Sơn La, ủy viên Hội đồng thi, Trưởng ban thư ký.


Xem thêm gian lận điểm thi: Sơn La tinh vi và khó phát hiện hơn Hà Giang

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN