An ninh thắt chặt trong vụ rà soát gian lận điểm thi ở Sơn La. Ảnh Vietnamnet
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD-ĐT cho biết các cơ quan chức năng của Bộ Công an, Công an tỉnh Sơn La đã chủ trì phối hợp với tổ công tác của Bộ GD-ĐT để kiểm tra, xác minh, làm rõ các sai phạm liên quan đến điểm thi THPT quốc gia 2018 tại tỉnh này.
Bước đầu cho thấy có dấu hiệu vi phạm quy chế thi, nhất là ở khâu chấm thi. Đặc biệt là có dấu hiệu sửa bài thi môn trắc nghiệm của một số thí sinh. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các cơ quan chuyên môn và điều tra đã phân tích và nhận thấy ảnh bài thi trắc nghiệm gốc đã bị xóa, theo Thời đại.
Còn ảnh bài thi trắc nghiệm hiện được lưu tại Sở GD-ĐT Sơn La và ảnh trong đĩa dữ liệu mà Bộ GD-ĐT giữ (do Hội đồng thi Sở GD-ĐT Sơn La gửi trước khi chính thức cho máy chấm thi) hoàn toàn giống nhau.
Một công đoạn bắt buộc các ban chấm thi phải thực hiện là chụp ảnh dữ liệu (phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh), sau đó mới cho máy chấm thi.
Hình ảnh được quét này được sao ra đĩa CD để gửi về Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên, trước khi tiến hành quét, phiếu trả lời trắc nghiệm của thí đã bị thay thế. Đây là lý do khiến việc chấm thẩm định bài thi trắc nghiệm của tỉnh Sơn La là vô nghĩa.
Chính vì vậy, việc trả điểm thực về cho thí sinh phải phụ thuộc vào kết quả điều tra của cơ quan chức năng Bộ Công an.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho rằng, ở trên Sơn La máy không lưu được bản gốc mà đã ghi đè lên nhưng với file text bị lưu đè thì vẫn có thể khôi phục lại. Còn ở Hà Giang toàn bộ điểm thi của thí sinh vấn còn trong file gốc và chưa được ghi đè lên nên khi chấm thẩm định đã in lại toàn bộ kết quả của Hà Giang vì vậy kết quả rất rõ ràng, Vietnamnet đưa tin.
Ông Độ cho rằng, quan điểm của Bộ GD-ĐT kiên quyết đảm bảo kỳ thi an toàn, nghiêm túc, công bằng không có vùng cấm. Vì vậy sau sự việc xảy ra ở Hà Giang, Bộ GD-ĐT tiếp tục nhận được thông tin, đồng thời qua phân tích phổ điểm Sơn La và Lạng Sơn, nên Bộ trưởng quyết định thành lập hai tổ công tác đi Sơn La và Lạng Sơn. Hiện tại ở Sơn La, Bộ phản ánh kết quả hết sức trung thực, tổ chức họp báo, công bố kết quả chi tiết.
Tại Lạng Sơn, tổ công tác cũng đã làm rất nghiêm túc cùng với sự phối hợp của A83. Ở địa phương này chấm thẩm định và đợt 1 môn văn trong 51 bài có 8 bài có điểm chênh lệch từ 1 đến 1,75 điểm, điều này do năng lực của giáo viên chấm, không có dấu hiệu về sai phạm về mặt quy chế.
Bộ cũng đã rút kinh nghiệm trong việc chấm và công bố điểm. Đồng thời có công văn gửi tất cả các địa phương yêu cầu rà soát lại việc chấm thi và thành lập 3 tỉnh chấm thẩm định.
“Chúng tôi chọn 3 tỉnh Hòa Bình, Lâm Đồng, Bên Tre cho ba vùng miền và cho thấy ba tỉnh này thực hiện đúng quy chế’ – ông Độ nói.
Ông Độ cho rằng, quy trình chấm thi rất chặt chẽ, nếu các địa phương đảm bảo đúng quy trình chặt chẽ thì đảm bảo kỳ thi khách quan, công bằng. Ở môn Ngữ văn, do phụ thuộc vào trình độ giáo viên nên chấm chệnh lệch 0,5 điểm tới 0,25, còn với các môn thi trắc nghiệm, máy tính chấm nên đảm bảo chính xác.
Tuy nhiên ông Độ cho rằng, sau sự việc xảy ra Bộ GD-ĐT nghiêm túc rút kinh nghiệm và thấy cần phải soát lại quy trình chấm thi. Xem lại quy trình tổ chức kỳ thi và sẽ có sự điều chỉnh trong năm tới.
Xem thêm gian lận điểm thi: Sơn La tinh vi và khó phát hiện hơn Hà Giang