Thứ sáu, 19/04/2024 | 12:11
RSS

Bổ sung men tiêu hóa vô tội vạ: Lời cảnh báo cho các bậc phụ huynh

Thứ năm, 16/01/2020, 10:03 (GMT+7)

Cứ thấy con chướng bụng, khó tiêu, biếng ăn là bố mẹ lại lập tức mua men tiêu hóa về cho con. Nhưng bổ sung men tiêu hóa vô tôi vạ có thể gây hại cho hệ tiêu hóa của bé

 bổ sung men tiêu hóa

Bổ sung men tiêu hóa vô tội vạ: Lời cảnh báo cho các bậc phụ huynh

Men tiêu hóa là gì? 

Men tiêu hóa (hay còn gọi là enzyme tiêu hóa) được cơ thể sản xuất và sử dụng để phân giải thức ăn thành năng lượng và chất dinh dưỡng: axit amin (từ protein), axit béo và cholesterol (từ chất béo), và đường đơn giản (từ carbohydrate), cũng như vitamin, khoáng chất và nhiều loại hợp chất khác. Enzyme tiêu hóa được giải phóng và trộn với thức ăn trong suốt quá trình tiêu hóa, bắt đầu trong miệng và tiếp tục trong dạ dày, tuyến tụy, gan và ruột non. 

Nếu không có đủ enzyme tiêu hóa, cơ thể chúng ta không thể biến thức ăn thành dưỡng chất cần thiết. Khi cơ thể không sản xuất đủ các enzyme tiêu hóa nhất định, các hợp chất không tiêu hóa có thể xâm nhập vào ruột già và gây ra các triệu chứng khó chịu - chẳng hạn như đầy hơi sau khi ăn đậu - hoặc gặp vấn đề về tuyến tụy. 

bổ sung men tiêu hóa

Men tiêu hóa được cơ thể sản xuất và sử dụng để phân giải thức ăn

Men tiêu hóa khác với men vi sinh - là những vi khuẩn hoặc nấm men giúp tiêu hóa tốt và tăng cường sức khỏe  

Điều gì khiến cơ thể không sản xuất đủ các enzyme tiêu hóa?

Mắc vấn đề về tuyến tụy, bao gồm xơ nang, ung thư tuyến tụy và viêm tụy hoặc mắc bệnh viêm ruột như bệnh Celiac, bệnh Crohn có thể khiến cơ thể không sản xuất đủ enzyme tiêu hóa. 

Dị ứng thực phẩm, rối loạn tiêu hóa, nhiễm ký sinh trùng, thậm chí cả căng thẳng thường xuyên... cũng có thể dẫn đến thiếu hụt enzyme tiêu hóa.

Nên bổ sung men tiêu hóa khi nào?

Bổ sung men tiêu hóa chỉ có ích khi cơ thể không sản xuất đủ men tiêu hóa để phân hủy thức ăn thành năng lượng, chất dinh dưỡng và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tăng nguy cơ mắc một số bệnh nguy hiểm. Bác sĩ sẽ chỉ định loại men tiêu hóa và liều sử dụng. 

Trong trường hợp chỉ bị đầy hơi chướng bụng, bạn nên dùng một loại enzyme tiêu hóa phân hủy carbohydrate trong đậu thành các loại đường đơn giản hơn để cơ thể tiêu hóa tốt hơn. 

bổ sung men tiêu hóa

Bổ sung men tiêu hóa chỉ có ích khi cơ thể không sản xuất đủ men tiêu hóa

Một loại enzyme tiêu hóa phổ biến khác là lactase, giúp phá vỡ đường sữa. Không có đủ lượng men này, đường sữa không được tiêu hóa vào ruột kết, sau đó cơ thể cần rất nhiều nước để làm loãng nó. Điều này có thể dẫn đến đau bụng, tiêu chảy. Bổ sung enzyme tiêu hóa lactase hoặc dùng sữa không có đường sữa, sữa đã được bổ sung enzyme lactase sẽ giúp ngăn ngừa các triệu chứng khó chịu này.

Bổ sung men tiêu hóa vô tội vạ gây hại gì?

Nhiều sản phẩm bổ sung enzyme được sản xuất từ thực vật hoặc động vật, chẳng hạn như enzyme tiêu hóa protein bromelain, được tìm thấy trong dứa. Mặc dù enzyme này được đánh giá là tự nhiên và an toàn, nhưng chúng vẫn có tác dụng phụ và tương tác thuốc. Bromelain có thể tương tác với thuốc làm loãng máu. Bổ sung enzyme tiêu hóa cũng có thể tương tác với thuốc kháng axit và một số loại thuốc trị bệnh đái tháo đường. Chúng có thể gây ra tác dụng phụ bao gồm đau bụng, đầy hơi và tiêu chảy.

Akash Goel - Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa tại Weill Cornell Medicine và New York-Presbyterian (Mỹ) cho biết: Bổ sung enzyme tiêu hóa không phải là "thuốc chữa bách bệnh" các vấn đề về tiêu hóa. Bác sĩ Goel khuyên nên tránh bổ sung enzyme tiêu hóa, bởi nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề tiêu hóa là do chế độ ăn uống.

Những tác hại khi bổ sung men tiêu hóa vô tội vạ có thể kể đến là:

Cơ thể phụ thuộc vào men tiêu hóa 

Chỉ nên dùng men tiêu hóa khi thật cần thiết với liều lượng vừa đủ. Thông thường, thời gian sử dụng men tiêu hóa mỗi đợt không nên quá 10-15 ngày. Nếu dùng men tiêu hóa tùy tiện trong thời gian dài, khả năng các tuyến tiết ra men tiêu hóa sẽ bị ức chế, khiến cơ thể bị phụ thuộc vào nguồn men tiêu hóa bổ sung từ bên ngoài vào. 

Hệ tiêu hóa dễ bị tổn thương 

Không chỉ bị lệ thuộc vào men tiêu hóa, khi bổ sung men tiêu hóa vô tội vạ, các tuyến tiết ra men tiêu hóa có thể gặp “trục trặc”, tiết ra nồng độ men tiêu hóa quá cao làm tổn thương các cơ quan khác. 

bổ sung men tiêu hóa

Bổ sung men tiêu hóa vô tội vạ có thể ảnh hưởng xấu đến hệ tiêu hóa

Suy giảm sức khỏe

Vì có đến 80% hệ miễn dịch nằm ở đường tiêu hóa, bởi vậy hệ tiêu hóa không tốt chắc chắn sẽ gây suy giảm sức khỏe tổng thể. 

Những ai không nên dùng men tiêu hóa? 

Dùng men tiêu hóa không có chỉ định của bác sĩ, có thể không mang lại hiệu quả tốt mà còn có thể gây nguy hại. 

  • Bệnh nhân Viêm loét dạ dày – tá tràng, viêm tụy cấp: Những bệnh nhân này hoàn toàn không bị thiếu hụt enzyme tiêu hóa để phải bổ sung từ bên ngoài, thậm chí còn đang có hiện tượng bài tiết enzyme quá mức, làm tổn thương cả nhu mô ruột. Việc dùng men tiêu hóa sẽ càng khiến bệnh tình thêm trầm trọng. 
  • Người thường xuyên nhịn ăn, bỏ bữa, ăn kiêng khem quá mức: Bổ sung men tiêu hóa là để hỗ trợ quá trình phân giải thức ăn, vì vậy nếu bạn nhịn ăn, bỏ bữa, việc bổ sung men tiêu hóa sẽ không còn ý nghĩa. Lúc này, khi không có sự hiện diện của các khối thức ăn trong đường ruột nhưng hệ men đã được hoạt hóa, chúng sẽ tiêu hóa chính cơ thể. Cụ thể là nồng độ axit trong lòng dạ dày, men gan, men tụy trong lòng tá tràng tăng cao quá mức, vượt quá khả năng tự bảo vệ của thành ruột sẽ nhanh chóng dẫn đến tổn thương, viêm, bào mòn. Lâu ngày, tổn thương sẽ tiến triển thành loét, thủng, gây đau bụng dữ dội. 
  • Trẻ dưới 6 tháng tuổi: Ở trẻ nhỏ, hệ tiêu hóa còn chưa ổn định dẫn đến tiêu chảy nếu không dùng đúng cách, gây ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của trẻ về sau. 

Nên làm gì để hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn?

Theo các chuyên gia, để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh, nên bổ sung lợi khuẩn. Lợi khuẩn là những vi khuẩn tốt có khả năng cạnh tranh với vi khuẩn xấu, không cho vi khuẩn xấu có cơ hội tăng lên và gây bệnh. Không chỉ giúp ức chế vi khuẩn gây bệnh, lợi khuẩn còn giúp thiết lập lại hệ vi sinh đường ruột, giảm và ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa, ăn chậm tiêu, phân sống…
Nguyễn Anh
Theo Đời sống Plus/GĐVN