Thứ bảy, 27/04/2024 | 12:01
RSS

Bí quyết chinh phục đề thi Giáo dục công dân trắc nghiệm

Thứ hai, 31/10/2016, 15:02 (GMT+7)

Thi Giáo dục công dân với hình thức trắc nghiệm yêu cầu học sinh cần phải biết đọc và hiểu, liên hệ vào thực tế thay vì chỉ học thuộc lòng sáo rỗng.

Trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2017, môn giáo dục công dân là một cấu phần trong tổ hợp môn thi Khoa học xã hội. Đây cũng là lần đầu tiên áp dụng thi Giáo dục công dân dưới hình thức trắc nghiệm khách quan. Trao đổi với báo Dân Trí, cô giáo Nguyễn Thị Thùy Trang - Giáo viên trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ - Hà Nội cho biết, trước đây môn Giáo dục công dân không thuộc danh sách các môn thi tốt nghiệp và thi đại học, cao đẳng, nên thường bị coi nhẹ.

Đề thi Giáo dục công dân trong kỳ thi Quốc gia sẽ có 40 câu trắc nghiệm

Đề thi Giáo dục công dân trong kỳ thi Quốc gia sẽ có 40 câu trắc nghiệm

Theo cô Trang, việc đưa môn Giáo dục công dân vào kỳ thi THPT Quốc gia 2017, giáo viên và học sinh phải thay đổi tinh thần và phương pháp dạy học môn học này. Việc dạy và học sẽ được thực hiện theo hướng tích cực hơn và sẽ hạn chế tình trạng học sinh coi nhẹ môn học; dạy học qua loa như ở một số nơi trước đây.

Nội dung đề thi trắc nghiệm nằm trong tất cả các bài học (trừ các bài và những nội dung giảm tải) ở lớp 12, giáo viên và học sinh sẽ phải dạy và học đầy đủ tất cả các bài, các nội dung trong Chương trình Giáo dục công dân lớp 12. Nếu học sinh học tủ, học lệch, coi trọng bài này và coi nhẹ bài khác thì có thể sẽ dẫn đến kết quả không tốt.

Đề thi Giáo dục công dân dự kiến sẽ gồm 40 câu hỏi trắc nghiệm khách quan với 4 phương án trả lời, và có duy nhất 1 phương án trả lời đúng, trong đề thi có các câu hỏi ở các cấp độ cơ bản, phục vụ mục đích xét công nhận tốt nghiệp THPT (nhận biết: 40%, thông hiểu: 20%) và các câu hỏi phân hóa (vận dụng bậc thấp: 30%, vận dụng bậc cao: 10%) phục vụ mục đích xét tuyển đại học, cao đẳng.

Đề thi Giáo dục công dân sẽ tập trung chủ yếu vào chương trình lớp 12

Đề thi Giáo dục công dân sẽ tập trung chủ yếu vào chương trình lớp 12

Với cấu trúc này, đề thi đáp ứng được yêu cầu đánh giá kết quả học tập, đảm bảo tính phân hóa rõ rệt, tạo thuận lợi cho học sinh làm bài theo lực học thực tế của mình. Theo cô Trang, đề thi minh họa có nhiều câu hỏi trắc nghiệm khách quan mang tính tổng hợp nên học sinh cần vận dụng tổng hợp kiến thức và kỹ năng bộ môn một cách tích cực mới có thể có câu trả lời đúng được.

Đồng quan điểm này, thầy Lê Công Ký – Tổ trưởng bộ môn Giáo dục công dân, Trường THPT chuyên Gia Định, TPHCM đã có những ‘mách nước’ đối với học sinh khi học, làm bài thi trắc nghiệm môn này. Chia sẻ với báo Giáo Dục Việt Nam thầy Trực nhận xét Giáo dục công dân là môn thi liên quan đến nhiều vấn đề của xã hội, nên khi thi trắc nghiệm thì kiến thức sẽ trải rộng và nhiều hơn, có thể có nhiều nội dung hơn được hỏi.

Đối với đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra, thầy Lê Công Ký đánh giá, đề thi chủ yếu sử dụng kiến thức của chương trình lớp 12, yêu cầu học sinh chủ yếu cần nhận biết và hiểu kiến thức, còn vận dụng chỉ có 5 câu hỏi là khá ít. Muốn làm tốt một đề thi trắc nghiệm, học sinh cần có sự chuẩn bị tốt, ôn tập đồng bộ các bài học, biết liên hệ kiến thức vào thực tế, không cần thiết phải học thuộc lòng bài, mà phải học và hiểu.

Học sinh nên tập làm thử đề thi Giáo dục công dân trắc nghiệm mẫu

Học sinh nên tập làm thử đề thi Giáo dục công dân trắc nghiệm mẫu

Đối với các học sinh bám sát các trọng tâm chương trình trong sách giáo khoa, là có thể làm bài được 5 điểm. Học sinh nên lên mạng để tìm hiểu về các đề thi mẫu, làm thử nhằm biết được mức độ dễ khó của đề thi ra sao. Cũng theo thầy Ký, học sinh lớp 12 cũng nên tìm đọc giáo trình pháp luật đại cương (thường hay bán ở các trường Đại học, Cao đẳng) để đọc thêm, nắm bắt thêm.

Khi làm bài thi, nếu nhìn vào các câu hỏi trắc nghiệm nào mà học sinh đọc qua 1 lần, cảm thấy có đáp án, làm được là phải làm ngay, nhằm không mất thời gian của những câu hỏi khác. Với những câu hỏi nào mà đáp án còn phân vân, học sinh cần đầu tư nhiều thời gian hơn để suy nghĩ, làm cẩn thận.

Còn câu hỏi mà học sinh có thể chưa gặp bao giờ, cần sử dụng phương pháp loại suy (loại dần), nếu không chắc chắn một câu trả lời nào đúng, học sinh cần phải biết chọn câu nào mà mình cho rằng có thể là đúng nhất để đánh vào đáp án trong đề thi Giáo dục công dân.

 

Minh Thùy (t/h)
Theo Đời sống Plus