Thứ bảy, 27/04/2024 | 09:17
RSS

Bệnh nhân phi công người Anh có nhịp tự thở, tiên lượng còn nặng

Thứ bảy, 23/05/2020, 16:57 (GMT+7)

Bệnh nhân 91 (phi công người Anh) có nhịp tự thở (15 - 25 lần/phút) khi giảm liều an thần. Tuy nhiên, tiên lượng bệnh nhân còn nặng, phụ thuộc hoàn toàn vào ECMO và nhiễm trùng phổi chưa được khống chế.

Bệnh nhân phi công người Anh có nhịp tự thở, tiên lượng còn nặng |Bệnh nhân phi công người Anh có nhịp tự thở, tiên lượng còn nặng 

Trưa 23/5, bác sĩ Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - cho biết bệnh nhân 91 (phi công người Anh) còn hôn mê dưới thuốc an thần và dãn cơ. Khi giảm liều an thần, bệnh nhân có nhịp tự thở với nhịp dao động 15 - 25 lần/phút, mạch 102 lần/phút; huyết áp 156/77; thở máy (tần số FiO2 40%; PEEP 10; Pi 14)..., Tuổi trẻ đưa tin.

Chẩn đoán bệnh nhân mắc hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, viêm phổi do Burkholderia cepacia (nhóm vi khuẩn phức tạp, một trong những tác nhân gây bệnh nguy hiểm), nhiễm nấm máu, tổn thương thận cấp. 

"Đánh giá so với một tuần trước, bệnh nhân không có gì tiến triển tích cực, tiên lượng còn nặng, còn phụ thuộc gần hoàn toàn vào ECMO và nhiễm trùng phổi chưa khống chế được" - bác sĩ Thức thông tin. 

Bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Khoa Hồi sức Cấp cứu, cho biết kíp điều trị quyết định tạm ngưng lọc máu liên tục vì lượng nước tiểu của bệnh nhân khá hơn, khi điều trị bằng thuốc kiểm soát được lượng nước ra và vào cơ thể, theo Vnexpress. 

Một tháng rưỡi qua, bệnh nhân luôn phải điều trị bằng phương pháp Siêu lọc máu liên tục (CRRT - Continuous Renal Replacement Therapy), do tình trạng suy thận. Đây là phương pháp đóng vai trò thay thế thận lọc bỏ chất độc và dịch một cách từ từ và liên tục, giúp ngăn ngừa tổn thận thêm và thúc đẩy hồi phục thận.

"Bệnh nhân suy thận, mục đích của việc lọc máu nhằm cân bằng lượng nước xuất và nhập vào bệnh nhân", bác sĩ Linh giải thích. Các bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi, chờ đợi các diễn tiến lâm sàng tiếp theo để quyết định có lọc máu lại hay không.

Khi tiếp nhận bệnh nhân tối 22/5, các bác sĩ đã hội chẩn và đánh giá tình trạng bệnh nhân ngay trong đêm. Bệnh viện Chợ Rẫy đã thành lập một tổ chuyên gia đặc biệt, sẽ theo dõi, hội chẩn, báo cáo xin ý kiến Tiểu ban Điều trị mỗi ngày, khi cần sẽ hội chẩn cấp quốc gia về tình hình bệnh nhân.

"Bệnh nhân 91", phi công người Anh, bay chuyến đầu tiên cho Vietnam Airlines thì mắc covid-19 ngày 18/3. Đây là ca Covid-19 nặng nhất Việt Nam Sau 65 ngày điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM bệnh nhân âm tính nCoV 7 lần liên tiếp trong 15 ngày, được chuyển sang Bệnh viện Chợ Rẫy để tiếp tục điều trị, chuẩn bị phương án ghép phổi.

Hạo Nhiên (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN