Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:06
RSS

Bến xe Yên Nghĩa: Bảng niêm yết dịch vụ một đằng, "bảo vệ" thu tiền một nẻo

Thứ bảy, 14/01/2017, 07:18 (GMT+7)

Mỗi lần xe khách cập bến, hay có hàng chuyển lên xe, các “bảo vệ” này lại chạy ra bốc hàng và thu tiền của khách. Dù có bảng giá niêm yết nhưng "bảo vệ" lại thu chênh hơn.

Dịch vụ bốc xếp "lạ"

Mới đây tài khoản facebook N.M.T. đăng tải nội dung phản ánh tại bến xe Yên Nghĩa (Hà Nội) có dịch vụ bốc xếp hàng hóa, sau đó thu phí “lạ”.

Cụ thể, tài khoản này chia sẻ: Ngày 10/1, khi ra bến xe Yên Nghĩa để lấy đồ, cứ xe vừa vào bến trả khách và mở cốp xe thì liền có mấy người đàn ông, tay đeo băng "bảo vệ" chạy nhanh ra và hỏi "lợn này của ai?' Sau đó họ liền tự tính phí "thôi mỗi con anh lấy rẻ 20k, công anh chở anh lấy rẻ 10k, tổng cộng là 50k”. Theo như chủ nhân dòng chia sẻ, thì số tiền đó họ nói đó là quy định, là tiền khuân vác "vì họ thầu cả bãi rồi".

Bến xe Yên Nghĩa 1

Bến xe Yên Nghĩa cho công ty vận tải thành lập dịch vụ bốc hàng ngay trong bến. Ảnh.C.N

Nhưng điều đáng nói, từ chỗ chị này lấy hàng để chuyển sang xe khác chỉ cách đó khoảng vài trăm mét, có 2 con lợn mà họ lại thu phí với giá "cắt cổ" mà chị không được thoả thuận gì, buộc phải dùng "dịch vụ".

Bực tức thái độ thu phí “lạ” của những người tự xưng là "bảo vệ” ở đây, chị này nói không cần nhờ và tự làm. Ngay lập tức “bảo vệ” kia cũng đáp lại “Em thích tự bê thì cứ bê, nhưng bê xong vẫn phải mất tiền như thế đấy”.

Trước sự việc trên, ngày 12/1, Đời Sống Plus đã có mặt tại bến xe Yên Nghĩa để tìm hiểu thông tin.

Đi vòng quanh đằng sau khu vực đón, trả khách của bến xe, PV thấy có một bảng niêm yết dịch vụ bốc xếp hàng hóa của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Yên Bình, trụ sở chính nằm ở bến xe Yên Nghĩa.

Bảng giá dịch vụ bốc xếp hàng hóa này rất nhiều chủng loại từ hàng nặng, gạo, hoa quả, hàng điện tử đến cả lợn, gà…được đặt ra với nhiều mức giá khác nhau tùy theo loại hàng hóa.

Đối chiếu bảng niêm yết giá trên với loại hàng mà Facebook N.M.T. gửi ngày 10/1 cho thấy, mỗi con lợn được vận chuyển, bốc xếp với giá 10.000 đồng/con. Nhưng trên thực tế “bảo vệ” đã thu của chị này 20.000 đồng/con. Như vậy, bảng niêm yết quy định dịch vụ bốc vác một đằng, nhưng "bảo vệ" lại thu một nẻo.

Bến xe Yên Nghĩa 2

Khách lấy bao hàng phải đưa nhân viên ở đây 10.000 đồng. Thậm chí, chị này thiếu tiền còn phải bỏ bao đã chằng rồi mở cốp lấy thêm tiền để trả. Ảnh.C.N

Đã tiếp nhận thông tin?

Sau vài tiếng quan sát, mỗi lần xe khách cập bến, hay có hàng chuyển lên xe, các “bảo vệ” này lại hăng hái chạy ra bốc hàng và thu tiền.

Đáng nói, khảng cách kiểu “bốc vác” thuê ở đây thực tế chỉ từ trên xe máy cho vào cốp xe khách, chưa đầy 2 bước chân. Ấy vậy mà mỗi lần như thế khách hàng lại mất thêm 10.000 - 20.000 đồng tùy loại hàng.

Trong khi đó, các phụ xe của các xe khách đứng đó, hoặc đi ra chỗ khác. Thậm chí, "bảo vệ" chỉ nhấc đồ lên xe còn khách tự buộc đồ. Xong xuôi họ thản nhiên "xin" 10.000 đồng tiền phí.

Bến xe Yên Nghĩa 3

Mỗi khi có xe khách về bến là "bảo vệ" lại chạy ra bốc hàng thu tiền Ảnh.C.N

Trước sự việc trên, Đời Sống Plus đã liên hệ sang bến xe Yên Nghĩa để xác nhận thông tin. Đại diện bến xe Yên Nghĩa cho biết đã nắm được thông tin đăng tải trên mạng xã hội phản ánh bất cập về tình trạng bốc vác tại bến xe.

“Sau khi nắm bắt được sự việc, chúng tôi đã tiếp thu, phản ánh, họp, làm việc với đơn vị, công ty yêu cầu họ thực hiện theo đúng quy định, khách hàng yêu cầu bốc mới được bốc, giá cả phải thỏa thuận hai bên. Đồng thời cũng yêu cầu công ty cam kết không để xảy ra bất cập như thế này nữa”, vị đại diện này nói.

Bến xe Yên Nghĩa 4

Cuối hành lang là bảng niêm yết giá và hòm đựng tiền của nhóm "bảo vệ". Ảnh.C.N

Cũng theo vị đại diện này, trong bến xe có một doanh nghiệp ký kết hợp đồng với đơn vị khai thác bến xe để làm dịch vụ khai thác, bốc vác hàng hóa cho hành khách lên xe.

Trả lời câu hỏi việc bốc xếp hàng hóa người dân đã mang ra tận xe, đâu cần nhờ đến dịch vụ bốc vác thì được biết: "Nhà xe chỉ thu và bán vé xe còn việc bống xếp hàng hóa là của hành  khách..."

Thiết nghĩ, việc thuê bốc vác phải được sự chấp thuận từ hai phía khách hàng và nhóm "bảo vệ". Còn việc khách hàng đến tận xe mang đồ hay lấy đồ từ xe khách xuống nếu không sử dụng dịch vụ đã có phụ xe phụ giúp, nhóm "bảo vệ" này không thể tranh việc rồi ép khách trả tiền. 

Cao Nguyên
Theo Đời sống Plus