Chủ nhật, 05/05/2024 | 11:05
RSS

Bé trai sốc phản vệ nặng, nguy kịch do ăn hải sản

Thứ ba, 15/08/2023, 16:09 (GMT+7)

Bé trai T.Đ.H.P (9 tuổi) được người nhà đưa đến bệnh viện trong tình trạng rất nguy kịch, bị sốc phản vệ do dị ứng thức ăn hải sản.

Ngày 15/8, thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết, các bác sĩ bệnh viện này vừa cấp cứu thành công cho một bệnh nhi bị sốc phản vệ rất nặng do dị ứng hải sản.

Theo đó, bệnh nhi là bé trai T.Đ.H.P. (9 tuổi, trú phường Hưng Bình, TP Vinh), nhập viện trong tình trạng rất nguy kịch, bị sốc phản vệ do dị ứng thức ăn hải sản.

Người nhà cháu bé cho hay, cháu P. bị sốc phản vệ nhưng gia đình nhầm tưởng bị dị ứng mề đay và cho uống 2 viên thuốc chống dị ứng. Sau khi uống thuốc, tình trạng bệnh của cháu P. không thuyên giảm nên người nhà đã đưa cháu đến Bệnh viện Đa khoa TP Vinh cấp cứu.

Tại đây, qua thăm khám các bác sĩ chẩn đoán cháu P. bị sốc phản vệ độ 3 với cua cá, mạch đập chậm, có lúc không bắt được mạch, huyết áp tụt, chân tay lạnh ngắt và tím tái, co giật... Các bác sĩ đã tiêm bắp hai lần nhưng huyết áp của cháu P. vẫn giảm và có chiều hướng xấu nên đã điều xe cấp cứu đưa xuống Bệnh viện Sản nhi Nghệ An để tiếp tục cứu chữa. Sau thời gian được các bác sĩ cấp cứu và điều trị tích cực, hiện tại sức khỏe cháu P. đã hồi phục.

Bé trai sốc phản vệ nặng, nguy kịch do ăn hải sản

Ảnh minh họa

Theo các bác sĩ, người có cơ địa dị ứng với hải sản (tôm, cua, mực…) cần thận trọng khi ăn những thực phẩm này để tránh nguy cơ xảy ra sốc phản vệ nguy hiểm tính mạng.

Sốc phản vệ được chia thành 4 mức độ như sau:

  • Mức độ 1: người bệnh nổi mề đay, phù môi, mặt, mắt.
  • Mức độ 2: thêm triệu chứng khó thở, tim đập nhanh, đau bụng, tiêu chảy.
  • Mức độ 3: người bệnh tụt huyết áp, trụy mạch.
  • Mức độ 4: ngừng hô hấp, ngừng tuần hoàn và tử vong.

Nhiều trường hợp sốc phản vệ lúc đầu thể hiện qua da (da đỏ ửng) nhưng người bệnh lầm tưởng do các bệnh khác. Đến khi diễn tiến hạ huyết áp, trụy mạch rất dễ tử vong do không được cấp cứu kịp.

Các mức độ của sốc phản vệ diễn ra nhanh chóng. Khi phát hiện sốc phản vệ (ngứa, da đỏ ửng, nổi mề đay…), người bệnh ngừng ngay việc tiếp xúc với tác nhân (thức ăn, thuốc…) và đến bệnh viện gần nhất để cấp cứu kịp thời.

Các bác sĩ khuyến cáo để đảm bảo an toàn, người có cơ địa dị ứng không chọn các món dễ gây dị ứng; chọn thực phẩm rõ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, chế biến kỹ lưỡng. Không ăn bất cứ loại thức ăn nào từng gây sốc phản vệ bởi lần sốc phản vệ sau sẽ nặng hơn lần trước, tín mạng nguy kịch nhanh chóng.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại