Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:58
RSS

Thái một củ hành, nam thanh niên 25 tuổi sốc phản vệ nặng

Thứ năm, 22/04/2021, 14:50 (GMT+7)

Sau 10 phút thái 1 củ hành, nam thanh niên 25 tuổi bị sốc phản vệ nặng, phù nề toàn bộ mặt, tức ngực, khó thở phải vào viện cấp cứu.

Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhân 25 tuổi bị sốc phản vệ trong tình trạng nặng.

Người nhà cho biết: Sau khi chỉ thái một củ hành nhỏ khoảng 10 phút, bệnh nhân bắt đầu có dấu hiệu sưng nề mặt, mắt, tức ngực, khó thở. Tình trạng ngày càng nghiêm trọng nên gia đình ngay lập tức đưa đến Bệnh viện đa khoa Hùng Vương cấp cứu.

Tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ nhận định bệnh nhân bị sốc phản vệ nặng và lập tức cấp cứu theo phác đồ sốc phản vệ. Sau khi tiêm Adrenaline đường bắp (thuốc chống sốc phản vệ) bệnh nhân có dấu hiệu giảm khó thở, nhưng mặt, hai mắt vẫn sưng nề.


Tình trạng bệnh nhân lúc nhập viện. (Ảnh: BVCC)

Khoảng 20 phút sau cấp cứu, bệnh nhân dần ổn định và chuyển điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu bệnh viện.

Sốc phản vệ là một loại phản ứng dị ứng nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được xử lý, cấp cứu sớm và đúng cách. Sốc phản vệ có thể xảy ra trong vòng vài giây hoặc vài phút thậm chí 1 - 2 ngày sau khi tiếp xúc với dị nguyên.

Các triệu chứng xuất hiện nhanh, ngay lập tức hoặc 30 phút sau khi dùng thuốc, thử test, bị ong đốt hoặc sau khi ăn một loại thức ăn lạ. Các đường đưa thuốc vào cơ thể như tĩnh mạch, tiêm bắp, dưới da, trong da, uống, xông, bôi ngoài da, nhỏ mắt, đặt âm đạo… đều có thể gây sốc phản vệ. 

Có rất nhiều nguyên nhân gây sốc phản vệ, trong đó thuốc là nguyên nhân hàng đầu, tiếp đến là thức ăn, nọc côn trùng.

Theo các bác sĩ, sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. Do đó, các bác sĩ khuyến cáo khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như: ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm... người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Xử trí sốc phản vệ đúng cách, kịp thời

Sốc phản vệ nếu không được sơ cứu đúng cách và kịp thời có thể gây tử vong đột ngột.

Vậy làm thế nào để sơ cứu khi bị sốc phản vệ đúng cách? Theo chuyên gia, bạn cần nắm rõ những bước sơ cứu ban đầu sau:

- Ngừng ngay đường tiếp xúc với dị vật nguyên (thuốc đang dùng tiêm, uống, bôi, nhỏ mắt, mũi, đồ ăn thức uống…).

- Cho bệnh nhân nằm tại chỗ.

- Gọi ngay cho Trung tâm cấp cứu 115 hoặc đến trạm Y tế địa phương gần nhất.

 

Thu Chang (T/H)
Theo Gia Đình Việt Nam