Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:24
RSS

Bé trai 3 tuổi nhập viện cấp cứu do uống nhầm dầu hỏa

Thứ bảy, 05/12/2020, 11:00 (GMT+7)

Trong lúc ông nội dọn nhà, có để chai dầu hoả trên bàn, cháu bé tưởng lầm là chai nước nên đã lấy uống. Ngay sau đó, gia đình phát hiện sự việc liền bế vác, gây nôn cho bé và đưa đến viện.

Bé trai 3 tuổi nhập viện cấp cứu do uống nhầm dầu hỏa

Bé H. nhập viện cấp cứu do uống nhầm dầu hỏa. Ảnh: Bệnh viện quốc tế Green

Ngày 5/12, thông tin từ Bệnh viện Quốc tế Green (tỉnh Hải Phòng) cho biết, đơn vị này vừa tiếp nhận cấp cứu một trường hợp bệnh nhi là bé trai Đ.G.H., (33 tháng tuổi ở Hải Phòng) bị ngộ độc do uống nhầm dầu hỏa.

Người nhà bệnh nhân cho hay, trong lúc ông nội dọn nhà, có để chai dầu hoả trên bàn, cháu bé tưởng lầm là chai nước nên đã lấy uống. Ngay sau đó, gia đình phát hiện sự việc liền bế vác, gây nôn cho bé và đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Thời điểm nhập viện, bé trai trong tình trạng kích thích, đau bụng, buồn nôn và sặc mùi dầu hoả. Ngay lập tức, các bác sĩ đã cấp cứu và điều trị tích cực cho bệnh nhi theo phác đồ. May mắn được cấp cứu kịp thời nên  cháu bé không bị biến chứng nguy hiểm. Hiện, sức khỏe của cháu bé đã ổn định và được các bác sĩ cho về nhà.

Trao đổi với GĐ&XH, PGS. TS. BS. Vũ Văn Quang - Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Quốc tế Green (Hải Phòng) cho biết, ngộ độc dầu hoả thuộc nhóm ngộ độc hydrocarbon, chất này ít hấp thụ qua đường tiêu hoá. Ttrẻ hít trực tiếp dầu hoả hoặc hít chất nôn lẫn dầu hoả vào phổi có thể gây viêm phổi nặng, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Bác sĩ Quang khuyến cáo, các gia đình không nên đựng dầu hoả hay các hoá chất khác trong các vỏ chai thường dùng để đựng nước uống để tránh nhầm lẫn; không mang hoá chất về nhà, nếu cần phải mang về, hãy để mắt đến trẻ, đừng để trẻ chơi một mình. Bên cạnh đó, người lớn cần tìm hiểu kỹ về cách sử dụng, độc tính, cách phòng ngừa ngộ độc và các bước xử trí cơ bản khi bị ngộ độc.

Trường hợp phát hiện trẻ bị ngộ độc dầu hoả, các bố mẹ cần bình tĩnh ước đoán lượng dầu trẻ đã uống và cho trẻ xúc miệng ngay bằng nước sạch hoặc nước muối loãng. Có thể dùng gạc mềm nhúng nước sạch để vệ sinh khoang miệng cho trẻ rồi nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện. Ngoài ra, người lớn tuyệt đối không nên gây nôn vì cách làm này khiến trẻ hít nhiều hơi dầu hoả và chất nôn vào phổi gây nguy hiểm.

N.H (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN