Thứ bảy, 18/01/2025 | 13:58
RSS

Bé trai 13 tuổi bị tổn thương gan, rối loạn đông máu vì sốt xuất huyết

Thứ năm, 10/09/2020, 07:08 (GMT+7)

Bệnh nhi được chẩn đoán sốc sốt xuất huyết nặng ngày thứ 4, tổn thương gan, suy hô hấp, rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa.

Truyền 2 lít máu cứu bé trai 13 tuổi nguy kịch do bị sốc sốt xuất huyết nặng

Bé trai bị sốc do sốt xuất huyết biến chứng suy đa cơ quan. Ảnh: Dân trí

Tối ngày 9/9, Zing dẫn nguồn tin từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) cho biết, vừa qua đơn vị này đã tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhi B.M.M. (13 tuổi, ngụ tại Trà Vinh) bị sốc sốt xuất huyết dengue nặng, biến chứng suy đa cơ quan.

Theo người nhà bệnh nhi, trước đó, bệnh nhi có biểu hiện sốt cao, khó thở, mệt mỏi. Tuy nhiên, đến ngày thứ 4 sau khi phát bệnh, gia đình mới đưa trẻ đến bệnh viện cấp cứu. Sau đó bệnh nhi được chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố với chẩn đoán sốc sốt xuất huyết ngày thứ 4.

Tại bệnh viện, các kết quả thăm khám, chẩn đoán cho thấy, bệnh nhi trong tình trạng rất nguy kịch, sốt xuất huyết đã gây ra các biến chứng suy đa cơ quan, dịch tràn đầy màng phổi, màng bụng, gan bị tổn thương nặng, suy hô hấp, rối loạn đông máu, Xuất huyết tiêu hóa  

Các bác sĩ nhanh chóng hồi sức tích cực cho bệnh nhi bằng nhiều biện pháp như đo huyết áp động mạch xâm lấn, áp lực tĩnh mạch trung ương, thở áp lực dương liên tục...Tuy nhiên, sau một ngày hồi sức, tình trạng sức khỏe của bé diễn biến xấu. Các bác sĩ ghi nhận bé bị tràn dịch màng phổi, bụng, xuất huyết tiêu hóa và suy hô hấp nặng. Bệnh nhi được đặt nội khí quản, thở máy xâm lấn kiểm soát áp lực.

Để giải quyết tình trạng rối loạn đông máu, các bác sĩ đã xử trí cấp cứu, truyền bổ sung hơn 2 lít máu và chế phẩm máu để giải quyết tình trạng rối loạn đông máu, xuất huyết tiêu hóa nặng. 

Bên cạnh đó, bệnh nhi được chọc dò dịch ổ bụng để giải áp tình trạng tăng áp lực ổ bụng do tràn dịch màng bụng lượng nhiều, truyền dịch chống sốc. Sau thời gian hồi sức tích cực, bệnh nhi đã qua cơn nguy kịch, đang dần tỉnh táo, cai được máy thở, các chức năng của cơ thể dần trở về bình thường.

Trao đổi với Dân trí, BS.CKII Lê Vũ Phượng Thy -  Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM) nhận định đây là trường hợp sốt xuất huyết nặng. Nhờ được hỗ trợ hô hấp đúng thời điểm và dẫn lưu ổ bụng, bệnh nhi tránh được tình trạng sốc kéo dài dẫn đến suy đa cơ quan.

Thời gian gần đây, số ca sốt xuất huyết đang tăng nhanh và rất dễ trở nặng. Do đó, BS Thy khuyến cáo phụ huynh cần theo dõi, phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ sốt xuất huyết để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. 

Các biểu hiện để nhận biết nguy cơ sốt xuất huyết ở trẻ là tình trạng sốt cao trên 2 ngày, quấy khóc, bứt rứt, lăn trở, khó chịu, li bì, đau bụng, chảy máu cam, máu răng hoặc ói ra máu, tiêu phân đen. Một số trường hợp có biểu hiện tay chân lạnh, nằm một chỗ không chơi, bỏ bú, bỏ ăn uống… 

Trong trường hợp thấy trẻ có những biểu hiện nghi ngờ sốt xuất huyết như trên, phụ huynh cần nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị kịp thời, nếu nhập viện trễ khi sốt xuất huyết đã bước sang ngày thứ 4, thứ 5 bệnh nhi sẽ đối mặt với nguy cơ sốc suy đa tạng, rối loạn đông máu nguy hiểm tính mạng.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN