Thứ tư, 04/12/2024 | 00:35
RSS

TP Hải Dương ghi nhận 15 ca mắc và nghi mắc sốt xuất huyết

Thứ bảy, 05/09/2020, 21:14 (GMT+7)

Theo báo cáo của Trung tâm Y tế TP Hải Dương, từ ngày 24/7 - 4/9, trên địa bàn TP Hải Dương xuất hiện 15 trường hợp mắc và nghi mắc sốt xuất huyết.

TP Hải Dương ghi nhận 15 ca mắc và nghi mắc sốt xuất huyết

Phun hóa chất diệt muỗi tại các nhà dân xung quanh điểm phát sinh bệnh nhân nghi nhiễm sốt xuất huyết Ảnh minh họa

Ngày 5/9, báo Hải Dương đưa tin, theo báo cáo của Trung tâm Y tế TP Hải Dương được biết, từ ngày 24/7 – 4/9, trên địa bàn TP Hải Dương xuất hiện 15 trường hợp nghi mắc sốt xuất huyết. Trong đó, có 3 mẫu xét nghiệm gửi Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đã có kết quả xét nghiệm chính thức mắc SXH Dengue D2. 

Ngay sau khi có kết quả xét nghiệm ca mắc sốt xuất huyết, thành phố Hải Dương đã phối hợp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như: phun hóa chất diệt muỗi tại các nhà dân xung quanh điểm phát sinh bệnh nhân nghi nhiễm.

Bên cạnh đó, tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết trên hệ thống loa truyền thanh của các phường có người nghi nhiễm; hướng dẫn khu dân cư tổng vệ sinh môi trường, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, lật úp các dụng cụ chứa nước tiêu diệt bọ gậy...

Theo PGS.TS. Trần Như Dươngc - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, sốt xuất huyết Dengue (SXHD) là bệnh nhiễm vi rút Dengue cấp tính gây ra. Hiện nay, bệnh chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Bệnh có thể gây ra dịch lớn với nhiều người mắc làm cho công tác điều trị và chống dịch gặp nhiều khó khăn. Bệnh nặng có thể gây tử vong, nhất là với trẻ em.

Bệnh SXHD do vi rút Dengue gây ra với 4 típ gây bệnh được ký hiệu là D1, D2, D3, D4. Cả 4 típ gây bệnh này đều gặp ở Việt Nam và luân phiên gây dịch. Do miễn dịch  được tạo thành sau khi mắc bệnh chỉ có tính đặc hiệu đối với từng típ cho nên người ta có thể mắc bệnh SXHD lần thứ 2 hoặc thứ 3 bởi những típ khác nhau, tuy nhiên rất hiếm khi mắc bệnh lại lần thứ 4.  

Bệnh SXHD thường có biểu hiện rất cấp tính như sốt cao đột ngột, kéo dài 2 – 7 ngày, đi cùng với các triệu chứng đau đầu, chán ăn, buồn nôn, đau hốc mắt, đau cơ, đau khớp và có biểu hiện xuất huyết ở các mức độ khác nhau: da đỏ xung huyết, ban xuất huyết, đốm xuất huyết, chảy máu chân răng, chảy máu mũi v.v. Những trường hợp nặng bệnh tiến triển dẫn tới tình trạng sốc: vật vã, li bì, mạch nhanh, huyết áp tụt, hôn mê và có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. 

Ở Việt Nam, bệnh SXHD là bệnh lưu hành rất phổ biến. Bệnh xuất hiện cả ở 4 miền Bắc, Trung, Nam và Tây Nguyên kể cả ở thành thị và vùng nông thôn. Tuy nhiên bệnh ghi nhận nhiều nhất ở các tỉnh miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên, một số tỉnh đồng bằng và duyên hải Bắc bộ. Các tỉnh miền núi phía Bắc bệnh ít gặp hơn. 

Hàng năm Việt Nam ghi nhận trung bình từ 80.000 đến 100.000 trường hợp mắc, trong đó có hàng chục ca tử vong. Những khu vực đông dân cư có tập quán chứa nước sạch ở nhiều loại dụng cụ, nơi công trường xây dựng, khu vực đang đô thị hóa, nơi có nhiều đồ vật phế thải chứa nước mưa là những nơi rất thuận lợi cho dịch bệnh SXHD bùng phát.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN