Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:47
RSS

Bé gái nhiễm vi khuẩn HP vì hành động thường xuyên của bà nội

Thứ tư, 04/12/2019, 16:25 (GMT+7)

Mớm cơm đã từng là cách cho trẻ ăn khá phổ biến với thế hệ trước. Hiện nay thói quen này tưởng như đã bị loại bỏ nhưng vẫn có không ít phụ huynh thiếu nhận thức về nguy hại của việc làm này với sức khỏe con em mình.

Xung huyết và viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày

Mớm cơm cho trẻ: Khi sự chăm bẵm, yêu thương biến thành nơi truyền bệnh
Kết quả chẩn đoán viêm dạ dày do khuẩn H.P của bé 6 tuổi ở Hà Nội.

Mới đây, thông tin về một bé trai tên là M.N (sinh năm 2013 ở Hoàng Mai, Hà Nội) bị chẩn đoán viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày, hành tá tràng, dương tính với vi khuẩn HP, mà lý do lại là bị lây bởi chính bà nội của mình gây hoang mang. 

Cụ thể, bà nội của bé trai này đã dùng miệng để nhai cơm rồi mớm cho cháu ăn. Trong khi trước đó, bà của bé có tiền sử Viêm loét dạ dày dù đã đỡ và dường như khỏi hẳn, tuy nhiên trong người bà nội vẫn còn vi khuẩn HP, chúng đã theo tuyến nước bọt và đồ ăn đi vào cơ thể bé N.

Theo kết quả xét nghiệm của vị bác sĩ đã đăng tải bài viết, bé sinh năm 2013 bị xung huyết và viêm toàn bộ niêm mạc dạ dày. Sần hạt toàn bộ dạ dày - chỉ định sinh thiết. HP (+++).

Bác sĩ cũng cho biết, điều trị HP ở trẻ em vô cùng khó khăn, nhất là trong việc lựa chọn kháng sinh vì vi khuẩn HP ở Việt Nam kháng hầu hết các loại kháng sinh. Các bé bị nhiễm vi khuẩn HP trong độ tuổi nhỏ thường phải sống chung với lũ trong tình cảnh nôn trớ, suy dinh dưỡng, viêm hô hấp trên, thiếu máu,...

Câu chuyện khi được chia sẻ đã gây bão mạng xã hội, nhiều người bày tỏ sự phản đối gay gắt với thói quen mớm cơm và cho rằng đây là cách chăm trẻ thiếu khoa học, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

Mớm cơm cho trẻ: Khi sự chăm bẵm, yêu thương biến thành nơi truyền bệnh 2
Vẫn có không ít người giữ thói quen mớm cơm cho trẻ. Hình minh họa.

Trên thực tế trường hợp như cháu bé trên không phải là hiếm. Thống kê tại Bệnh viện Nhi T.Ư cho thấy, mỗi tháng bệnh viện này tiếp nhận và điều trị cho khoảng 300 bệnh nhi bị các bệnh liên quan đến dạ dày. Trong đó, tình trạng trẻ em bị viêm dạ dày tiên phát do nhiễm Helicobacter Pylori (khuẩn H.P) là chủ yếu. 

Theo các chuyên gia về tiêu hóa, vi khuẩn HP đối với người lớn nguy hiểm, với trẻ em lại càng nguy hiểm hơn. Thực tế, vi khuẩn HP có thể dẫn tới viêm dạ dày mạn tính tiến triển và là nguyên nhân chính gây loét dạ dày, tá tràng, ung thư dạ dày. Theo nghiên cứu, có khoảng 1% những người nhiễm vi khuẩn HP có nguy cơ mắc ung thư.

Và lây qua đường miệng chính là con đường lây truyền chủ yếu của loại Vi khuẩn nguy hiểm này. Trẻ có thể bị lây nhiễm vi khuẩn từ người lớn trong gia đình như ông bà, bố mẹ, hoặc bạn bè… Việc ăn chung, uống chung, dùng chung dụng cụ ăn uống như thìa cốc, bát đũa là nguy cơ làm lây nhiễm vi khuẩn.

Chuyên gia khuyến cáo những nguy cơ nguy hiểm

Mớm cơm cho trẻ: Khi sự chăm bẵm, yêu thương biến thành nơi truyền bệnh 3
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - Nguyên Trưởng khoa Nhi - BV Bạch Mai.

Lý giải về việc vì sao hiện nay vẫn có có những người giữ thói quen mớm cơm, nhai cơm cho trẻ,  PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết thói quen nhai cơm, mớm cơm cho trẻ trước đây khá phổ biến vì thời đó chưa có các loại máy xay hay các công cụ hỗ trợ cho trẻ ăn dặm. Còn hiện nay những người vẫn giữ cách nhai, mớm cơm đa số là những người lớn tuổi, vẫn giữ thói quen cũ và quan niệm "ngày xưa vẫn cho ăn thế có sao đâu".

Nguyên nhân thứ 2 là do trẻ nhỏ mới bước vào giai đoạn tập ăn, chức năng nhai chưa hoàn thiện. Khi người lớn nhai cơm, một loại men có trong nước bọt có tác dụng làm cho cơm có vị ngọt, trẻ ăn cơm nhai chỉ việc nuốt nên có rất nhiều bé thích được ăn cơm nhai.

Tuy nhiên, PGS Dũng khuyến cáo phụ huynh không nên nhai cơm mớm cho trẻ, bởi trẻ sẽ có nguy cơ lây nhiễm hàng trăm bệnh khác nhau. Trong miệng của người lớn có hàng trăm, hàng nghìn vi khuẩn, virus cộng sinh. Trẻ nhỏ, sức đề kháng yếu nên khi có cơ hội xâm nhập, vi khuẩn, vi rút sẽ lây lan và trẻ phát bệnh rất nhanh.

"Tôi khẳng định hành động này là rất mất vệ sinh. Có hơn 100 triệu vi khuẩn/ml nước bọt .Có thể những cháu bé ăn cơm mớm vẫn khỏe mạnh vì may mắn bố mẹ, ông bà không bị bệnh, nhưng nếu họ có, chắc chắn các cháu sẽ là nạn nhân đầu tiên.". PGS Dũng nhấn mạnh.

Theo vị chuyên gia này, điều nguy hại là không phải cứ người lớn nào cũng biết rõ bệnh tình, sức khỏe của mình. Trên thực tế, có rất nhiều người mang bệnh mà không biết, được gọi là người mang trùng nghĩa là trong cơ thể họ đã có sẵn mầm bệnh. Chính vì thế, khi nhai cơm mớm cho trẻ người lớn có thể vô tình truyền bệnh sang cho bé.

“Có nhiều bệnh ở người lớn biểu hiện rất đơn giản nên vì chủ quan dễ bị bỏ qua, không nghĩ rằng mình bị bệnh. Nhưng nếu lây sang trẻ nhỏ căn bệnh đó lại trở thành nguy hiểm.  Đơn giản như bệnh cảm ở người lớn, nhiều người không cần uống thuốc có thể khỏi bệnh sau vài ngày. Nhưng bệnh cảm lây cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 1 tuổi, tiến triển nhanh, gây biến chứng nặng nề như viêm phế quản, viêm phổi"PGS Dũng khuyến cáo.

Lê Khanh
Theo Đời sống Plus/GĐVN