Thứ sáu, 22/11/2024 | 05:55
RSS

Bé gái bỏng nặng vì nước rửa tay khô phòng Covid-19

Chủ nhật, 19/04/2020, 06:26 (GMT+7)

Một bé gái 3 tuổi sống tại Jakarta (Indonesia) đã bị bỏng nặng vì nước rửa tay khô. Chuyên gia khuyến cáo, việc dùng nước rửa tay khô phòng Covid – 19 là tốt nhưng dừng ngay việc làm này nếu không muốn nguy hiểm.

Dùng nước rửa tay khô không đúng sẽ gây tổn thương

Khi dịch bệnh Covid – 19 diễn ra phức tạp, trong số các biện pháp khuyến cáo được đưa ra để phòng tránh bệnh có các khuyến cáo như không tụ tập đông người, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên. Dù vậy không phải lúc nào mọi người cũng có sẵn xà phòng để rửa nên lựa chọn sử dụng nước rửa tay khô có chứa cồn, gel rửa tay mang bên mình. Theo đánh giá của chuyên gia y tế, điều này là rất tốt, có tác dụng diệt vi trùng và mầm bệnh nhưng khi lạm dụng, dùng không đúng lại gây những tổn thương.

Một bé gái 3 tuổi sống tại Jakarta (Indonesia) đã bị bỏng nặng vì nước rửa tay khô. Cô bé khi đó đi xem đốt rác và có cầm một chai nước rửa tay khô. Ngọn lửa bén lên khiến cô bé bỏng nặng ở mặt, cánh tay và chân. Cô bé may mắn được cấp cứu kịp thời, hiện sức khỏe đang dần hồi phục.

Từ vụ bé gái bỏng nặng vì nước rửa tay khô, dừng ngay việc làm này khi dùng phòng COVID – 19 - Ảnh 2.
Bé gái bị bỏng nặng. Ảnh nguồn W.O.B

Nhiều tai nạn từ nước rửa tay khô trước đó đã được truyền thông đăng tải. Ở nước ta, cách đây không lâu, BVĐK Lâm Đồng đã có ca cấp cứu chuyển viện cho bệnh nhân 4 tuổi bị bỏng nặng toàn thân do cồn. Theo người nhà, trong lúc mọi người không để ý, bé đã dùng nhiều chai cồn rửa tay sát khuẩn của bố mẹ cất trong thùng giấy nghịch, bị bén lửa gây bỏng. Hay một người phụ nữ ở Đài Loan gần như bị tổn thương giác mạc khi dụi mắt bằng tay vừa được rửa bằng nước rửa tay khô có chứa cồn.

PGS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hóa (ĐHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, nước rửa tay khô chứa thành phần chủ yếu là cồn, nhằm vệ sinh trong một số trường hợp không có nước hay xà phòng để rửa tay. Nó có tác dụng ức chế, tiêu diệt vi khuẩn để hạn chế nhiễm khuẩn lây lan.

Ngoài thành phần nước tinh khiết, chất hút ẩm, hương liệu tạo mùi và chất diệt khuẩn, 60% nước rửa tay khô chứa cồn ethanol nên rất dễ cháy. Với những sản phẩm kém chất lượng, tỷ lệ thành phần không được đảm bảo như thay vào dùng cồn methanol càng nguy hiểm hơn. Khi dùng có thể làm hại cho da, làm chết lớp tế bào da tay, bong da kéo theo nhiều hệ lụy khác.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cũng đã có cảnh báo về an toàn cháy nổ khi sử dụng chất rửa tay có chất cồn. Người sử dụng khi rửa tay nên chà tay cho đến khi cồn bay hơi hết trước khi tiếp xúc với bất cứ thứ gì dễ gây cháy. Dù chất cồn trong nước rửa tay khô bốc hơi tương đối nhanh nhưng khi để nguyên một chai chứa 60% cồn tiếp xúc với lửa sẽ rất nguy hiểm.

Dừng ngay điều này khi dùng nước rửa tay khô

Theo khuyến cáo của các bác sĩ của bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), nước rửa tay khô sử dụng trong những trường hợp bất khả kháng không có xà phòng rửa tay là tốt. Tuy nhiên, có thể có các bất lợi như sản phẩm thành phần chính có độ cồn phải đạt tối thiểu là 60% mới có thể sát khuẩn. Điều này cũng gây gây khô da, thậm chí tăng lão hóa da tay nếu lạm dụng. Trong thành phần có chất bảo quản như parabens có thể gây dị ứng da trên các cơ địa mẫn cảm.

Bởi vậy, khi sử dụng mọi người cần dừng ngay những việc làm như sau: Thứ nhất, cần tránh dùng khi có vết thương hở. Thứ 2, thành phần của nước rửa tay khô có cồn dễ cháy nên cần tránh tiếp xúc với các dụng cụ phát lửa sau khi dùng. Nước rửa tay khô không loại bỏ được dầu mỡ trên tay khi dính thức ăn nên không phải dung dịch làm sạch tay sau ăn. Tốt nhất vẫn là rửa tay xà phòng dưới vòi nước.

Đặc biệt hiện nay, khi thị trường nhu cầu về khẩu trang, nước sát khuẩn, rửa tay khô đã xuất hiện những sản phẩm kém chất lượng "ăn theo" mùa dịch, việc mua phải các sản phẩm kém chất lượng càng tiềm ẩn nguy cơ lớn.

Để lựa chọn sản phẩm an toàn, Ths. Dược sĩ Phan Văn Hiệu khuyến cáo, khi lựa chọn sản phẩm rửa tay khô sát khuẩn cần chọn các sản phẩm ghi rõ thành phần có Ethanol (cồn y tế) kèm một số chất sát khuẩn, thêm các chất dưỡng da, làm mềm da như vitamin E, tinh chất lô hội,…

Sản phẩm phải có số công bố của Sở Y tế hoặc cơ quan quản lý y tế. Nếu không có số công bố, không có tem nhãn, không công khai nhà sản xuất, không rõ ngày tháng sản xuất, số lô, hạn dùng hay không có mã vạch cần phải cảnh giác. Sản phẩm "giả" có thể có nhiều tạp chất, không bảo đảm vô trùng hoặc thậm chí sử dụng cồn công nghiệp gây độc khi dùng.

Phương Thuận
Theo Gia đình&Xã hội