Chủ nhật, 24/11/2024 | 17:01
RSS

‘Bầu Đức đủ khả năng làm lãnh đạo VPF nhưng không nên làm’

Thứ tư, 01/09/2021, 11:32 (GMT+7)

Theo chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải, bầu Đức đủ sức làm lãnh đạo VPF lúc này nhưng không nên làm vì đang là ông chủ của CLB HAGL.

Sau khi kêu gọi ông Trần Anh Tú Chủ tịch VPF từ chức vị tự trọng, mới đây bầu Đức tiếp tục tuyên bố sẽ trả lương 100 triệu đồng/tháng cho người khác lên lãnh đạo VPF.

"VPF bây giờ không phải muốn làm gì thì làm, thế là không được. VPF đang bị ngộ nhận về vai trò của mình là tổ chức sự kiện, chứ không phải ông chủ của các đội bóng. VPF chỉ là công ty cổ phần do các cổ đông CLB khai sinh để điều hành, tổ chức giải đấu.

Nếu làm không tốt thì phải tổ chức đại hội bầu lại, gọi nôm na là đuổi luôn, cho người tốt hơn lên làm. Tôi sẵn sàng bỏ mỗi tháng 100 triệu đồng trả lương cho chủ tịch VPF, bảo đảm cuộc chơi tốt hơn gấp 10 lần hiện tại".

Về quan điểm của bầu Đức, chuyên gia bóng đá Vũ Mạnh Hải phân tích trên trang pháp luật và bạn đọc: "Thực tế thì những năm gần đây, bóng đá Việt Nam dưới sự lèo lái của VPF đang hoạt động khá ổn định đấy chứ. Kể cả V.League 2021 cũng đã diễn ra rất tốt. Nhưng vì có đại dịch Covid-19 nên mới phát sinh nhiều vấn đề.

Đúng là VPF khi đó đã có vài quyết định chưa thật sự tốt nhưng để nói cần thay đổi bộ máy lãnh đạo hay không thì hơi quá. Tôi thấy bầu Đức đang hơi quá khi nói về bầu Tú, đặc biệt là chuyện muốn bầu Tú phải nghỉ ở VPF.

Bầu Tú cũng có những vấn đề riêng cần phải bàn thật. Nhưng phải thừa nhận ông ấy rất tâm huyết, rất nỗ lực để làm tốt cho bóng đá Việt Nam. Nhìn sang futsal mà xem, công rất lớn của bầu Tú thì mới được như hiện tại. Bầu Tú là người đứng đầu VPF nhưng xung quanh còn nhiều người khác. Nếu những gì VPF làm chưa tốt mà đổ hết lên đầu bầu Tú thì chưa hợp lý".

Bầu Đức đủ khả năng làm lãnh đạo VPF nhưng không nên làm
Bầu Đức chê cách làm của lãnh đạo VPF

Ông Hải cho rằng, bầu Đức đủ sức lãnh đạo VPF lúc này nhưng không nên làm vì đang là lãnh đạo của CLB HAGL: "Về tính cách, về khả năng, về vị thế, bầu Đức hoàn toàn đủ khả năng để lãnh đạo VPF. Nhưng theo tôi, ông ấy lại không nên đứng đầu VPF vì đang làm Chủ tịch một CLB.

Người có liên quan mật thiết với các CLB V.League thì không nên lãnh đạo VPF vì dễ có sự thiện vị, hoặc dù không thiện vị cũng tạo ra tranh cãi. Nên giống như bầu Tú hiện tại, là một người không liên quan gì tới các CLB bóng đá chuyên nghiệp lãnh đạo VPF thì tốt hơn".

Không chỉ bầu Đức chê cách cách làm của VPF, cách đây ít ngày, CLB Quảng Nam do ông Nguyễn Húp làm giám đốc điều hành cũng gửi đơn với nội dung tương tự đồng thời đề nghị tổ chức đại hội cổ đông bất thường và kiện toàn các chức danh lãnh đạo ở VPF cùng các phòng ban trong công ty.

Trước đó vào 26/8, CLB Hải Phòng chính thức có văn bản yêu cầu Công ty CPBĐ Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tổ chức Đại hội bất thường. CLB Hải Phòng đưa ra 2 đề nghị:

"Xem xét lại cách điều hành của Chủ tịch Hội đồng quản trị (ông Trần Anh Tú) và Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (ông Nguyễn Minh Ngọc), bầu lại các thành viên HĐQT và chức danh chủ chốt của công ty, lựa chọn người phù hợp để điều hành, quản lý công ty với mục tiêu vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam".

Như vậy, có 6 đội bóng đã gửi đơn lên VPF với cùng yêu cầu tổ chức đại hội cổ đông bất thường là HAGL, Quảng Nam, Nam Định, Hải Phòng, SLNA và Bình Dương. CLB Phố Hiến sẽ gửi đơn sau.

Cách đây ít ngày, bầu Đức chia sẻ quan điểm trên trang Saostar về người đứng đầu VPF ông Trần Anh Tú, trước thông tin vị này bị nhiều người yêu cầu từ chức: "Tôi đã nói từ lâu là người có tự trọng thì không ai làm thế. Nhiều người phản ứng thì nên nghỉ. Họ nói thẳng như thế mà còn ngồi là không tự trọng.

Không có tự trọng thì không làm được việc lớn đâu. Ông Tú làm Chủ tịch VPF là đại diện hình ảnh bóng đá Việt Nam mà bị nhiều đội phản ứng thì nên xem lại đi. Nếu tự trọng thì nghỉ để không bị nói nhiều như thế".

Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) được thành lập ngày 5/12/2011 với cổ đông lớn nhất là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và các cổ đông là các CLB Bóng đá chuyên nghiệp. Học tập theo mô hình tổ chức của các nền bóng đá tiên tiến trên thế giới.

Sự ra đời của Công ty VPF là minh chứng rõ nét cho bước tiến mới của quá trình xã hội hóa bóng đá nước nhà, phù hợp với xu thế phát triển chung của bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới

Kể từ mùa giải 2012 đến nay, Công ty VPF được giao quyền quản lý, tổ chức và điều hành các Giải Bóng đá Chuyên nghiệp quốc gia, bao gồm:

1. Giải Bóng đá Vô địch Quốc gia (V.League 1): là giải thi đấu bóng đá cấp CLB cao nhất tại Việt Nam. Đây cũng là giải đấu thu hút sự quan tâm chú ý của người hâm mộ cả nước với số lượng trận đấu nhiều nhất, quy tụ các trận đấu đỉnh cao và hấp dẫn nhất tại Việt Nam. Mùa giải 2018 có 14 CLB thi đấu tại V.League 1.

2. Giải Bóng đá Hạng Nhất Quốc gia (V.League 2): là giải thi đấu bóng đá cấp CLB cao thứ hai tại Việt Nam. V.League 2 được xem là giải đấu tiền đề, tạo đà phát triển cho V.League 1. Mùa giải 2018 có 10 CLB thi đấu tại V.League 2.

3. Giải Cúp Quốc gia: là giải đấu quy tụ tất cả các CLB bóng đá chuyên nghiệp, bao gồm các đội thi đấu tại V.League 1 và V.League 2.

Ruby
Theo Giáo dục & Thời đại