Cách đây ít ngày, bầu Đức đã lên tiếng chỉ trích gay gắt cách làm việc của VPF, và khuyên ông Trần Anh Tú lên nghỉ nghỉ việc vì năng lực hạn chế, không phù hợp. Ngày 30/8, HAGL đã chính thức gửi đơn tới VFF và VPF, đề nghị tổ chức đại hội cổ đông bất thường để thay đổi lãnh đạo của Công ty cổ phần bóng đá VPF.
Mới đây, bầu Đức tiếp tục bày tỏ quan điểm muốn thay đổi lãnh đạo VPF. Ông nói với Báo điện tử pháp luật TP.HCM (PLO): "… chúng tôi cần đại hội VPF bất thường để bầu lại các chức danh chủ chốt theo nguyên tắc lãnh đạo. Tôi khẳng định anh Tú xuất thân từ dân futsal không biết gì về bóng đá. Tay ngang mà nhảy vào làm khó lắm, tiền bạc của biết bao nhiêu cổ đông đổ vào đó thì không thể giao cho người không có nghề".
Theo quan điểm của bầu Đức, có không ít những cái tên khác có thể ngồi vào ghế Chủ tịch VPF (các nhà chuyên môn kỳ cựu như Trần Duy Ly, Phạm Ngọc Viễn). Đồng thời bầu Đức cũng đặt câu hỏi về vấn đề công khai tài chính của công ty VPF.
"VPF bây giờ không phải muốn làm gì thì làm là không được. VPF đang bị ngộ nhận về vai trò của mình là tổ chức sự kiện, chứ không phải ông chủ của các đội bóng. VPF chỉ là công ty cổ phần do các cổ đông CLB khai sinh để điều hành, tổ chức giải đấu.
Nếu làm không tốt thì phải tổ chức đại hội bầu lại, gọi nôm na là đuổi luôn, cho người tốt hơn lên làm. Tôi sẵn sàng bỏ mỗi tháng 100 triệu đồng trả lương cho chủ tịch VPF, bảo đảm cuộc chơi tốt hơn gấp 10 lần hiện tại", bầu Đức nói trên PLO.
Bầu Đức sãn sàng trả lương 100 triệu đồng cho chủ tịch VPF
Trước đó, vào chiều 26/8, CLB Hải Phòng cũng đá chính thức có văn bản yêu cầu Công ty CPBĐ Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) tổ chức Đại hội bất thường. Trong văn bản gửi VPF, CLB Hải Phòng đưa ra 2 đề nghị:
"Xem xét lại cách điều hành của Chủ tịch Hội đồng quản trị (ông Trần Anh Tú) và Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (ông Nguyễn Minh Ngọc), bầu lại các thành viên HĐQT và chức danh chủ chốt của công ty, lựa chọn người phù hợp để điều hành, quản lý công ty với mục tiêu vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam".
Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) được thành lập ngày 5/12/2011 với cổ đông lớn nhất là Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và các cổ đông là các CLB Bóng đá chuyên nghiệp. Học tập theo mô hình tổ chức của các nền bóng đá tiên tiến trên thế giới
Sự ra đời của Công ty VPF là minh chứng rõ nét cho bước tiến mới của quá trình xã hội hóa bóng đá nước nhà, phù hợp với xu thế phát triển chung của bóng đá chuyên nghiệp trên thế giới.
Kể từ mùa giải 2012 đến nay, Công ty VPF được giao quyền quản lý, tổ chức và điều hành các Giải Bóng đá Chuyên nghiệp quốc gia, bao gồm:
1. Giải Bóng đá Vô địch Quốc gia (V.League 1): là giải thi đấu bóng đá cấp CLB cao nhất tại Việt Nam. Đây cũng là giải đấu thu hút sự quan tâm chú ý của người hâm mộ cả nước với số lượng trận đấu nhiều nhất, quy tụ các trận đấu đỉnh cao và hấp dẫn nhất tại Việt Nam. Mùa giải 2018 có 14 CLB thi đấu tại V.League 1.
2. Giải Bóng đá Hạng Nhất Quốc gia (V.League 2): là giải thi đấu bóng đá cấp CLB cao thứ hai tại Việt Nam. V.League 2 được xem là giải đấu tiền đề, tạo đà phát triển cho V.League 1. Mùa giải 2018 có 10 CLB thi đấu tại V.League 2.
3. Giải Cúp Quốc gia: là giải đấu quy tụ tất cả các CLB bóng đá chuyên nghiệp, bao gồm các đội thi đấu tại V.League 1 và V.League 2.
Công ty VPF hoạt động với tinh thần: “Cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ quyền lợi, hướng tới tương lai, vươn ra thế giới”.
Cùng với các CLB bóng đá chuyên nghiệp, VPF luôn nỗ lực và không ngừng đổi mới trong công tác quản lý, tổ chức, điều hành các Giải BĐCN QG, nhằm tổ chức thành công các giải đấu, cống hiến cho người hâm mộ những trận cầu hấp dẫn, có chất lượng chuyên môn cao, từ đó góp phần cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam nói chung.