Theo ghi nhận của PV Báo NTNN, từ ngày 15-17.3, khu khám bệnh của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (34 Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) luôn chật kín người. Đa số họ là những phụ huynh có con đang học ở các trường mầm non trên địa bàn huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Họ đưa con lên Hà Nội xét nghiệm sau thông tin hơn 50 học sinh xã Thanh Khương dương tính với sán lợn.
Sáng nay (17.3), hành lang Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương không còn một chỗ trống, người lớn đứng chật kín khu tiếp nhận bệnh nhân và trả kết quả, nhiều phụ huynh đến viện với vẻ mặt mệt mỏi. Một bác sỹ của bệnh viện này cho biết, hai hôm nay họ phải làm việc hết công suất vì người dân đưa con đến khám rất đông, đa số đều đến từ huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Dự kiến trong ngày mai (18.3), số lượng người đến khám vẫn còn nhiều. Vì quá đông nên bệnh viện đã phải căng tạm một tấm bạt lớn để người dân nghỉ ngơi.
Chị Lê Thị Hường, trú thôn Liên Cửu, xã Ngũ Thái cho biết, sáng nay chị cùng hai gia đình nữa phải dậy từ lúc 2h sáng để thuê xe đưa con lên Hà Nội thăm khám. Chị Hường là công nhân, theo lịch hôm nay vẫn phải đi làm, nhưng vì lo sức khỏe của con nên chị xin nghỉ, chấp nhận chịu phạt để đưa con đi khám.
Phụ huynh ở Thuận Thành đưa con em đến khám tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương ngày 17.3. ảnh: Nguyễn Chương
“Mấy hôm nay đọc báo thấy hơn 50 trẻ ở Thuận Thành dương tính với sán lợn mà tôi lo không ngủ được, mặc dù con không học ở trường Mầm non Thanh Khương - nơi bị phát hiện thịt lợn nổi hạch, dấu hiệu nhiễm sán lợn và thịt gà hôi thối trong bếp ăn bán trú nhưng tôi vẫn đưa con đi, vì trường con tôi học cũng dùng nguồn thực phẩm do Cty Hương Thành cung cấp”, vị phụ huynh này nói.
Theo chị Hường, trong xã của chị cũng có rất nhiều người đưa con lên Hà Nội khám bệnh, tâm trạng chung của họ là lo lắng và tức giận bởi sự vô tâm, thiếu trách nhiệm của một số người. “Tôi chưa cầm tờ kết quả nhưng lúc xét nghiệm xong bác sỹ nói con tôi không sao nên cũng đỡ lo hơn. Sau đợt này chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải kiểm tra, nếu đúng nguyên nhân là do Cty Hương Thành thì phải xử lý nghiêm. Đồng thời làm rõ có hay không “lợi ích nhóm” trong việc để Cty này cung cấp thực phẩm cho toàn bộ các trường trên địa bàn huyện. Việc đưa thực phẩm bẩn vào trường học chính là “đầu độc” trẻ em”, chị Hường bức xúc.
Anh Nguyễn Hữu Đồng, trú tại thị trấn Hồ cho biết, mấy hôm nay đi tới đâu cũng nghe câu chuyện sán lợn nên hai vợ chồng anh xin nghỉ việc để đưa hai con trai đang theo học tại trường Mầm non thị trấn Hồ lên Hà Nội khám. Ra Hà Nội sớm nên anh đăng kí được khám sớm, sau vài tiếng chờ kết quả, vợ chồng anh điếng người khi bác sỹ thông báo cả hai đứa con đều bị nhiễm sán.
“Bác sỹ nói đưa con về, 15 ngày sau lên khám tổng thể lại rồi mới biết có phải nhập viện hay không. Tự nhiên rước bực vào người, tiền đi lại, khám cho hai đứa rất tốn kém, giờ còn nhận kết quả như này nữa thật sự rất bực. Từ ngày có thông tin về bệnh sán lợn vợ chồng tôi đã không cho con ăn bán trú rồi, thế mà hai đứa con vẫn bị, hoang mang thật sự. Chúng tôi đề nghị phải xử lý nghiêm, đồng thời không cho công ty này cung cấp thực phẩm cho các trường nữa”, anh này bức xúc.
Anh Nguyễn Đình Kiên, trú thôn Yên Ngô, xã An Bình thông tin, Cty Hương Thành cung cấp thực phẩm cho 9 trường mầm non và hai trường tiểu học ở Thuận Thành với cả chục nghìn học sinh. Ở trường con anh học, nỗi học sinh phải nộp 15.000 đồng/ngày và 3kg gạo một tháng. “Hôm nay hai vợ chồng cũng phải nghỉ việc ở công ty, chấp nhận bị phạt để đưa con gái đi khám. Họ thích phạt bao nhiêu thì phạt, sức khỏe con quan trọng hơn”, anh Kiên nhấn mạnh.
12h trưa, phía ngoài phòng chờ của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương vẫn còn rất nhiều người. Sự mệt mỏi và lo lắng thể hiện rõ trên khuôn mặt của họ. Trong lúc chờ kết quả một số người vì mệt nên ngủ luôn trên ghế. Một số khác thì thanh thủ đưa con đi ăn trưa và gọi điện về thông báo cho gia đình.
Công an tỉnh Bắc Ninh vào cuộc Ngày 16.3, tỉnh Bắc Ninh phát đi thông báo kết luận của Chủ tịch Nguyễn Tử Quỳnh tại cuộc họp về cung cấp thực phẩm tại trường mầm non xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành. Chủ tịch Quỳnh yêu cầu Công an tỉnh khẩn trương điều tra, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn cho trường học; có biện pháp bảo đảm an ninh trật tự tại trường mầm non Thanh Khương và các trường học ở Thuận Thành. Ngành y tế được giao chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tổ chức xét nghiệm cho học sinh trường Mần non xã Thanh Khương, cung cấp thông tin chính thức cho các bên liên quan căn cứ kết quả mẫu xét nghiệm. Việc hướng dẫn, tuyên truyền cho người dân về nguyên nhân, ảnh hưởng và cách phòng chống sán lợn cũng được giao cho cơ quan y tế. |
Ông Nguyễn Quang Thiều, Phó Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng Trung ương cho biết, sáng 17.3 có 160 trẻ tới khám. Ngày 16.3 đã có gần 700 trẻ tới xét nghiệm. Kết quả cộng dồn hai ngày 15-16.3 tại viện này có 75 trẻ dương tính với sán lợn.
Tại Bệnh viện nhiệt đới Trung ương, sáng ngày 17.3 có thêm hơn 100 trẻ đến làm xét nghiệm, nâng tổng số trẻ tới xét nghiệm ở viện mấy ngày qua lên hơn 800. Bệnh viện tiếp tục tăng cường nhân lực để tiếp đón, làm xét nghiệm và trả hồ sơ cho bệnh nhân. Tính đến ngày 15.3, đã có 44 trường hợp được xác định dương tính sán lợn tại viện này. Số còn lại vẫn đang chờ kết quả do nhiều phụ huynh đề nghị xét nghiệm thêm nhiều chỉ số.
Trao đổi với PV Báo NTNN, luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư TP. Hà Nội cho biết, việc gần 100 học sinh nhiễm sán là sự việc nghiêm trọng, tuy nhiên vì cơ quan chức năng đang điều tra nên chưa thể kết luận được nguyên nhân là do đâu. Nhưng, nếu trẻ nhiễm sán do ăn phải thực phẩm bẩn từ bếp ăn tập thể của nhà trường gây hậu quả nghiêm trọng, những người đã nhập thực phẩm, cung cấp, chế biến thực phẩm bẩn sẽ bị xử lý hình sự.
Tội phạm và hình phạt quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự, về tội Vi phạm quy định vệ sinh, an toàn thực phẩm. Cụ thể, hành vi chế biến, cung cấp hoặc bán thực phẩm mà biết rõ là thực phẩm đó không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật, quy định về an toàn thực phẩm có thể bị phạt tiền đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1-5 năm.