Liên quan đến vụ án mạng 2 thi thể bị phi tang ở Bình Dương, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra quyết định khởi tố vụ án khởi tố bị can đối với 4 phụ nữ để điều tra về hành vi “Giết người”.
4 nữ nghi phạm bị khởi tố gồm: Phạm Thị Thiên Hà (31 tuổi); Trịnh Thị Hồng Hoa (66 tuổi, mẹ của Hà, thường trú tại quận Tân Phú, TP.HCM); Lê Ngọc Phương Thảo (29 tuổi, quê Tiền Giang) và Nguyễn Ngọc Tâm Huyên (40 tuổi, ngụ TP.HCM).
Theo điều tra, nghi can Hà tốt nghiệp Trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM chuyên ngành tiếng Nhật. Hà có một thời gian sang Nhật du học nhưng không lâu sau đó về nước. Trước khi tu luyện Pháp luân công, Hà mở cửa hàng kinh doanh rất đông khách.
Còn Lê Ngọc Phương Thảo là trợ thủ đắc lực cho Hà, là người giúp Hà nhiều nhất trong qúa trình tu luyện cũng như sát hại, phi tang 2 nạn nhân nam. Thảo cũng có trình độ đại học, tốt nghiệp Đại học Nông Lâm TP.HCM.
Nguyễn Ngọc Tâm Huyên là trợ thủ đắc lực thứ 2 trong vụ án. Huyên có trình độ học vấn thạc sỹ, giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM.
Trong một diễn biến khác liên quan đến vụ án, Giám đốc Công an tỉnh Bình Dương Đại tá Trịnh Ngọc Quyên cho biết, trong quá trình điều tra gặp khó khăn một phần do công tác quản lý hộ khẩu lỏng lẻo.
Đại tá Quyên cho hay, sau vụ án mạng, ông có kiến nghị với chính quyền địa phương về công tác quản lý người, quản lý hộ khẩu ở địa bàn cơ sở hết sức lỏng lẻo, trong đó có trách nhiệm của công an cơ sở. Nhóm đối tượng đến thuê nhà một số địa điểm, rồi né tránh tiếp xúc, phủ bạt lên nhà, mặc quần áo theo kiểu tu luyện như thế nhưng cán bộ không yêu cầu kiểm tra, để xem họ hoạt động như thế nào.
Theo vị lãnh đạo Công an tỉnh Bình Dương, đáng lẽ công an xã phải đến khai báo tạm trú nhưng lại không làm tốt điều đó. Vì thế, khi xảy ra vụ án khó xác định được ai đang ở trong nhà nên rất khó khăn trong quá trình điều tra khi xảy ra chuyện.
“Tôi đã ký quyết định chỉ đạo Công an huyện Bàu Bàng xử lý cán bộ công an cơ sở trong việc quản lý hộ khẩu”, Đại tá Quyên nhấn mạnh với Tiền Phong.