Thứ năm, 28/03/2024 | 23:52
RSS

Bắt đầu thử nghiệm thuốc trị Covid-19 Remdesivir dạng hít ở người

Thứ năm, 09/07/2020, 10:43 (GMT+7)

Các nhà khoa học kỳ vọng thử nghiệm thuốc trị Covid-19 Remdesivir dạng hít giúp điều trị sớm hơn cho các bệnh nhân Covid-19 mà không cần nhập viện.

Sự kiện:
Covid-19

Theo Reuters, Gilead Sciences cho biết họ đã bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một để đánh giá tính an toàn, khả năng dung nạp và dược động học của Remdesivir dạng hít. Theo đó, công ty này sẽ thử nghiệm loại thuốc này trên 60 người Mỹ khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18-45 tuổi. Trường hợp thử nghiệm thành công có thể tạo cơ sở cho nghiên cứu lâm sàng về thuốc hít, đặc biệt ở những bệnh nhân không tiến triển cần phải nhập viện.

Thông báo của Gilead cũng cho hay, nghiên cứu về Remdesivir dạng hít là cột mốc quan trọng trong việc phát triển thuốc và nâng cao độ an toàn của Remdesivir, cho phép nhiều bệnh nhân tiếp cận được với phương pháp điều trị này.

Bắt đầu thử nghiệm thuốc trị Covid-19 Remdesivir dạng hít ở người

Bắt đầu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một thuốc trị covid-19 dạng hít

Báo cáo trước đó của Gilead cho thấy, Remdesivir dạng tiêm tĩnh mạch (chỉ sử dụng trong bệnh viện) không mang lại nhiều lợi ích cho bệnh nhân Covid-19 nhẹ và trung bình. Vì vậy, Gilead đã phát triển Remdesivir dạng hít kết hợp với máy phun khí dung, có thể dễ dàng sử dụng bên ngoài bệnh viện. Gilead cũng đang lên kế hoạch bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng bổ sung để đánh giá độ an toàn của Remdesivir khi sử dụng kết hợp với thuốc chống viêm.

Remdesivir dạng hít có khả năng truyền thuốc trực tiếp vào đường hô hấp và mô phổi - nơi virus SARS-CoV-2 tấn công chủ yếu. Các nhà khoa học kỳ vọng thử nghiệm Remdesivir dạng hít giúp điều trị sớm hơn cho các bệnh nhân Covid-19 mà không cần nhập viện.

Hiện nay, Remdesivir là loại thuốc duy nhất được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ cho phép sử dụng khẩn cấp để điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng nhập viện. Thuốc thử nghiệm được đánh giá an toàn và có tác dụng rút ngắn thời gian phục hồi cho người bị nhiễm.

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN