Thứ sáu, 22/11/2024 | 13:29
RSS

Báo động tỉ lệ học sinh quan hệ tình dục trước 14 tuổi gia tăng

Thứ hai, 25/04/2022, 16:46 (GMT+7)

Thông tin từ nhóm nghiên cứu cho thấy tỉ lệ quan hệ tình dục trong học sinh giảm nhẹ, nhưng tỉ lệ quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần trong vòng 6 năm qua.

Theo thông tin trên báo Người lao động, sáng ngày 25/4, Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tổ chức hội thảo trực tuyến công bố báo cáo "Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam năm 2019". Trong đó, có một số vấn đề liên quan đến học sinh được quan tâm như: chế độ ăn uống, vệ sinh cá nhân, phòng chống dịch bệnh, sử dụng thuốc lá, rượu bia, hoạt động thể chất, tai nạn thương tích, sức khoẻ tâm thần,...

Tại hội thảo, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam Kidong Park cho biết, cuộc khảo sát triển khai tại 21 tỉnh với hơn 7.700 học sinh tham gia, cung cấp số liệu về yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh không lây nhiễm cũng như các bệnh khác. Số học sinh tham gia khảo sát đều từ lớp 8-12 (tương ứng trẻ 13-17 tuổi) của 81 trường.

Cụ thể, thông tin từ cuộc khảo sát cho thấy tỉ lệ quan hệ tình dục trong học sinh giảm nhẹ (từ 6,53% năm 2013 đến 5,24% năm 2019), nhưng tỉ lệ quan hệ tình dục trước 14 tuổi tăng gấp 2 lần, từ 1,45% (năm 2013), tăng lên 3,51% vào năm 2019.

Trong số những học sinh đã từng quan hệ tình dục, 42,4% có sử dụng bao cao su và 44,0% sử dụng các phương pháp ngừa thai khác, thấp hơn so với tỉ lệ này vào năm 2013 (lần lượt là 52,6% và 64,2%). trong đó 63,0% có sử dụng bao cao su trong lần quan hệ tình dục gần đây nhất.

Việc quan hệ tình dục trước 14 tuổi và không sử dụng bao cao su góp phần gây ra tình trạng mang thai ở tuổi vị thành niên và mang thai ngoài ý muốn cũng như tỷ lệ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cao. Việc sử dụng bao cao su đúng cách có thể làm giảm nguy cơ nhiễm HIV và các bệnh nhiễm trùng qua đường tình dục khác.

Tỉ lệ học sinh quan hệ tình dục lần đầu trước 14 tuổi tăng gấp đôi

Ảnh minh họa

Nguồn tin trên Dân Việt cho biết, cũng tại hội thảo này, PGS.TS Trần Thị Tuyết Hạnh, Trường Đại học Y tế công cộng, đại diện nhóm nghiên cứu thông tin, theo khảo sát 13% trẻ cảm thấy cô đơn hầu hết thời gian hoặc luôn luôn cô đơn. Gần 7% thường xuyên cảm thấy lo lắng. Đặc biệt, tỷ lệ trẻ nghiêm túc xem xét việc tự tử trong 12 tháng qua 2 lần khảo sát có giảm nhẹ nhưng trong số 6-7 trẻ thì vẫn còn một trẻ nghiêm túc nghĩ đến việc tự tử trong một năm qua.

Tuy tỷ lệ học sinh cảm thấy cô đơn cao nhưng chỉ có 30% phụ huynh hoặc người giám hộ hiểu vấn đề lo lắng của trẻ. Đồng thời, chỉ 40% cha mẹ biết con làm gì lúc rảnh rỗi. Trong khi đó, ở tuổi vị thành niên với nhiều biến đổi, xáo trộn, học sinh rất cần sự chia sẻ, đồng hành của cha mẹ để vượt qua các khó khăn...

Một số tiến bộ trong hành vi của học sinh như tỷ lệ học sinh đã từng hút thuốc (thuốc lá điếu hoặc thuốc lào) giảm từ 12,14% năm 2013 xuống còn 8,29% năm 2019. Tương tự, tỷ lệ hiện đang hút thuốc (lá điếu hoặc lào) cũng giảm từ 5.36% năm 2013 xuống còn 2.78% năm 2019. Tỷ lệ hiện đang hút thuốc lá điếu giảm đáng kể từ mức 4,67% năm 2013 xuống còn 2,76% năm 2019. Tỷ lệ học sinh đã từng sử dụng ma túy đã giảm tích cực, từ 1,43% trong năm 2013 xuống còn 0,65% vào năm 2019.

Tỉ lệ học sinh hoạt động thể chất đã tăng hơn. Trong đó, tỉ lệ vận động 60 phút/ngày, 5 ngày trong tuần đã tăng từ 20,5% lên 21,7%. Tuy nhiên, tỉ lệ học sinh bị thừa cân, béo phì có xu hướng tăng lên, tỉ lệ thừa cân tăng gấp đôi. Một số hành vi nguy cơ như uống nước ngọt có ga, ăn thức ăn nhanh đều tăng lên. Trong đó, tỉ lệ ăn thức ăn nhanh ít nhất 1 lần trong tuần tăng từ 30,2% lên 54,1%.

Đã có 2,57% học sinh sử dụng thuốc lá điện tử vào năm 2019. Các sản phẩm này tương đối mới ở Việt Nam, hầu như không có hoặc rất ít sử dụng trong năm 2013. Riêng ở Hà Nội và TP HCM tỷ lệ này lên đến 7,9%.

Tại hội thảo, Trưởng đại diện WHO khuyến cáo ngành giáo dục và y tế cần xây dựng chương trình nâng cao sức khỏe cho học sinh, chú trọng về chất lượng bữa ăn trường học, điều kiện vận động thể chất cho học sinh; sức khỏe tâm thần, sức khỏe giới tính...

Vừa qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chương trình y tế học đường 2021 - 2025, ngành y tế cũng cần có hướng dẫn và hỗ trợ chuyên môn cho ngành giáo dục triển khai hiệu quả. Hai bộ, ngành trên cũng cần phối hợp các bộ, ngành xây dựng chính sách để tăng cường vận động thể chất; kiểm soát hoạt động quảng bá thức ăn, thực phẩm không có lợi cho sức khỏe.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại