Thứ năm, 25/04/2024 | 22:08
RSS

Bàn tay phải người đàn ông dập nát do bị cuốn vào máy cắt than

Thứ bảy, 03/10/2020, 09:58 (GMT+7)

Người đàn ông nhập viện trong tình trạng có vết thương dập nát ở bàn tay phải, chảy máu nhiều, mất da diện rộng,...sau khi bị cuốn vào máy cắt than.

Bàn tay phải người đàn ông dập nát do bị cuốn vào máy cắt than

Bàn tay của bệnh nhân với vết thương phức tạp trước và sau khi phẫu thuật. Ảnh: VTV News

Mới đây, thông tin từ Trung tâm Y tế Tiên Yên (Quảng Ninh) cho biết, đơn vị này vừa qua đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân N.T.L (53 tuổi, trú tại xã Yên Than, Tiên Yên, Quảng Ninh)  với chẩn đoán vết thương phức tạp bàn tay phải.

Theo người nhà bệnh nhân, khoảng 20 phút trước khi vào viện, bệnh nhân bị máy cắt than cuốn bàn tay phải vào trong máy. Sau tai nạn, bệnh nhân đau và chảy máu nhiều bàn tay phải nên gia đình đã nhanh chóng đưa đến trạm y tế sơ cứu và sau đó chuyển bệnh nhân vào Trung tâm Y tế Tiên Yên.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ thăm khám và thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng cần thiết. Bệnh nhân được chẩn đoán có vết thương dập nát phức tạp bàn tay phải, đứt gần lìa ngón IV (nguy cơ phải cắt bỏ ngón tay), mất da diện rộng, gãy trật đốt I, II có mất đoạn gân duỗi, gãy nát đầu ngoài đốt 1 ngón II, III bàn tay phải.

Ngay sau đó, các bác sỹ đã tiến hành hội chẩn lãnh đạo, ekip phẫu thuật, người bệnh được chỉ định mổ cấp cứu rửa sạch vết thương bàn tay, cắt lọc tổ chức hoại tử, kết hợp xương, chuyển gân khâu nối gân duỗi ngón IV, khâu bảo tồn lại ngón tay, chuyển vạt che phủ xương ngón IV, khâu phục hồi các vết thương. 

Ca phẫu thuật thành công, người bệnh được điều trị, chăm sóc và theo dõi tại khoa Ngoại tổng hợp. 3 ngày sau phẫu thuật, vết thương khô, vạt da hồng nhạt (tiên lượng vạt da sống), đầu chi ngón IV hồng ấm, cảm giác, bệnh nhân vận động được và có thể xuất viện trong vài ngày tới.

BS.CKI Lục Chiến Thắng,  Trung tâm Y tế Tiên Yên - người trực tiếp phẫu thuật cho bệnh nhân nhận định đây là trường hợp vết thương bàn tay tương đối phức tạp, thường gặp trong quá trình sử dụng các máy móc phục vụ sản xuất. 

Trong quá trình phẫu thuật tiên lượng và đánh giá thận trọng giữa cắt bỏ và bảo tồn tránh để lại những sai sót đáng tiếc. Sau khi phẫu thuật thành công bệnh nhân cần tập phục hồi các ngón tay theo liệu trình của bác sĩ tránh tình trạng co cứng, hạn chế vận động bàn ngón tay ảnh hưởng đến sinh hoạt sau này.

Qua trường hợp bệnh nhân trên, bác sĩ Thắng khuyến cáo người dân nên thận trọng hơn khi sử dụng các máy móc phục vụ trong công tác sản xuất, thực hiện an toàn lao động để phòng ngừa những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.

 

Nguyệt Hà (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN