Chủ nhật, 19/01/2025 | 01:38
RSS

Bác sỹ cảnh báo, không chữa bệnh tay chân miệng bằng rau sam, lá bàng

Thứ năm, 25/10/2018, 07:13 (GMT+7)

Các chuyên gia lại cảnh báo trẻ có thể gặp nguy hiểm khôn lường khi được cha mẹ cho sử dụng rau sam, lá bàng chữa bệnh tay chân miệng.

Chữa tay chân miệng bằng rau sam, lá bàng nguy hiểm khôn lường
Thông tin rau sam, lá bàng chữa tay chân miệng khiến nhiều người xôn xao

Những ngày qua, trên mạng xã hội xuất hiện các thông tin chia sẻ về việc dùng rau sam chữa tay chân miệng chỉ 3 ngày là khỏi khiến nhiều phụ huynh xôn xao. Bài viết hướng dẫn rau sam sau khi rửa sạch ngâm với nước muối và nấu trong vòng một tiếng rồi chắt lấy nước. Một phần cho trẻ uống, phần còn lại dùng lau trên người trẻ. 

Bên cạnh rau sam, bài thuốc từ lá bàng cũng được nhiều người chia sẻ có thể chữa bệnh tay chân miệng cho trẻ. Bài viết hướng dẫn lá bàng xay nhỏ, cho vào nước và muối rồi đun sôi để nguội. Sau đó lọc lấy nước cho vào tủ lạnh uống dần.

Tuy nhiên, các chuyên gia lại đưa ra những cảnh báo trẻ có thể gặp nguy hiểm khôn lường khi được cha mẹ cho sử dụng các loại thuốc này.

Theo Người đưa tin, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng Nguyên Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chưa có cơ sở khoa học cho việc sử dụng lá bàng có thể điều trị bệnh tay chân miệng, khuyến cáo các bậc phụ huynh không nên nghe theo các biện pháp truyền miệng. Bởi đã có không ít trường hợp trẻ mắc bệnh nặng do sử dụng bài thuốc dân gian truyền miệng hoặc đăng tải trên mạng.

Tong khi đó, trao đổi với báo pháp luật TP.HCM, TS-BS Trương Thị Ngọc Lan, Phó Viện trưởng Viện Y Dược học dân tộc TP.HCM, cho biết dân gian cho rằng rau sam, rau diếp cá, cây bạc hà có tính thanh nhiệt, giải độc nên khi dùng sẽ tăng sức đề kháng, mau hết bệnh. Tuy nhiên, những loại rau trên chỉ có thể giải quyết các triệu chứng của tay chân miệng như mụn nước, thải độc… chứ không thể trị dứt tay chân miệng.

Riêng lá bàng không phải là một loại thuốc trong y học cổ truyền vậy nên việc uống lá bàng trong thời gian bị tay chân miệng là thiếu an toàn.

BS Đỗ Tân Khoa, Giám đốc BV Y học cổ truyền TP.HCM, không phủ nhận những tác dụng của rau sam trong giân dân nhưng khoa học chưa chứng minh điều đó nên bệnh viện cũng không áp dụng các loại rau này trong quá trình điều trị.

Theo Giám đốc BV Y học cổ truyền TP.HCM, nếu trẻ có dấu hiệu mắc tay chân miệng thì các bậc phụ huynh nên đưa con tới bác sĩ chuyên khoa để được điều trị theo phác đồ. Không nên tin tưởng vào các bài thuốc dân gian khiến bệnh tình của trẻ nặng thêm.

Báo cáo mới nhất của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 82.000 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó có 7 trường hợp tử vong.

Trong tuần qua, cả nước ghi nhận 8.885 trường hợp mắc tay chân miệng với 2.435 trường hợp nhập viện. Tích lũy từ đầu năm nay, cả nước ghi nhận 82.100 trường hợp mắc tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành phố, trong đó, có 38.272 trường hợp nhập viện và 7 trường hợp tử vong.

Theo lãnh đạo Cục Y tế dự phòng, do tay chân miệng là bệnh chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu, lại đang trong thời điểm thuận lợi để bệnh lây lan trong cộng đồng, các bậc cha mẹ cần đảm bảo vệ sinh chân tay cho trẻ, thực hiện ăn uống vệ sinh, thường xuyên lau sạch các bề mặt trẻ hay tiếp xúc hàng ngày như đồ chơi, dụng cụ học tập.


Xem thêm video: Nhận định nguyên nhân bé trai 22 tháng tuổi tử vong sau khi truyền dịch tại phòng khám tư

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN