Thứ bảy, 20/04/2024 | 02:36
RSS

Thực hư thông tin trẻ tiêm phòng không sốt là thuốc không tác dụng

Thứ tư, 24/10/2018, 16:05 (GMT+7)

Nhiều phụ huynh thường băn khoăn lo lắng trước thông tin trẻ tiêm phòng không sốt là thuốc không có tác dụng. Thực hư của thông tin này ra sao?.

Trẻ tiêm phòng không sốt là thuốc không có tác dụng?
Nhiều phụ huynh băn khoăn trước thông tin trẻ tiêm phòng không sốt là thuốc không có tác dụng (ảnh minh họa)

Hiện nay, trên nhiều diễn đàn và trang mạng xã hội nhiều phụ huynh thường chia sẻ băn khoăn về thông tin sau khi tiêm phòng, nếu trẻ không sốt là mũi tiêm không có tác dụng.  Tuy nhiên, theo ThS.BS Nguyễn Trọng Toàn, phó trưởng khoa kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TP.HCM điều này không chính xác. 

Thông tin này được đưa ra tại buổi Giao lưu trực tuyến "Dịch bệnh bủa vây, phòng chống cách nào?" do báo Tuổi trẻ phối hợp với Bộ Y tế tổ chức.

ThS.BS Nguyễn Trọng Toàn cho hay: "Hiệu quả của một vắc xin được đánh giá trên cơ sở cơ địa trẻ đáp ứng và tạo ra miễn dịch bảo vệ sau tiêm như thế nào, cũng như đáp ứng đó giúp trẻ tránh được nguy cơ mắc bệnh ra sao. 

Các phản ứng xảy ra sau tiêm chỉ cho thấy phản ứng bảo vệ tự nhiên của cơ thể khi tiếp nhận một kháng nguyên (vật lạ), điều này tùy thuộc vào mỗi cơ địa khác nhau, bản chất mỗi loại vắc xin, đường tiêm...chứ không nói lên tác dụng hay hiệu quả bảo vệ của vắc xin".

Phó trưởng khoa kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TP.HCM cũng cho biết thêm tất cả các loại vắc xin khi được cấp phép lưu hành đều đã trải qua rất nhiều giai đoạn nghiên cứu và phát triển, hiệu quả vắc xin đã được chứng minh qua các nghiên cứu trước cấp phép. 

Bên cạnh đó, chất lượng từng lô vắc xin cũng được kiểm định nghiêm ngặt trước khi xuất xưởng, trong quá trình vận chuyển cho đến khi đưa vào sử dụng cho cộng đồng.

Về hiệu quả bảo vệ của vắc xin trên từng cá nhân, ThS.BS Nguyễn Trọng Toàn cho biết "phụ thuộc vào đáp ứng của từng cá thể, vào độ tuổi tiêm, lịch tiêm, mục đích tạo miễn dịch, các bệnh kèm theo (ví dụ các bệnh suy giảm miễn dịch, bệnh mãn tính...). Với cộng đồng, hiệu quả bảo vệ của vắc xin còn phụ thuộc vào tỉ lệ bao phủ vắc xin nhằm tạo ngưỡng miễn dịch cộng đồng".

ThS.BS Nguyễn Trọng Toàn cũng lưu ý phụ huynh: "Cần tiêm đúng lịch và đủ liều cũng như tuân thủ hướng dẫn của các cán bộ y tế cho từng trường hợp cụ thể sẽ giúp việc tiêm ngừa vắc xin mang lại hiệu quả cao nhất cho trẻ và cho cộng đồng".

Bên cạnh đó, BS.CKI. Nguyễn Thị Từ Anh - Bệnh viện Từ Dũ cho biết thêm: "Sau khi tiêm ngừa, phụ huynh không nên đắp hay bôi bất cứ gì lên vết tiêm để tránh nhiễm khuẩn".


Xem thêm video: Phẫn nộ lá thư xin lỗi của giáo viên bạo hành tạo 6 vết thương cho trẻ

Mai Anh (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN