Chủ nhật, 19/01/2025 | 09:36
RSS

Bác sĩ nhi giúp cha mẹ trả lời chính xác câu hỏi 'có nên hút mũi, lấy ráy tai cho con hay không?'

Thứ sáu, 01/06/2018, 06:40 (GMT+7)

Có những bậc phụ huynh đôi khi xem nhẹ những việc như hút mũi hay lấy ráy tai cho con mà không nghĩ rằng điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của trẻ và cần sự chỉ định của bác sĩ chứ không phải "muốn là làm".

Có nên hút mũi lấy ráy tai cho trẻ không
"Có nên hút mũi, lấy ráy tai cho trẻ?" là băn khoăn của rất nhiều phụ huynh. Ảnh minh họa

Ths.BS Lương Văn Chương, Phó trưởng khoa Cấp cứu - Bệnh viện Xanh Pôn cho biết trong quá trình khám cho các bệnh nhi, có rất nhiều bậc phụ huynh đưa con tới để hút mũi hay lấy ráy tai. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào bác sĩ cũng đồng ý làm thủ thuật bởi theo BS Chương cần phải cân nhắc giữa "lợi" và "hại" của việc hút mũi và lấy ráy tai.

Có nên hút mũi cho trẻ?

Theo BS Lương Văn Chương, mũi là nơi đầu tiên để không khí vào phổi nên mũi có chức năng cực kì quan trọng là làm ấm, làm ẩm, làm sạch không khí.

Để làm ấm nên mũi có rất nhiều mạch máu vì thế khi trời lạnh mũi làm việc nhiều nên thường đỏ lên, cũng vì nhiều mạch máu nên trẻ hay bị chảy máu cam.

Để làm ẩm, mũi sẽ tiết rất nhiều dịch nhày có tác dụng như cái bẫy bắt hết bụi và vi khuẩn. Mặt khác trong dịch nhày còn có kháng thể có thể diệt vi khuẩn gây bệnh. Dịch nhầy còn là nơi để vi khuẩn có lợi sinh sống để tiêu diệt vi khuẩn có hại. Ở người lớn, khi dịch nhầy bớt đi sẽ mọc thêm lông mũi, mục đích cũng để cản bụi.

Vì một loạt lợi ích của dịch nhầy của mũi như vậy nên chúng ta không nhất thiết phải hút sạch nó. Chỉ hút mũi khi mũi quá đặc gây tắc, mũi có mùi hôi...

BS Chương cũng khuyến cáo cha mẹ không nên lạm dụng hút mũi cho con vì cách này có thể tạo áp lực gây tổn thương niêm mạc mũi. Ngoài ra tuyệt đối không dùng miệng của người lớn trực tiếp hút mũi dãi cho trẻ vì cách này rất mất vệ sinh và còn tiềm ẩn nguy cơ lây chéo bệnh từ trẻ sang cha mẹ. 

Đặc biệt một số phụ huynh tụ sắm dụng cụ hút mũi tại nhà tuy nhiên phần ống hút, bầu đựng dịch mũi rất khó làm sạch nếu chỉ rửa bằng nước lã hay nước rửa xà phòng thông thường. Khi ấy nó có thể trở thành ổ cho vi khuẩn cư trú, gây thêm bệnh cho trẻ.

Có nên lấy ráy tai cho trẻ?

Có nên hút mũi lấy ráy tai cho trẻ không 2
 Chỉ lấy ráy tai cho trẻ khi cần khám màng nhĩ xem trẻ có mắc viêm tai giữa hay một số gây bệnh giảm thính lực hay không

BS Chương cho biết, đa số mọi người đều nghĩ ráy tai là phần bỏ đi của cơ thể nhưng thực tế nó lại có rất nhiều lợi ích, lợi ích đầu tiên mà vô cùng quan trong đo là ráy tai có tác dụng như bộ phận giảm xóc để không khí không đập thẳng vào màng nhĩ gây nhức đầu, chóng mặt, ù tai...

Theo BS Chương, ráy tai có 2 loại là ráy tai ướt và ráy tai khô.

- Ráy tai ướt là do tuyến ráy tai tiết ra chất màu đen.

- Ráy tai khô thì chỉ có các tế bào da nên trắng và sạch.

Theo BS Chương, mỗi loại ráy tai đều có "lợi" và "hại" riêng". Với ráy tai ướt tức là trong tai có một loại dịch có tính sát khuẩn cao có thể tiêu diệt vi khuẩn, vi rút, nấm mốc. Vì thế những người có ráy tai ướt ít bị nấm tai, nấm hơn những người có ráy tai khô.

Nếu không may kiến hay côn trùng bò vào tai thì chất dịch đen ở người ráy tai ướt sẽ tiêu diệt nhanh chóng tiêu diệt những "vị khách không mời" này.

Tuy nhiên theo nhiều nghiên cứu thì người bị ráy tai ướt sẽ liên quan khoảng 95% đến bệnh hôi nách vì cùng có hệ tuyến mồ hôi vì thế không thể nói người có ráy tai ướt may mắn hơn người có ráy tai khô.

Về câu hỏi có nên lấy ráy tai cho trẻ hay không, theo BS chương, cấu tạo ống tai ngoài có hệ thống lông tai có khả năng tự làm sạch nên có thể tự đẩy ráy ra ngoài. Chỉ lấy ráy tai cho trẻ khi cần khám màng nhĩ xem trẻ có mắc viêm tai giữa hay một số gây bệnh giảm thính lực hay không?

Về những băn khoăn của các bậc phụ huynh, BS Chương nhấn mạnh ngay cả những thứ gây khó chịu như ráy tai, dịch mũi đều có tác dụng bảo vệ cơ thể của chúng ta. Chỉ nên loại bỏ chúng khi nó thực sự gây bệnh và việc hút mũi hay lấy ráy tai cũng thực sự cần có chỉ định của bác sĩ chứ không phải cha mẹ "muốn là làm".


Xem thêm Clip: Top 10 loại củ quả "vàng" cho thực đơn ăn dặm của bé mà mẹ không thể bỏ quả được

Minh Trang
Theo Đời sống Plus/GĐVN