Chủ nhật, 19/01/2025 | 13:11
RSS

Bác sĩ 'mướt mồ hôi' cắt qua 15cm mỡ của mẹ bầu nặng 135kg để cứu thai nhi

Thứ năm, 26/04/2018, 07:42 (GMT+7)

Khi mang thai, cân nặng của Đông Mai càng tăng nhanh hơn khiến cô thậm chí không thể di chuyển.

Khi mang thai, nhiều bà mẹ thường tự cho mình quyền "ăn thả ga" với tâm lý phải tăng cân nhiều thì con mới phát triển tốt được. Tuy nhiên, câu chuyện sinh con đầy căng thẳng của bà mẹ dưới đây sẽ khiến nhiều chị em giật mình. 

Phương Đông Mai (27 tuổi, sống tại Hồ Nam, Trung Quốc) có chiều cao 1,45. Trước khi mang thai, cô nặng 90kg nhưng từ ngày có "tin vui", cân nặng của cô nhanh chóng tăng lên đến mức 135kg. 


Vì cân nặng "khủng" của mình, Đông Mai thậm chí không thể di chuyển khi mang thai.

Trong suốt thai kỳ, vì thân hình thừa cân nên cô thường xuyên bị khó thở và thậm chí không thể đi bộ. Đến 32 tuần, vì cô không thể chịu đựng thêm nữa, gia đình buộc phải đưa đến bệnh viện đại học Vũ Hán để xin mổ lấy thai. 

Bác sĩ Hoàng Phụng Hóa, người trực tiếp tham gia ca mổ cho Đông Mai cho biết ông vẫn còn nhớ ngày cô nhập viện, vì không thể đi được nên chồng phải mượn một chiếc xe đẩy để đẩy cô vào phòng khám. 


Chỉ số BMI của cô vượt cả mức béo phì độ 3 trong bảng.

"Chỉ số BMI của cô ấy lên tới 64,2. BMI là chỉ số khối của cơ thể, được dùng để đánh giá mức độ cơ thể là gầy hay béo của một người qua chiều cao và cân nặng. Chỉ số BMI nằm trong mức 18,5-23,9 thì được coi là bình thường, từ 24 trở lên thì là béo phì. 

Tôi đã từng gặp một người cao 152,4cm, nặng 97,7kg. Vậy là có chỉ số BMI là 42, được coi là béo phì cấp độ 3 cực kỳ nguy hiểm. Vậy nhưng chỉ số của Đông Mai còn vượt xa mức này, thậm chí không nằm trong bảng béo phì", bác sĩ Hoàng chia sẻ. 


Đông Mai không thể nằm được để gây tê.

Sau khi khám cho Đông Mai, các bác sĩ phát hiện cô mắc hàng loạt bệnh như nghẽn đường thở, tiền sản giật nặng, cao huyết áp, các cơ quan chức năng suy yếu. Nếu không mổ lấy thai ngay sẽ nguy hiểm đến cả mẹ và con.

Ngày hôm sau, các bác sĩ tiến hành mổ lấy thai cho Đông Mai nhưng ca mổ cũng gặp không ít khó khăn. Vì cô không thể nằm nghiêng nên bác sĩ buộc phải tiến hành gây tê màng cứng cho cô khi ngồi. Tuy nhiên sau đó, mũi gây tê không có hiệu quả nên cô được chuyển sang gây mê toàn thân. 

Vì cân nặng "khủng" của mình, Đông Mai được đặt nằm trên 2 bàn mổ trong khi bác sĩ phải đứng trên ghế để tiến hành phẫu thuật. 


Em bé sinh non nên chỉ nặng 1,9kg và gặp nhiều vấn đề về hô hấp.

Trong quá trình mổ, bác sĩ phải dùng nhiều biện pháp khác nhau mới có thể rạch qua lớp mỡ dày 15cm và sau đó, 4 người cùng nhau kéo để tách khoang bụng và lấy em bé ra. Đó là một bé trai nặng 1,9kg. Vì sinh non nên hệ hô hấp của bé chưa hoàn thiện và phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt. 

Sau nửa tháng nằm điều trị và phục hồi chức năng, hai mẹ con Đông Mai đã được xuất viện. 

Hầu hết những phụ nữ khi mang thai đều có thể gặp nhiều vấn đề do thai nghén nhưng người bị béo phì sẽ gặp phải nhiều nguy cơ hơn. Phụ nữ mang thai thường cảm thấy nặng nề, mệt nhọc do sự phát triển của thai nhi và cả sự phát triển của chính cơ thể mình. Hệ thống cơ xương phải chịu đựng cả trọng lượng thai và trọng lượng dư thừa của cơ thể mẹ.


Vì thân hình thừa mỡ nên vết mổ của Đông Mai cũng lâu lành hơn.

Trong giai đoạn thai kỳ, người mẹ béo phì còn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tiền sản giật, viêm tắc tĩnh mạch, ngưng thở tạm thời lúc đang ngủ,…

Trong giai đoạn chuyển dạ, người mẹ béo phì thường có tỉ lệ sinh mổ nhiều hơn là sinh thường. Trong giai đoạn hậu phẫu, tình trạng liền sẹo cũng chậm hơn và dễ bị ứ dịch lòng tử cung. 


Xem thêm: "Chiêu thức hiểm" lôi kéo nữ sinh của "Hội Thánh Đức Chúa Trời"

Minh An
Theo Khám phá