Thứ năm, 28/03/2024 | 23:50
RSS

Bắc Ninh đưa giải pháp chưa có tiền lệ trong việc chống dịch và duy trì sản xuất tại khu công nghiệp

Thứ năm, 27/05/2021, 11:30 (GMT+7)

Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh nhận định, việc triển khai biện pháp, đặc biệt là bố trí chỗ ăn, ở cho công nhân lao động tại nhà máy là phương pháp hữu hiệu nhất hiện nay nhằm bảo đảm an toàn cho người lao động, doanh nghiệp.

Theo thống kê, Bắc Ninh hiện có 10 khu công nghiệp (KCN) đang hoạt động, mật độ công nhân lao động cao gấp 5 lần cả nước. Do vậy, nếu không kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh ở KCN dễ dẫn đến đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng…

Ngay sau khi có các ca nhiễm COVID-19 liên quan đến KCN, lực lượng chức năng tỉnh Bắc Ninh đã khẩn trương triển khai các biện pháp truy vết, khoanh vùng. Những người liên quan đến các ca nhiễm tại KCN Yên Phong; KCN Thuận Thành; KCN Quế Võ nhanh chóng được truy vết và cách ly theo quy định.

Tính đến thời điểm ngày 26/5, toàn tỉnh Bắc Ninh ghi nhận 595 ca mắc COVID-19, sáng 27/5, địa phương này không có ca mắc mới.


Xét nghiệm cho công nhân Công ty Samsung Bắc Ninh.

Tại cuộc họp trực tuyến với Bộ Công thương chiều 26/5, bà Nguyễn Hương Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh, việc quan trọng lúc này của Bắc Ninh là khoanh vùng, không để dịch lan ra các khu công nghiệp.

"Bắc Ninh đứng thứ nhất về quy mô sản xuất công nghiệp trên địa bàn cả nước, nếu xảy ra đứt gãy chuỗi sản xuất thì thiệt hại sẽ vô cùng lớn. Nếu chỉ tập trung phòng, chống dịch thì rất dễ, vấn đề đặt ra là làm thế nào để bảo đảm mục tiêu kép", bà Nguyễn Hương Giang chia sẻ.

Do đó, đại diện lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh kiến nghị Bộ Công Thương ban hành khung hướng dẫn xây dựng kịch bản ứng phó (giãn cách dây chuyền sản xuất, tổ chức sản xuất….) dịch bệnh phù hợp với diễn biến từng giai đoạn, làm cơ sở để các địa phương triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, Bắc Ninh là tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp rất lớn, vấn đề đặt ra là việc phòng dịch ở Bắc Ninh trong thời điểm này có những yêu cầu khác so với tỉnh Bắc Giang. Ở Bắc Ninh, dịch bùng phát ngoài cộng đồng, lan vào các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhưng ở phạm vi chưa lớn, mới chỉ ở cục bộ, một vài điểm.

Khẳng định bên cạnh tập trung phòng, chống dịch vẫn phải duy trì sản xuất kinh doanh nhất là các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, trước tiên phải chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở sản xuất kinh doanh trong khu công nghiệp thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch, nghiêm túc thực hiện "5K". Chủ động đánh giá mức độ an toàn của dịch COVID-19, cập Nhật Bản đồ an toàn, sống chung với dịch bệnh để có phương án sản xuất phù hợp.


Các công ty ở Bắc Ninh thành lập nhiều tổ an toàn COVID-19 để kiểm soát ra vào đối với toàn bộ công nhân viên và khách đến liên hệ, làm việc.

Từ các ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ ngành, tỉnh Bắc Ninh đã lên phương án thực hiện "mục tiêu kép" vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Giải pháp đưa ra là các doanh nghiệp phải bố trí chỗ ở tạm cho người lao động trong khu vực nhà máy để duy trì sản xuất liên tục, không bị gián đoạn. Chỉ những người có kết quả xét nghiệm RT - PCR âm tính trong vòng 72 tiếng mới được đến làm việc tại nhà máy. Khuyến khích các công nhân ở lại tối thiểu 15 ngày 1 đợt. Số công nhân khi quay trở về nhà trọ quản lý tương tự như F2.

Theo ông Vương Quốc Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh, tình hình dịch bệnh đang diễn biến rất khó lường; việc bố trí cho công nhân, người lao động ăn, ở tại nhà máy chính là bảo vệ sự an toàn cho doanh nghiệp, bảo đảm chuỗi sản xuất, bảo vệ an toàn sức khỏe và cuộc sống của người lao động.

Đây là giải pháp chưa có tiền lệ, song là biện pháp an toàn nhất trong tình hình hiện nay, tỉnh sẽ triển khai đối với tất cả các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong quá trình thực hiện sẽ gặp không ít khó khăn, đòi hỏi phải có sự đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm vượt qua.

Quán triệt quan điểm, trách nhiệm chống dịch đầu tiên thuộc về lãnh đạo doanh nghiệp, ông Tuấn yêu cầu chậm nhất đến ngày 29/5, các doanh nghiệp trong toàn tỉnh phải hoàn chỉnh kế hoạch triển khai việc bố trí cho công nhân, người lao động ăn, ở tại nhà máy, gửi về cơ quan chức năng, chính quyền sở tại.

Từ ngày 1/6, các doanh nghiệp sẽ hoạt động theo mô hình này, vừa hoạt động sản xuất, vừa đặt chỗ lưu trú của người lao động tại nơi sản xuất. Tỉnh sẽ tăng cường lực lượng để hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như giám sát việc thực hiện, nếu doanh nghiệp nào không bảo đảm yêu cầu sẽ phải tạm dừng hoạt động.

Cao Tuân
Theo Giadinh.net