Thứ hai, 25/11/2024 | 05:05
RSS

Bà nội đầu độc cháu trai bại não ở Thái Bình đối diện mức án nào?

Thứ tư, 05/08/2020, 11:25 (GMT+7)

Bệnh viện đa khoa huyện Vũ Thư (Thái Bình) đình chỉ công tác đối với bác sĩ Chử Thị Mỹ Lệ (SN 1969, trú tại thôn Tú Linh), người vừa bị Công an TP Thái Bình bắt giữ để điều tra do có dấu hiệu phạm tội giết người.

Liên quan đến vụ việc bác sĩ khoa Sản bị bắt giữ vì nghi đầu độc cháu ruột bằng thuốc chuột, Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư (Thái Bình) đã ra quyết định đình chỉ công tác, đình chỉ sinh hoạt đảng của Chử Thị Mỹ Lệ (sinh năm 1969, Phó khoa sản Bệnh viện Đa khoa huyện, báo Lao Động cho hay.

Cụ thể, ngày 3/8, Bệnh viện đa khoa huyện Vũ Thư nhận được thông báo của cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Thái Bình về việc bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp vì đã có hành vi “Giết người” phạm vào điều 123 Bộ luật Hình sự, hiện đang bị tạm giữ tại Trạm tạm giam Công an Thái Bình.

Người bị bắt trong trường hợp khẩn cấp là Chử Thị Mỹ Lệ công tác tại khoa Sản, bác sỹ chuyên khoa Sản, đảng viên, sinh hoạt tại Chi bộ Khám chữa bệnh, Đảng bộ Bệnh viện Đa khoa huyện Vũ Thư. Bà Lệ trú tại thôn Tú Linh, xã Tân Bình, TP.Thái Bình.

Bệnh viện khẳng định, hành vi “Giết người” không xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Vũ Thư, nơi Chử Thị Mỹ Lệ công tác. Sau khi nhận được thông báo, Bệnh viện đã gửi công văn báo cáo đến các cơ quan cấp trên, đồng thời chỉ đạo trưởng khoa Sản bố trí bác sỹ thay thế nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo an toàn cho sản phụ đến cấp cứu, khám chữa bệnh tại Bệnh viện. Bệnh viện đình chỉ công tác, định chỉ sinh hoạt đảng của Chử Thị Mỹ Lệ.

Theo thông tin ban đầu, ông Bùi Xuân Hiếu - chủ tịch UBND xã Tân Bình, TP Thái Bình, xác nhận với Tuổi Trẻ tại địa phương này vừa xảy ra sự việc đau lòng khi một cháu bé bị bại não bẩm sinh uống phải sữa có thuốc độc, hiện được cấp cứu tại Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng nguy kịch.

Bà nội bác sĩ đầu độc cháu trai ở Thái Bình đối diện mức án nào?
Phòng khám tư của bà Lệ. Ảnh: LĐO

Ông Hiếu cho biết tối 2/8, chính quyền xã nhận được yêu cầu cử cán bộ chuyên môn để phối hợp với cơ quan chức năng khám xét nhà riêng của bà Lệ (tại thôn Tú Linh, xã Tân Bình). Việc khám xét để nhằm làm rõ vụ việc trước đó vào ngày 1/8, cháu L.T.D.M. (1 tuổi, bị bại não bẩm sinh) phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, được các bác sĩ chẩn đoán do uống phải sữa lẫn chất độc.

Được biết cháu M. thời gian gần đây được bố mẹ đẻ (hiện sinh sống tại Hà Nội) gửi về quê nhà ở xã Tân Bình cho bà Lệ chăm sóc. Đến ngày 1/8, cháu M. được đưa vào Bệnh viện Nhi tỉnh Thái Bình, sau đó được chuyển lên cấp cứu tại Bệnh viện Nhi trung ương.

"Tại đây sau khi sơ cứu và lấy máu xét nghiệm, các bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương chẩn đoán cháu bé bị đầu độc nên đã báo sự việc cho công an tại Hà Nội nắm bắt, xác minh", ông Hiếu cho Tuổi trẻ hay.

Theo vị lãnh đạo xã, cơ quan Công an tại Hà Nội ngay lập tức vào cuộc xác minh. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, cơ quan công an tại Hà Nội phối hợp với Công an TP Thái Bình tạm giữ, đồng thời khám xét nơi ở của bà Lệ.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng văn phòng luật sư Tinh Thông Luật (Đoàn Luật sư TP HCM) cho giao thông biết rằng, dù hậu quả chưa khiến cháu bé tử vong nhưng với tính chất và mức độ nguy hiểm của sự việc, cơ quan công an cần khởi tố vụ án để điều tra và xử lý nghiêm minh, bởi nạn nhân ở đây trẻ em - đối tượng đặc biệt được pháp luật Việt Nam và Công ước quốc tế về quyền trẻ em bảo hộ.

“Mọi hành vi tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật đều bị xử lý nghiêm minh trước pháp luật. Điều 6, Công ước Liên hợp quốc về quyền trẻ em ghi nhận, các quốc gia thành viên thừa nhận rằng mọi trẻ em đều có quyền vốn có là được sống. Các quốc gia thành viên phải bảo đảm đến mức tối đa có thể được sự sống còn và phát triển của trẻ em”, luật sư Bình phân tích.

Luật sư Bình cho hay, cháu bé đã chịu nhiều thiệt thòi khi sinh ra bị bệnh bại não bẩm sinh, đáng lẽ ra cháu phải nhận được sự yêu thương yêu, chăm sóc của bà nội và người thân trong gia đình nhưng người bà này lại làm điều ngược lại. Đây là hành động vô nhân tính, tạo sự phẫn nộ trong công chúng.

Theo luật sư Diệp Năng Bình tội "Giết người" được quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, là hành vi cố ý gây ra cái chết cho người khác một cách trái pháp luật, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 14 tuổi trở lên thực hiện.

Ở vụ việc này nạn nhân là trẻ em (dưới 1 tuổi) nên nghi phạm sẽ phải đối diện với mức phạt tăng nặng tại Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Chi Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN