Anh L. đang được điều trị tích cực tại bệnh viện. Ảnh: Báo Lao động
Tối 12/7, ông Hà Ngọc Chút - Bí thư Đảng uỷ xã Tà Lại (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) xác nhận với phóng viên Báo Lao động, trên địa bàn xã vừa xảy ra vụ ngộ độc sau khi ăn bọ xít bắt ở vườn nhà khiến nhiều người phải nhập viện.
Theo ông Chút, chiều 11/7, anh Hà Văn L. (trú tại bản Lòng Hồ, xã Tà Lại, huyện Mộc Châu) có bắt được khoảng 0,5 kg bọ xít ở trong vườn nhà. Đến khoảng 22h cùng ngày, anh L. cùng 3 người trong gia đình đã chế biến và ăn số bọ xít trên tại nhà anh Bùi Văn Q. gần đó.
Đến sáng nay 12/7, anh L. mệt mỏi, đau cơ toàn thân và nôn 2 lần, nên được gia đình đưa tới Trạm Y tế xã Tà Lại truyền dịch. Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc không giảm nên gia đình đã đưa lên cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên huyện Mộc Châu. Ngoài ra, những thành viên khác cùng ăn bọ xít với anh L. cũng có các triệu chứng tương tự và phải vào viện xét nghiệm, điều trị.
Được biết, hàng ngày anh L. cùng mọi người vẫn bắt bọ xít nhãn, bọ xít lúa để ăn và không có vấn đề gì. Nhưng loại bọ xít khiến 4 người trong gia đình ngộ độc có màu đen, khác so với những loại mà trước đây họ đã ăn.
Loại bọ xít anh L. cùng nhiều người ăn và bị ngộ độc. Ảnh: Báo Lao động
Thông tin với Báo Dân Việt, bác sĩ Nguyễn Văn Sỹ - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên cho biết, khoảng 7h sáng ngày 12/7, bệnh viện có tiếp nhận 4 trường hợp bị ngộ độc bọ xít. Trong đó có 2 trường hợp bị nặng phải nằm viện để điều trị, 2 trường hợp còn lại bị nhẹ nên ở lại bệnh viện để chăm sóc người nhà và tự theo dõi sức khoẻ.
Bác sĩ Vỹ khuyến cáo, để phòng tránh ngộ độc bọ xít và côn trùng, người dân không nên ăn các loại bọ xít không biết rõ nguồn gốc và các loại côn trùng. Bởi, các loại côn trùng có đều có yếu tố dị ứng và có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ con người.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, bọ xít có nhiều loài, trong đó cũng nhiều loài có thể có chất độc. Bên cạnh đó, ngay cả khi con vật không có độc nhưng có nguy cơ rất cao mang các mầm bệnh và lây bệnh cho người (như các ký sinh trùng, vi khuẩn, virus). Thông tin y học về độc tính của các loài sâu, bọ xít hiện nay còn ít. Do đó có rất ít loài sâu, bọ xít được khoa học chứng minh là an toàn để ăn. Người bình thường, bao gồm các bác sỹ cũng không thể nhận dạng để xác định loài bọ xít cụ thể và rất dễ nhầm lẫn. Nếu bạn ăn các loài sâu, bọ xít và bị ngộ độc thì các bác sỹ gặp rất nhiều khó khăn trong chẩn đoán và cứu chữa, đồng nghĩa với số mệnh của bạn gặp nhiều rủi ro. TS.BS Nguyễn Trung Nguyên cũng khuyến cáo, để phòng tránh ngộ độc và mắc bệnh, bên cạnh một vài dạng côn trùng đã được biết rõ ràng có thể dùng làm thực phẩm (ví dụ nhộng tằm), người dân không nên sử dụng các sinh vật lạ hoặc không chắc chắn làm thực phẩm dù chế biến bằng bất kỳ cách nào. |