Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:01
RSS

Cháu bé 5 tháng tuổi nguy kịch do ngộ độc thuốc nhỏ mũi

Thứ bảy, 12/02/2022, 10:59 (GMT+7)

Cháu bé 5 tháng tuổi được đưa đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh trong tình trạng nguy kịch. Sau khi khám và hỏi thông tin từ người nhà, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi Naphazolin.

Sự kiện:
Quảng Ninh

Cháu bé 5 tháng tuổi nguy kịch do ngộ độc thuốc nhỏ mũi

Bệnh nhi hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh do ngộ độc thuốc nhỏ mũi. Ảnh: BVSNQN

Theo thông tin trên VNExpress, mới đây Phòng khám - cấp cứu lưu Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã tiếp nhận một bệnh nhi 5 tháng tuổi chuyển đến từ Trung tâm y tế huyện Ba Chẽ (Quảng Ninh) có các dấu hiệu nguy kịch như bỏ bú, lơ mơ, da tái và lạnh, vã mồ hôi, nhịp tim chậm 50 lần/phút.

Người nhà bệnh nhân cho biết, đã mua thuốc nhỏ mũi Naphazolin, giá vài nghìn đồng một lọ, chữa ngạt mũi cho bé. Sau nhỏ, bé ngủ gà, lơ mơ, da tái, lạnh, vã mồ hôi, nhịp tim chậm. Qua thăm khám và hỏi thông tin từ người nhà, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi Naphazolin/Viêm phổi nên đã chuyển tới khoa hồi sức tích cực điều trị và chăm sóc. Tại đây, trẻ được hỗ trợ hô hấp, truyền dịch và dùng các thuốc điều trị theo phác đồ. Bệnh nhi hiện đã qua cơn nguy kịch, các chỉ số sinh tồn ổn định.

Cháu bé 5 tháng tuổi nguy kịch do ngộ độc thuốc nhỏ mũi

Mẫu thuốc nhỏ mũi Naphaxolin đã gây ngộ độc cho trẻ. Ảnh: BVSNQN

Trao đổi với VTV, BSCKII. Dương Văn Linh - Trưởng Khoa Khám bệnh - Cấp cứu lưu cho biết, ngộ độc thuốc nhỏ mũi Naphazolin là loại ngộ độc thường gặp ở trẻ em, hay gặp nhất là nhóm trẻ dưới 3 tuổi. Đây là thuốc nhóm giao cảm, hấp thu qua niêm mạc mũi đặc biệt ở trẻ nhỏ gây các triệu chứng ngộ độc toàn thân có thể dẫn đến ngừng thở, ngừng tim. Ngoài ra, một số loại thuốc nhỏ mũi khác có thể dẫn đến ngộ độc ở trẻ em như: Fenoxazolin, Oxymetazolin và Tetrahydrozin.

Bác sĩ Linh khuyến cáo, cha mẹ tuyệt đối không dùng thuốc nhỏ mũi Naphazolin cho trẻ dưới 6 tuổi. Những trẻ lớn hơn 6 tuổi phải có chỉ định dùng theo hướng dẫn của bác sĩ, để thuốc tránh xa tầm tay trẻ. Bên cạnh đó, không nên dùng thuốc liên tục và nhiều lần một ngày để tránh xung huyết trở nặng. Khi dùng Naphazolin trong vòng ba ngày mà tình trạng bệnh không cải thiện, cần ngừng sử dụng và sớm đưa trẻ đi khám.

Naphazolin có tác dụng làm co mạch ở niêm mạc mũi nhanh, kéo dài nên giảm xung huyết, phù nề khi nhỏ hoặc xịt. Tuy nhiên, sử dụng thuốc không đúng chỉ định, dùng quá liều hoặc uống nhầm thuốc có thể gây ức chế hệ thần kinh trung ương hoặc ngộ độc, thường xuất hiện sau dùng thuốc từ 30 phút đến một giờ.

Các dấu hiệu ngộ độc điển hình như chóng mặt, đau đầu (ở trẻ lớn), buồn ngủ, lừ đừ, buồn nôn, nôn, da tái xanh, thở không đều, khó thở, hạ thân nhiệt, vã mồ hôi, nhịp tim nhanh; thậm chí hôn mê và những tai biến nghiêm trọng khác nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

 

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại