Thứ bảy, 20/04/2024 | 01:59
RSS

Người đàn ông 46 tuổi tử vong, nghi ngộ độc do ăn cá lóc

Thứ năm, 09/06/2022, 10:53 (GMT+7)

Ông Tuấn lấy số cá lóc còn từ hôm trước mang ra nướng lại để ăn, sau khi ăn xong có biểu hiện nôn ói nhiều lần, sau đó đại tiện ra máu. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong.

Sự kiện:
Bình Phước

Người đàn ông 46 tuổi tử vong, nghi ngộ độc do ăn cá lóc

Cá lóc

Theo báo Thanh niên, sáng 9/6, Công an tỉnh Bình Phước phối hợp với Công an H.Bù Đăng khám nghiệm hiện trường, tử thi, điều tra làm rõ nguyên nhân một người đàn ông tử vong, nghi ngộ độc sau khi ăn cá lóc để lâu không bảo quản.

Cụ thể, trường hợp tử vong là ông Nguyễn Thanh Tuấn (46 tuổi, ngụ xã Bình Minh, H.Bù Đăng). Trước đó, ngày 6/6, ông Tuấn mua cá lóc về, tổ chức ăn nhậu với bạn. Sau cuộc nhậu, số cá lóc ăn không hết, ông Tuấn cất lại trong tủ thường (không bảo quản).

Đến chiều 7/6, ông Tuấn tiếp tục lấy số cá lóc còn lại hôm trước mang ra nướng lại để ăn. Sau khi ăn xong, ông này có biểu hiện nôn ói nhiều lần, sau đó đi cầu ra máu.

Thấy ông Tuấn bị ngộ độc nặng, đêm 7/6, người nhà đã đưa ông Tuấn đưa đi cấp cứu tại bệnh viện. Tuy nhiên, đến trưa 8/6 thì ông này đã tử vong do bệnh tình quá nặng. Vụ việc đang được Cơ quan Công an tiếp tục điều tra, làm rõ.

Theo báo sức khỏe & Đời sống, cá lóc (còn có tên là cá tràu, cá chuối, cá quả, cá hoa, cá sộp…), là giống cá nước ngọt, sinh sống tự nhiên ngoài sông suối, đồng ruộng, ao hồ, kênh rạch.

Mặc dù cá lóc chứa chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe nhưng nó lại chứa một độc tố cá thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Độc tố này không có trong thịt cá mà trong quá trình đánh bắt, chế biến hoặc cá bị ươn, dập nát, độc tố sẽ ngấm vào thịt cá gây nguy hiểm khi dùng. Độc tố này có chứa Tetrodotoxin, tập trung nhiều ở gan, thận, tụy, cơ quan sinh sản, mắt, mang, da và máu. Độc tính này tăng mạnh vào mùa sinh sản của cá từ tháng 2 - 7 trong năm.

Khi nhiễm phải độc cá lóc sẽ xuất hiện các triệu chứng như sau: ngứa ở miệng; môi và lưỡi tê; mệt mỏi; chóng mặt, choáng váng, đau thắt ngực, vã mồ hôi, tiết nước bọt, sùi bọt mép, đau bụng, buồn nôn, yếu chi, đồng tử co và run giật. Độc tố này có tính bền vững cao. Nếu đun sôi ở 200 độ C trong 10 phút, độc tố mới phá hủy hoàn toàn. Do đó, người tiêu dùng cần thận trọng khi chế biến cá món ăn từ cá lóc.

N.H (T/h)
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại