Việc tìm ra một cao thủ "vô địch thiên hạ" trong thế giới võ hiệp của cố nhà văn thực sự quá khó khăn, nhưng vẫn có một nhân vật được nhiều ý kiến cho rằng xứng đáng nhất với danh hiệu này.
Kim Dung đã tạo ra 15 bộ kiệt tác tiểu thuyết võ thuật, và là tiểu thuyết gia người Trung Quốc hiếm hoi nổi tiếng toàn cầu. Trong đó có 11 tiểu thuyết đã được làm phim như Thần điêu hiệp lữ, Lộc Đỉnh ký, Ỷ thiên đồ long ký, Thiên long bát bộ , Tiếu ngạo giang hồ…
Để tìm ra đệ nhất cao thủ trong kho võ hiệp Kim Dung từng là chủ đề gây tranh cãi nhiều nhất, ầm ĩ nhất đối với fan kiếm hiệp.
Bởi mỗi bộ truyện của ông lại có một nhân vật khác nhau, sống ở một thời kì khác nhau nên mọi sự so sánh đều hết sức khó khăn do... không đủ cơ sở và sự hợp lý.
Hẳn nhiều người sẽ nhắc: thiên hạ mấy ai bì được với Trương Tam Phong của núi Võ Đang. Nhưng khi truyền bộ Thái cực quyền cho Trương Vô Kỵ, một Trương chân nhân đã trăm tuổi trong khi Trương Vô Kỵ hãy còn là một thanh niên tuấn tú, lại có thêm Càn Khôn đại nã di, Cửu dương thần công hộ thân.
Vậy Trương lão đạo và Trương giáo chủ ai cao hơn ai?
Võ công ai đệ nhất thiên hạ là một câu hỏi lớn xuyên suốt các tác phẩm của Kim Dung.
Trong Ỷ thiên Đồ Long Ký, Trương Vô Kỵ tưởng chừng thân thủ đầy tuyệt kỹ, hết hạ các cao thủ của lục đại môn phái đến Huyền Minh nhị lão hai tuyệt thế dị nhân... vậy mà, có lúc lại chơi vơi với chưởng môn Nga Mi là Chu Chỉ Nhược khi cô nàng một thời thầm yêu trộm nhớ này đoạt được bí kíp tuyệt thế võ công giấu trong kiếm trong đao.
Trương Tam Phong.
Nhưng Trương Vô Kỵ và Chu Chỉ Nhược hóa ra chỉ là những đứa trẻ nít đầy nghịch ngợm trong mắt của Hoàng Sam Nữ Tử, cô con gái của Dương Quá và Tiểu Long Nữ (như giang hồ đồn?).
Dương Quá, trong Thần điêu hiệp lữ có tuyệt chiêu Ám nhiên tiêu hồn chưởng oai trấn giang hồ, đả bại Kim luân Pháp vương. Chỉ còn một tay, số phận đẩy đưa khiến chàng trai này học được võ công bí kíp của tiền bối Độc cô cầu bại qua "thần điêu".
Ở Thần điêu hiệp lữ, ta còn thấy Quách Tương, cô con gái nghịch ngợm của bộ đôi Quách Tĩnh - Hoàng Dung, hai đại cao thủ trong Xạ điêu anh hùng truyện, sau mối tình không thành với Dương đại ca đã bỏ lên núi lập phái Nga Mi, để lại Côn Luân Tam Thánh Hà Túc đạo một mối tình đơn phương, thiên thu vạn đại, kéo dài đến Ỷ thiên đồ long ký.
Vậy phải chăng Độc cô cầu bại mới là đệ nhất cao thủ trong các tác phẩm của Kim Dung?
Có lẽ thế, vì pho Độc cô cửu kiếm còn làm mưa làm gió trong Tiếu ngạo giang hồ mà thiếu niên Lệnh Hồ Xung của Hoa Sơn được tiền bối Phong Thanh Dương truyền dạy.
Những tưởng Quỳ hoa Bảo điển mà Đông phương Bất bại luyện thành, hay Tịch tà kiếm phổ mới là đệ nhất, hóa ra vẫn chịu khuất phục trước 9 chiêu kiếm biến hóa này.
Tuy nhiên, kiếm khách Độc Cô Cầu Bại thực chất không hề xuất hiện cụ thể trong truyện, cũng chưa hề được mô tả có võ nghệ ra sao. Tất cả những gì người ta biết về ông chỉ là giai thoại "cả đời không có đối thủ" và bộ kiếm thuật Độc Cô Cửu Kiếm.
Độc Cô Cầu Bại trong phim Tân Anh hùng xạ điêu.
Hay như Trung thần thông Vương Trùng Dương cũng vậy. Đứng đầu Võ Lâm Ngũ Bá, nhưng nhân vật này chỉ được nhắc tới thông qua lời kể của nhân vật khác.
Trình độ võ công của ông cũng chỉ được so sánh một cách tương đối với những Đông Tà, Tây Độc hay Bắc Cái.
Ngũ đại cao thủ của Anh hùng xạ điêu.
Với cách xây dựng nhân vật như vậy, chuyện tìm ra một cao thủ "vô địch thiên hạ" thực sự trong truyện Kim Dung quá khó khăn. Nhưng vẫn có một nhân vật được nhiều ý kiến cho rằng xứng đáng nhất với danh hiệu này, một nhân vật... không hề có tên hay ngoại hiệu!
Vô danh thần tăng là cách gọi của nhiều fan kiếm hiệp về nhân vật đặc biệt trên. Xuất hiện trong Thiên long bát bộ ngắn ngủi một vài đoạn, nhưng ấn tượng mà "đệ nhất cao thủ" này để lại mãnh liệt tới mức không mấy người mê truyện không nhớ tới.
Vô danh thần tăng trong Thiên long bát bộ.
Mô tả của Kim Dung về Vô danh thần tăng khá đặc biệt: Là một vị sư quét chùa, mặc tăng bào màu xám, địa vị thuộc hàng thấp kém nhất trong Thiếu Lâm Tự.
Nhưng ẩn giấu dưới lớp vỏ bọc bình thường ấy lại là một đại cao thủ đích thực, thậm chí vượt qua phạm trù võ công trong truyện.
Vị lão tăng vô danh đó đã làm được một việc không tưởng: Đánh chết cùng lúc 2 danh gia võ học Mộ Dung Bác và Tiêu Viễn Sơn, chỉ bằng một chiêu thức nhẹ nhàng.
Cô Tô Mộ Dung là một trong những thế gia võ học bá đạo nhất bấy giờ, còn Mộ Dung Bác lại là gia chủ của Mộ Dung gia.
Tuyệt kĩ của dòng họ này là Đẩu chuyển tin h di, lấy võ công đối phương đánh trả lại chính họ. Người ta đánh người họ Mộ Dung một đòn thì sẽ bị chết dưới chính chiêu thức của mình. Đó là sự đáng sợ của gia tộc Mộ Dung, một hoàng tộc mất nước đầy tham vọng.
Nhưng chỉ với một cái vung tay đơn giản, vị thần tăng đã đánh trúng Thiên Linh Cái của Mộ Dung Bác, dù vị cao thủ này đã kịp thủ thế đủ để "chống lại mọi chiêu thức tấn công trong thiên hạ".
Danh gia võ học thứ 2 là Tiêu Viễn Sơn, cha của Kiều Phong, bang chủ Cái Bang lừng lẫy. Là đại dũng sĩ Khiết Đan có võ nghệ siêu quần, thời trẻ ông từng một mình chiến đấu với đông đảo cao thủ Trung Nguyên mà không hề yếu thế.
Thời điểm đối mặt cùng lão tăng vô danh, Tiêu Viễn Sơn thậm chí còn có 30 năm nấp trên Thiếu Lâm Tự học bằng hết võ công của ngôi chùa bí ẩn này.
Nhưng xét về bản lĩnh, ông cũng chỉ ngang sức với Mộ Dung Bác - kẻ thù và địch thủ suốt cuộc đời của mình vừa bị Vô danh thần tăng đánh chết kia!
Tiêu Viễn Sơn không chống cự, nhưng để giết chết ông, lão tăng còn phải đối mặt với một đối thủ khủng khiếp hơn: Kiều Phong - con trai Tiêu Viễn Sơn.
Người được mô tả là sử dụng Hàng long thập bát chưởng uy lực nhất trong các đời bang chủ Cái Bang ấy đã dồn sức tung chưởng cứu cha, nhưng cú đánh toàn lực đó chỉ được vị lão tăng khen một câu: Danh bất hư truyền.
Việc mô tả xuất thân dung dị của lão tăng này cũng cho thấy quan điểm xuyên suốt của Kim Dung trong tất cả các bộ truyện của ông. Đó là những nhân vật rất đỗi bình thường đôi khi tiềm ẩn võ công đệ nhất, người tài đôi khi là những người âm thầm, lặng lẽ, ẩn mình trong số đông.
Nhưng đó không phải là lý do chính khiến người ta công nhận ông là "đệ nhất cao thủ" trong truyện Kim Dung.
Sức mạnh của vị thần tăng này còn nằm ở những hành động ngay sau đó: Cứu sống hai kẻ từng bị mình đánh chết và hoá giải cả ân oán trong lòng họ.
Giết người không khó, nhưng giết được những đau khổ, oán thù trong lòng họ mới là điều không tưởng. Vị lão tăng này đã làm được điều đó không chỉ bằng võ công, mà còn bằng trí tuệ và sự bác ái của mình.
Việc lần lượt đánh chết những kẻ mang mối hận truyền kiếp với nhau rồi lại cứu sống họ, để họ nhận ra sự vô nghĩa của việc báo thù mới xứng đáng làm nên một đệ nhất cao thủ trong truyện Kim Dung.
Võ công không chỉ để giết người hay chiến thắng kẻ khác. Vị cao thủ thật sự phải là người dùng võ công của mình làm được những điều phi thường nhất.