Bên ngoài khu nhà ở và biệt thự liền kề thuộc dự án Khu đô thị mới Cầu Diễn. Ảnh: Việt Bình
Rêu mốc phủ kín, trống trải tứ bề
Khu nhà ở và biệt thự liền kề thuộc dự án Khu đô thị mới Cầu Diễn nằm sâu trong con đường nhỏ thuộc phường Phú Diễn (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Tại đây là những căn biệt thự đơn lập, nhà vườn kết hợp cùng các dãy nhà liền kề bao quanh. Nhiều năm nay sau khi xây thô, dự án đã tạm dừng hoạt động và chưa có dấu hiệu hoàn thiện.
Theo quan sát, bên ngoài các căn hộ đã phủ rêu mốc cùng những hình vẽ bằng sơn xịt tạo nên sự ảm đạm, của một khu phố bỏ hoang. Chưa kể, do lượng dân cư ở đây còn thưa thớt, khu vui chơi giải trí hay dịch vụ chưa được đầu tư, hệ thống đèn cao áp chưa được lắp đặt đồng bộ khiến ban ngày vốn đã vắng vẻ, đêm về càng hoang lạnh. Đặc biệt là những đợt mưa lớn, những vũng nước đọng đen ngòm pha lẫn rác thải bao vây những căn biệt thự bỏ không.
Bà Hà, một người dân địa phương cho biết: Khu nhà ở và biệt thự liền kề thuộc dự án Khu đô thị mới Cầu Diễn tỉ lệ hoàn thành lên đến 80%. Tuy nhiên có hàng chục căn hộ vẫn đang ở dạng xây thô đợi chủ nhà hoàn thiện, điều này làm cảnh quan khu vực đi xuống, dân cư phân bố không đều. Có những lô đã hoàn thiện và kín người ở nhưng có những lô lại bỏ trống đến 5 – 6 căn chưa hoàn thành
Do vậy những căn biệt thự này đã được các chủ thầu công trình thuê lại với giá từ 6 – 8 triệu đồng/tháng để làm nơi ăn ở, sinh sống cho các nhóm nhân công ở các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa, Bắc Giang… về Thủ đô làm việc.
"Những ngôi biệt thự này có từ những năm 2004. Các đại gia mua hết từ lâu nhưng chưa có nhu cầu ở nên chỉ xây thô rồi bỏ đó. Đặc biệt là mấy căn gần nhà tôi, chủ đi nước ngoài chưa về, chưa ở nên không xây hoàn thiện. Trước đây khi chưa có những nhóm lao động đến ở, chúng tôi thấy rất lãng phí. May mà khu này an ninh cũng tốt lắm, không có tệ nạn hay sự cố gì xảy ra", bà Hà nói.
Anh Nam (một chủ thầu) cũng chia sẻ: "Công nhân của tôi chỉ về đây ngủ buổi tối thôi, còn ban ngày hầu như họ đi làm hết. Tôi thuê căn hộ này làm chỗ ở chung cho anh em, vừa rẻ mà vừa dễ quản lý người làm". Cũng theo anh Nam, ở Hà Nội còn rất nhiều những khu biệt thự bỏ hoang như ở An Khánh, Văn Khê, Mỹ Đình… Do nhu cầu thực tế nên những căn hộ này đã trở thành nơi lý tưởng để những công nhân, người lao động tá túc.
"Ngày làm công trường, tối ngủ biệt thự"
Bữa cơm đạm bạc của những công nhân “ngày làm công trường – tối ngủ biệt thự”
Theo quan sát của PV, xung quanh khu nhà này ngổn ngang các vật liệu xây dựng, rác thải. Bên trong những căn nhà không có nhiều đồ đạc giá trị, thậm chí đến cửa nhà cũng chỉ là những tấm phên ọp ẹp, xộc xệch. Từ chỗ hoang phế ban đầu, nay những căn hộ đã được cải tạo để có điện nước, nhà vệ sinh… Ngoài ra, chủ cũng cấp chăn, màn, quạt… cho công nhân sinh hoạt tạm.
Gặp chúng tôi, anh Tuấn (một công nhân quê ở Nghệ An) tâm sự: "Đêm qua, tôi vừa đổ bê tông đến sáng, gần trưa mới xong việc về ăn vội bát cơm rồi đi ngủ để lấy sức. Cuộc sống của anh em công nhân có gì đáng nói đâu, mang tiếng ở ăn, ngủ ở khu biệt thự chứ buồn lắm. Được cái mọi người xem nhau như người trong gia đình nên luôn hòa đồng, vui vẻ. Tôi tiêu xài tằn tiện để gửi tiền về cho vợ chăm lũ nhỏ. Đời mình lỡ khổ rồi nên đâu thể cho con cái khổ. Phải cho chúng nó ăn học tới nơi tới chốn chú ạ...".
Qua hỏi chuyện, ở đây còn có 2 phụ nữ chuyên vào việc nấu ăn cho công nhân. Do những căn biệt thự nhiều tầng nhưng chưa có cửa nên cần người trông coi đồ đạc để tránh xảy ra mất cắp. "Mọi sinh hoạt như ăn ngủ, tắm rửa… mọi người đều dùng chung. Phụ nữ được dựng phòng tắm riêng và những cặp vợ chồng cùng lên đây làm được ưu tiên ngăn phòng ở riêng. Mọi người xung quanh đều vui vẻ, không ai ý kiến gì bởi ai cũng vì hoàn cảnh nên mới chấp nhận sống thế này. Ai mà không muốn có một chỗ ở tử tế hơn chứ", anh Tuấn chia sẻ.
Còn anh Hùng (một công nhân đến từ Thanh Hóa) cho biết, nhóm thợ như anh được bố trí ở tầng 2 của căn nhà, có giường tầng và trung bình 2 người được sở hữu một chiếc quạt. Đối với anh, cuộc sống như vậy đã là quá tốt so với thời kỳ anh làm công nhân ở các công trình khác, phải ở trong các căn phòng lợp mái tôn, thậm chí căng tạm bằng bạt.
Một nỗi khổ khác được anh Hùng nhắc đến khi sống trong biệt thự đó là diện tích phơi quần áo thiếu thốn. Công nhân phải phơi quần áo ở bất cứ chỗ nào tìm được. Thế nhưng vì số lượng người đông nên vào những ngày thời tiết nồm ẩm, mưa nhiều, không ít công nhân phải mặc quần áo ẩm đi làm.
Khi công trình ở Hà Nội xây dựng xong, nhóm thợ có thể sẽ được chủ thầu chuyển đi tới những công trường khác, khu ở khác. Phận đời họ lênh đênh nay đây mai đó, chỉ có những căn biệt thự ngày một xuống cấp giữa khu đô thị phồn hoa mà chưa biết bao giờ hoàn thành…
Giải mã biệt thự bỏ hoang Giám đốc một công ty về lĩnh vực bất động sản (đề nghị không nêu tên) phân tích: "Cách đây 5-10 năm, giới đầu tư đầu cơ vào phân khúc biệt thự, nhà liền kề được chia làm 2 nhóm: Một nhóm đầu tư chờ thời cơ bán kiếm lời (chiếm khoảng 30%), nhóm còn lại đầu tư để tích trữ tài sản, dành cho con cái sau này hoặc để ở sau khi về hưu, cho thuê thu lợi nhuận (chiếm khoảng 70%). Sau đó, thị trường bất động sản đi xuống, giá nhà đất giảm sâu nên các nhà đầu tư không muốn bán. Ngoài ra, ở một số dự án do chưa hoàn thành cơ sở hạ tầng như điện - đường - trường - trạm khiến khách hàng không thể về ở dẫn đến bỏ hoang". Được biết, để giải quyết tình trạng các dự án biệt thự - nhà liền kề đang bỏ hoang lâu nay, Sở Xây dựng đang tham mưu UBND TP Hà Nội đứng ra giải quyết theo hướng đầu tư về cơ sở hạ tầng hoặc có chính sách quyết liệt để tránh tình trạng lãng phí đất đai. |