Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:21
RSS

6 thảo dược tốt cần dùng ngay để an nguyên khí, chống đau ốm bệnh tật cả mùa đông - xuân

Thứ hai, 28/12/2020, 14:11 (GMT+7)

Mùa đông giá lạnh cần dùng ngay 6 thảo dược sau để tăng cường khí huyết, tạng phủ, bồi bổ nguyên khí, tăng sức đề kháng, tăng tuổi thọ. Đặc biệt là phòng chống suy nhược, bệnh tật...

Khí thuộc dương, Thai nhi từ khi còn trong bụng mẹ đã được khí huyết của mẹ nuôi dưỡng. Sau khi sinh ra bé được thức ăn, đồ uống nuôi dưỡng. Khi ăn uống vào vị (dạ dày), vị làm chín nhừ thức ăn, các tinh chất đó được vận hóa xuống tiểu tràng (ruột non) thanh trọc (chuyển hóa) thành khí. Khí ấy được chuyển sang tì (tuyến tụy) hóa thành tinh khí. Tinh khí được nạp vào thận gọi là thận tinh - "thận tàng tinh". Tinh ấy được thận hóa thành chính khí và nguyên khí….

Chính khí được đưa lên phế (phổi) kết hợp với khí trời biến thành tông khí, được trở lại chứa trong phế gọi là đại khí.

Đại khí được chia thành 2 loại: Dinh khí và vệ khí.

Dinh khí đi trong huyết quản dẫn huyết đi nuôi cơ thể;

Vệ khí được lưu lại trong các tạng phủ, trong cơ bắp, trong da thịt để bảo vệ cơ thể.

Nguyên khí được lưu lại trong thận để sinh ra huyết, xương, tủy, sinh ra tinh khí (tinh dịch và tinh trùng đối với nam, âm dịch và trứng đối với nữ)… Vì vậy tầm quan trọng của khí hay nguyên khí đối với cơ thể con người hết sức quan trọng.

1
Nguyên khí rất cần để sinh ra huyết, xương, tủy, tinh khí... cho cơ thể. Ảnh minh họa.

Theo lý luận y học cổ truyền, mùa đông tiết trời giá lạnh, khí huyết lưu thông kém, công năng của các tạng phủ suy giảm, đặc biệt là tạng thận và phế. Vì vậy vào mùa đông cần phải chú ý bổ dưỡng thận phế, bồi bổ tinh khí. Nếu không bổi bổ thì ở những người thể chất suy nhược rất dễ phát sinh bệnh tật, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng. Những người có thể chất cường tráng tuy không sinh bệnh ngay, nhưng đến mùa xuân lại dễ phát sinh những căn bệnh tiềm ẩn.

Trong sách "Nhiếp sinh tạp thoại" đã viết: "Người không biết giữ tinh khí vào mùa đông thì sẽ phát bệnh".

Trong y thư kinh điển "Nội kinh" cũng viết: "Người biết giữ tinh khí vào mùa đông thì sang xuân không bị bệnh tật".

Sau đây là 6 thảo dược cũng là 6 vị thuốc tốt, hiệu quả cần dùng ngay trong mùa đông để bồi bổ nguyên khí, phòng bệnh, tăng cường sức đề kháng, tăng tuổi thọ...

2
Vị thuốc nhân sâm. Ảnh minh họa.

1.Nhân sâm

Công dụng: Đại bổ nguyên khí, ích khí cường thân thể, chống lão hóa, bổ tỳ ích phế, chỉ khát, an thần, tăng trí. Chủ trị các chứng khí hư dục thoát, mạch vi dục tuyệt, tỳ khí phế khí hư nhược, tân dịch tổn thương, chứng tiêu khát, khí huyết hư suy, thần chí rối loạn, dương nuy… Liều dùng 3-10g.

nhan sam
Vị thuốc Tây dương sâm. Ảnh minh họa.

2 Tây dương sâm

Công dụng: Bổ khí dưỡng âm, thanh hỏa sinh tân, dành cho người phế hư, khí ngắn, lao lực, ho hen, ho khan lâu ngày, nôn ra máu, mất tiếng, mất giọng, người hoạt động vận động mạnh hao tổn sinh lực, hay ra nhiều mồ hôi... Liều dùng 3-10g/ ngày.

tay duong sam
Vị thuốc Hoàng kỳ. Ảnh minh họa.

3. Hoàng kỳ

Công dụng: Bổ khí thăng dương, ích tinh cố biểu, sinh cơ, lợi thủy tiêu thũng.

Thường dùng để trị các chứng Tì khí hư nhược, các chứng khí bất nhiếp huyết, trung khí huyết hạ hãm, tỳ phế khí hư, khí huyết lưỡng suy, khí hư phát nhiệt, cơ thể hư nhiều mồ hôi, ung thư lở loét miệng khó lành, khí hư thủy thũng, huyết tý tê dại chân tay, di chứng trúng phong, chứng tiêu khát…. Liều dùng 20-50g/ ngày.

ky tu
Vị thuốc Đẳng sâm. Ảnh minh họa.

4. Đằng sâm

Công dụng: Bổ trung ích khí, sinh tân dưỡng huyết, dùng cho người yếu mệt, hơi sức ngắn, nhanh mệt, ăn ít, đi ngoài phân nhão... dành cho người sắc mặt vàng hoặc xanh xao, hay đau đầu chóng mặt , miệng háo khát, suy dinh dưỡng, tiêu hóa kém... Liều dùng 20-40g/ ngày.

Đằng sâm
Vị thuốc Thái tử sâm. Ảnh minh họa.

5. Thái tử sâm

Công dụng: Bổ phế kiện tỳ, ích khí sinh tân. Dùng cho người tì khí hư nhược ăn uống ít kém, mệt mỏi, trẻ con gầy yếu, phổi kém, hay ho ốm, hay ra mồ hôi, hay háo khát, liều dùng 10-30g/ ngày.

Thái tử sâm
Vị thuốc Bạch truật. Ảnh minh họa.

6. Bạch truật

Bổ khí kiện tì, táo thấp lợi thủy, chỉ hãn an thai. Dành cho người tì khí hư nhược, ăn uống tiêu hóa kém, đi ngoài phân nát, mệt mỏi, đuối sức, hay ra mồ hôi, hay phù nề, phụ nữ bị động thai, người bị phù chân dùng tốt. Liều dùng 10-20g/ ngày.

Ths. BS Hoàng Kỳ

(Bệnh viện Y học cổ truyền Hà Nội)

Quân Nguyễn
Theo Gia đình & Xã Hội