Thứ bảy, 18/01/2025 | 17:59
RSS

6 kiểu ứng viên tuyệt đối không nên tuyển dụng

Thứ tư, 28/03/2018, 10:18 (GMT+7)

Phỏng vấn tuyển dụng là công việc không hề dễ dàng vì nguồn ứng viên hiện nay rất đa dạng. Nếu tuyển không đúng người sẽ làm tiêu tốn rất nhiều thời gian, công sức cũng như như ngân sách công ty.

Để quá trình tuyển dụng đạt được hiệu quả cao, các chuyên viên nhân sự cần kỹ lưỡng hơn trong khâu sàng lọc, cần tránh tuyển các ứng viên có các đặc điểm dưới đây.

1. Ứng viên thích đổ lỗi

Những người thích đổ lỗi thường không có tinh thần trách nhiệm, trong công việc họ thường không tự giác, có sai sót cũng sẽ đổ lỗi cho người khác thay vì tìm cách khắc phục. Tuyển dụng những người này sẽ chỉ làm giảm hiệu suất công việc, tiến độ chung cũng như làm ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của mọi người.

Đặc điểm “nhận dạng” của các ứng viên này là khi bạn hỏi về môi trường và công việc trước đây họ thường đưa ra những nhận xét có phần gay gắt, tiêu cực về đồng nghiệp, cấp trên cũng như hay phàn nàn về công ty cũ.

2. Ứng viên không trung thực

Ngoài ra, nhà tuyển dụng cũng nên cho các ứng viên thiếu trung thực vào danh sách “đen”, bởi việc tuyển dụng nhân viên này chính là một “mối nguy hiểm”. Sự dối trá ban đầu có thể bắt đầu từ việc nhỏ nhưng sau này có thể phát triển thành các hành vi nguy hiểm hơn như làm giả chứng từ, sổ sách để “ăn bớt ăn xén”, báo khống chi phí để bỏ túi tư lợi… Do đó, nếu phát hiện các ứng viên có hành vi thiếu thành thật như nói dối về kinh nghiệm, bằng cấp, kỹ năng… bạn nên từ chối tuyển dụng.

3. Ứng viên lười biếng và thiếu thực tế

Các ứng viên lười biếng và thiếu thực tế cũng là đối tượng mà nhà tuyển dụng nên “loại” sớm. Bởi nếu có tuyển dụng thì với tính cách như trên họ cũng sẽ khó có thể “trụ” lâu dài, có thể chỉ 1-2 tuần họ sẽ bỏ ngang, làm tốn thời gian tuyển dụng và ngân sách đào tạo.

Để nhận biết các ứng viên dạng này không khó, hãy đưa ra các câu hỏi tình huống nếu phải làm thêm, tăng ca và xem biểu hiện của họ. Thường thì các ứng viên lười biếng sẽ tỏ thái độ khó chịu, không hài lòng hoặc ậm ừ cho qua…

4. Ứng viên có thái độ thiếu tôn trọng

Cùng các tiêu chí về năng lực nghề nghiệp, các nhà tuyển dụng hiện nay cũng cần chú ý đến phẩm chất, kỹ năng giao tiếp… của các ứng viên. Cụ thể là bạn nên xem xét việc từ chối các ứng viên có biểu hiện thiếu tôn trọng như: đến phỏng vấn trễ giờ mà không có lời giải thích hay xin lỗi, “bất thình lình” đi ra ngoài không thông báo cho ban tuyển dụng, có hành vi cư xử, giao tiếp thiếu tế nhị, thiếu tôn trọng đối với nhà tuyển dụng… Bởi với tính cách này nếu vào làm việc họ cũng sẽ không coi trọng kỷ luật công ty, không tôn trọng sếp và hợp tác với đồng nghiệp, điều này có thể là tiền đề làm nảy sinh mâu thuẫn, gây mất đoàn kết nội bộ phòng ban công ty.

5. Ứng viên quá tự cao

Tự tin là điều các nhà tuyển dụng luôn khuyến khích ở ứng viên, tuy nhiên riêng đối với các ứng viên quá tự cao, luôn tỏ ra mình “biết tuốt” thì nên cân nhắc lại việc có nên tuyển dụng hay không. Bởi với tính cách này họ khó có thể hợp tác tốt với mọi người để làm việc hiệu quả, họ thường có xu hướng bảo thủ, làm việc theo ý mình, dễ gây nên những bất đồng trong nhóm làm việc cũng như gây khó khăn trong việc quản trị nhân sự cho các nhà quản lý.

Biểu hiện của các ứng viên này là khi bạn hỏi về kinh nghiệm làm việc thì sẽ nhận được các câu trả lời như việc này tôi đã làm rồi, hoặc những câu trả lời mang hơi hướng như đã biết tất cả các việc này mặc dù họ chỉ là tân cử nhân.

6. Ứng viên “nhảy việc” liên tục

Bên cạnh đó các ứng viên có tần suất “nhảy việc” liên tục, hầu như không gắn bó với công việc nào được một năm cũng là đối tượng mà các chuyên viên nhân sự nên từ chối tuyển dụng. Bởi họ là những người có xu hướng “đứng núi này trông núi nọ”, thiếu kiên nhẫn trong công việc, tuyển dụng những người như vậy sẽ chỉ làm mất thời gian và công sức đào tạo vì họ sẽ sớm bỏ ngang công việc.

Để công tác tuyển dụng diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng tuyển được các nhân viên giỏi chuyên môn và có phẩm chất tốt bạn cần chú ý đến cách trả lời, ứng xử của ứng viên trong buổi phỏng vấn nhằm đưa ra những quyết định đúng đắn.

Nguyễn Thắm
Theo Đời sống Plus/GĐVN