Theo đó ngày 25/3/2020, Chính phủ Nepal ra lệnh cấm nhập khẩu 5 mặt hàng trong đó có hồ tiêu, lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 6/4/2020 và không áp dụng cho L/C mở trước ngày 29/3/2020.
Theo thông báo từ các nhà nhập khẩu Nepal thì lệnh cấm trên chỉ cấm những lô hàng vận chuyển sau ngày 29/3/2020 còn những lô hàng đã xuất trước ngày 29/3/2020 thì Chính phủ vẫn cho phép nhập khẩu bình thường.
Tuy nhiên, sau khi các lô hàng hồ tiêu của Việt Nam (xuất trước ngày 29/3/2020) đến Nepal, nhà xuất khẩu Việt Nam yêu cầu nhà nhập khẩu thanh toán thì người mua thông báo rằng họ không có giấy phép nhập khẩu từ chính phủ nên ngân hàng Nepal không chấp nhận thanh toán.
Trước tình hình đó, các DN xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam đã liên hệ với Bộ Công Thương, Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ, Hiệp hội Hồ tiêu quốc tế (IPC) và VPA để nhờ hỗ trợ xin kéo các container hàng trên về Việt Nam.
Hiện Bộ Công Thương đã gửi công hàm đề xuất thông quan các lô hàng, hoặc tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hải quan cho các DN tái xuất các lô hàng về Việt Nam.
Mặt khác IPC đã phối hợp với Đại sứ quán, VPA và các DN xuất khẩu có thư yêu cầu Chính phủ Ấn Độ và Nepal hỗ trợ giải quyết cho lô hàng được tái xuất về Việt Nam. Đồng thời IPC cũng hỗ trợ DN xuất khẩu yêu cầu các hãng tàu xem xét cắt giảm chi phí lưu kho,...
Tuy nhiên, trong hơn 2 tháng qua, kể từ ngày Nepal tạm ngừng nhập khẩu hồ tiêu, các nhà nhập khẩu tại Nepal có biểu hiện không hợp tác, không trả chứng từ, không ký đơn để các DN Việt Nam làm thủ tục tái xuất. Điều này khiến cho các DN Việt Nam chưa thể tái xuất các lô hàng theo mong muốn.
Thông tin từ các DN xuất khẩu hồ tiêu cho biết, sau khi container hàng đến cảng, hãng tàu sẽ cho nằm miễn phí từ 7 đến10 ngày, sau đó áp dụng tính phí theo thuế quan. Với thời gian lưu bãi khoảng trên 3 tháng thì số tiền phải trả cho 1 container 40 là khoảng 16.000-17.000 USD.
Để hỗ trợ tối đa cho các DN, Bộ Công Thương phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ (kiêm nhiệm Nepal) phải tiếp tục họp với Hiệp hội và các nhà nhập khẩu hồ tiêu của Nepal để thuyết phục họ phối hợp, đồng ý ký đơn để các DN của Việt Nam tái xuất các lô hàng.
Việc thuyết phục phía Nepal cũng gặp nhiều khó khăn hơn khi Nepal không có cơ quan đại diện tại Việt Nam và ngược lại. Đến đầu tháng 7, một vài nhà nhập khẩu Nepal đồng ý ký đơn xin tái xuất và cung cấp chứng từ tái xuất. Tuy vậy, để có thể đưa tất cả các lô hàng về theo mong muốn của DN, các DN Việt Nam cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời phải chủ động thuyết phục đối tác của mình đồng ý ký đơn xin tái xuất.
Từ vụ việc trên, Bộ Công Thương khuyến cáo các DN khi ký kết hợp đồng, các DN cần thiết phải áp dụng các điều kiện thương mại quốc tế như mở L/C không hủy ngang, đặt cọc trước, tránh sử dụng các phương thức khác có nhiều rủi ro, sẽ rất khó xử lý trong các tình huống phát sinh như vụ việc Nepal tạm ngừng nhập khẩu hồ tiêu vừa qua.