Thứ sáu, 29/03/2024 | 12:20
RSS

Cách nào để Eximbank vượt qua khủng hoảng?

Thứ năm, 16/07/2020, 07:07 (GMT+7)

Từng là một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam nhưng Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - mã chứng khoán EIB) dần đánh mất vị thế, ngày càng tụt hạng với những báo cáo kết quả kinh doanh bi quan.

Quá khứ hoàng kim

Năm 2006, Eximbank - khi đó là một ngân hàng TMCP với quy mô nhỏ, tổng tài sản vào khoảng 18.327 tỷ đồng, lãi thuần 352 tỷ đồng, lãi ròng sau thuế còn lại khoảng 258 tỷ đồng. Eximbank cũng chưa đầu tư vào nhiều lĩnh vực như hiện nay. Nhưng chỉ trong vòng 5 năm (2006- 2010), các chỉ số của Eximbank tăng vọt ấn tượng khiến nhiều chuyên gia lẫn giới đầu tư phải ngạc nhiên. 

Nhìn vào các chỉ số sẽ thấy Eximbank đã nỗ lực vươn lên ra sao. Từ một ngân hàng TMCP cỡ nhỏ, năm 2010 Eximbank trở thành ngân hàng TMCP tầm trung với tổng tài sản lên tới 131.111 tỷ đồng, tăng hơn 7 lần so với 5 năm trước đó. Các chỉ số cho vay khách hàng, tiền gửi của khách hàng cũng đều tăng hơn 6 lần so với năm 2006. Thu nhập lãi thuần năm 2010 đạt 2.883 tỷ đồng, lãi ròng sau thuế đạt 1.815 tỷ đồng, gấp tới 7 lần so với năm 2006. 

Đỉnh điểm phát triển của Eximbank là giai đoạn 2011 - 2012. Đây là quãng thời gian hoàng kim nhất của ngân hàng này kể từ khi đi vào hoạt động chính thức năm 1990. Trong năm 2011, tổng tài sản ngân hàng đạt 183.567 tỷ đồng, tăng 40% so với năm 2010. Đây cũng là năm Eximbank khẳng định được vị thế của mình trong toàn hệ thống, khi tổng số tiền mà ngân hàng gửi và cho vay tại các Tổ chức tín dụng (TCTD) khác là 64.529 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2010. Số tiền này vào năm 2010 cũng đã tăng vượt bậc so với 2009. Các TCTD khác cũng đã đẩy mạnh gửi tiền vào Eximbank lên tới 71.859 tỷ đồng, tăng hơn 2 lần so với năm trước đó. Trong năm, lãi thuần của Eximbank tạo đỉnh 5.304 tỷ đồng, lãi ròng sau thuế cũng đạt đỉnh 3.039 tỷ đồng.

Năm 2012, các chỉ số của Eximbank vẫn vô cùng ấn tượng. Tổng tài sản ngân hàng đạt 170.156 tỷ đồng, giảm 7% so với năm trước; lãi thuần đạt 4.902 tỷ đồng; lãi ròng sau thuế đạt gần 2.139 tỷ đồng. Đây cũng là năm Eximbank mang tới một bất ngờ cho toàn ngành ngân hàng khi công bố đã nắm trên 51% vốn cổ phần của Sacombank và yêu cầu bầu lại toàn bộ HĐQT và Ban kiểm soát, dẫn tới có nhiều người dự đoán về sự hợp nhất giữa Eximbank và Sacombank tạo ra một ngân hàng hàng đầu với tổng tài sản lên tới gần 330.000 tỷ đồng, lớn nhất khối ngân hàng tư nhân.

Cách nào để Eximbank vượt qua khủng hoảng

Eximbank từng là một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam  

Đánh mất vị thế

Qua những ngày hoàng kim, Eximbank bước vào quãng thời gian chật vật phát triển, điển hình là hai năm 2018 và 2019. Năm 2018, tổng tài sản của Eximbank là hơn 152.000 tỷ đồng, vốn sở hữu gần 14.900 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ là 660 tỷ đồng. Năm 2019, tổng tài sản của Eximbank là hơn 167.000 tỷ đồng, vốn sở hữu hơn 15.700 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ đạt 866 tỷ đồng.

Trong khi đó, vào năm 2019, ngân hàng đứng thứ 10 trong Top như ngân hàng SHB đã có tổng tài sản lên tới 366.000 tỷ đồng gấp hơn 2 lần so với Eximbank. Lợi nhuận sau thuế đạt gần 2.500 tỷ đồng. So sánh với những ngân hàng đồng hạng với Eximbank trong quá khứ mới thấy sự thụt lùi nghiêm trọng của ngân hàng này. 

Sacombank hay ACB đều có tổng tài sản lần lượt là hơn 453.000 tỷ đồng (gấp gần 3 lần Eximbank), lãi sau thuế đạt 2.455 tỷ đồng và 383.000 tỷ đồng (gấp 2,5 lần Eximbank), lãi sau thuế chưa phân phối đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Ngay cả những ngân hàng có vốn sở hữu nhỏ như OCB (chỉ 120.000 tỷ đồng) cũng có lợi nhuận sau thuế gần 2.600 tỷ đồng. Chưa kể những vụ đánh mất hàng trăm tỷ đồng trong tài khoản hay những vụ kiện cáo trị giá hàng chục tỷ đồng của khách hàng cũng liên tục đổ ập đến Eximbank.

Thay vì chung tay cùng nhau vực lại ngân hàng, hạn chế rủi ro cho khách thì các thành viên HĐQT của Eximbank vẫn loay hoay tranh cãi: Ai sẽ là Chủ tịch HĐQT? Việc tranh chấp chiếc ghế Chủ tịch HĐQT vẫn chưa có hồi kết bởi những mâu thuẫn không thể cứu vãn.

Năm 2019, Eximbank liên tục trì hoãn và dời đại hội cổ đông do tranh chấp giữa các nhóm cổ đông. Ban đầu đại hội cổ đông dự kiến tổ chức cuối tháng 4/2019 nhưng bất thành. Sau đó, Eximbank ấn định đại hội vào tháng 5/2019 nhưng lại phải dời vì không chuẩn bị kịp. 

Ngày 21/6/2019, Eximbank tổ chức đại hội cổ đông lần 2 nhưng lại nổ ra tranh chấp gay gắt quanh ghế chủ tọa dẫn đến việc chỉ chưa đầy 40% cổ đông bỏ phiếu đồng ý thông qua quy chế tiến hành đại hội. Eximbank buộc tuyên bố phải hoãn đại hội cổ đông một lần nữa.

Ngày 30/6/2020, Eximbank tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên và đại hội cổ đông bất thường. Tuy nhiên, đại hội thường niên trong buổi sáng bất thành vì chỉ có chưa đến 18% số cổ đông có quyền biểu quyết tham dự đại hội, đến buổi chiều ở đại hội bất thường cũng không thể tổ chức khi số cổ đông tham dự đạt tỷ lệ chưa đến 52%.

Đây là lần thứ 6 liên tiếp Eximbank phải trì hoãn đại hội cổ đông. Được biết, trong năm 2020, ngân hàng dự kiến tổ chức đại hội sớm vào ngày 5/3 nhưng hoãn vì lý do Covid-19. Và lần thứ 5, thứ 6 là ngày 30/6 cũng bị hoãn vì lý do không đủ túc số. Trước đó trong năm 2019 ngân hàng đã 3 lần hoãn đại hội.

Một nhiệm kỳ qua, Eximbank chỉ gây dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường về sự bất đồng của các nhóm cổ đông. Cuộc đấu giành lấy chiếc ghế Chủ tịch Hội đồng Quản trị (HĐQT) càng nóng thì cũng là lúc tình hình kinh doanh tài chính của ngân hàng đáng báo động. Sự không đồng thuận ở cấp thượng tầng nên 5 năm quý giá của toàn hệ thống lại không có sự bứt phá nào ở Eximbank. Ấy là chưa kể các cổ đông nhỏ lẻ cũng không được lợi gì khi giá cổ phiếu chỉ quẩn quanh một mức còn cổ tức thì không có đồng nào.

Nhiều cổ đông cảm thấy tiếc cho thương hiệu Eximbank mà họ rất kỳ vọng. Trước đây, Eximbank luôn là ngân hàng xếp vị trí Top đầu của cả nước. Nếu xét về tổng tài sản, lợi nhuận thì Eximbank luôn ngang hàng với các “ông lớn” quốc doanh như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, Agribank. Giờ tất cả chỉ còn là vang bóng một thời.

Cách nào để Eximbank vượt qua khủng hoảng

Eximbank dần đánh mất vị thế, ngày càng tụt hạng

Giải pháp nào cứu Eximbank?

Theo Luật sư Phạm Công Hùng – nguyên Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao - một cổ đông của Eximbank, sự khủng hoảng của Eximbank bắt nguồn từ lý do không có Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật Để Eximbank hoạt động hiệu quả và tuân thủ đúng quy định của pháp luật, đòi hỏi bắt buộc Eximbank phải có Tổng giám đốc và Người đại diện phát luật. 
Ngày 03/12/2019, Eximbank đã ban hành nghị quyết số 626/2019/FIB/NQ-HĐQT, bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Vinh – Quyền Tổng giám đốc Eximbank giữ chức danh Tổng giám đốc EIB. Nhưng cho đến nay, NHNN vẫn chưa ban hành văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận nhân sự Tổng giám đốc của Eximbank nêu trên.

Luật sư Hùng mong muốn Ngân hàng Nhà nước thực hiện đúng trách nhiệm và thẩm quyền của mình theo quy định của pháp luật để sớm chấm dứt khủng hoảng về nhân sự cao cấp và ổn định việc điều hành hoạt động của Eximbank. Đồng thời ông cũng kiến nghị nhiều giải pháp để “cứu” Eximbank. 

Thứ nhất, đề nghị Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền có biện pháp khẩn cấp và hữu hiệu giúp Eximbank kiểm soát hoạt động của quản trị, sớm khắc phục tình trạng khủng hoảng bởi những việc làm sai trái của cổ đông chiến lược Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC), các cổ đông liên quan đến Ngân hàng Nam Á tại Eximbank. 

Thứ hai, đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét việc phê duyệt nhân sự dự kiến của HĐQT và BKS trong nhiệm kỳ VII (2020 - 2025), để làm căn cứ cho các cổ đông bầu được người xứng đáng đại diện cho họ quản trị và điều hành Eximbank trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông thường niên Eximbank năm 2020 lần 2 sắp diễn ra và sớm xem xét chấp thuận nhân sự dự kiến Tổng giám đốc - Người đại diện pháp luật của Eximbank để chính thức bổ nhiệm chức danh quan trọng này. Làm tốt điều đó, sẽ phát huy được nhân tố tích cực tại EIB và hạn chế được những mưu đồ không trong sáng của SMBC gây khủng hoảng cho Eximbank.

Thứ ba, đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo thực hiện các biện pháp cần thiết để hạn chế các rủi ro pháp lý và hệ quả có thể xảy ra từ những cổ phần EIB đang được nắm giữ bởi một số cổ đông của ngân hàng đang bị điều tra, xác minh về các hành vi trái pháp luật theo như tố cáo của ông Nguyễn Chấn, nhất là việc nghị quyết các cuộc họp Đại hội đồng cổ đông sẽ được ban hành từ những phiếu biểu quyết, phiếu bầu của những cổ đông Eximbank đang bị cáo buộc là không chân chính và có hành vi bất hợp pháp này. 

Thứ tư, đề nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện các giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu mâu thuẫn, xung đột giữa các nhóm cổ đông của Eximbank, bao gồm việc chỉ đạo ngân hàng sớm tổ chức cuộc họp với các cổ đông/nhóm đông chiến lược và quan trọng trước khi Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 lần 2 được tiến hành theo quy định của phát luật, để lắng nghe và giảu quyết nguyện vọng chính đáng của họ, nhằm thu hẹp phạm vi tranh chấp giữa các cổ đông hướng vào mục tiêu xây dựng và phát triển Eximbank lành mạnh và hiệu quả, góp phần ổn đinh hệ thống ngân hàng của đất nước, thúc đẩy kinh tế nước nhà phát triển.

Linh Hương
Theo Đời sống Plus/GĐVN