Chưa đầy một ngày sau khi số liệu 20 người nhiễm virus Zika được Trung tâm Y tế Dự phòng công bố thì trên địa bàn TP.HCM lại có thêm 1 trường hợp khác vừa được xác định bị nhiễm bệnh. Đây là nội dung thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh do virus Zika tại cuộc họp khẩn của UBND thành phố với các ban ngành liên quan để bàn giải pháp chống dịch diễn ra vào cuối giờ chiều ngày 3/11.
Báo Dân Trí dẫn lời PGS.TS Phan Trọng Lân - Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho hay, trong 5 tuần gần đây, những trường hợp mắc bệnh Zika liên tục được phát hiện, dự báo số người nhiễm bệnh trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng nếu không có giải pháp phòng chống dịch triệt để và hiệu quả.
Cụ thể, tính đến chiều 3/11, tổng số ca bệnh ghi nhận trên toàn thành phố là 21 trường hợp. Tuy nhiên, số người nhiễm bệnh có thể còn cao hơn nhiều bởi hiện có 9 ca bệnh nghi ngờ mắc Zika đã được gửi mẫu xét nghiệm, kết quả sẽ có trong vài ngày tới. Số người mắc bệnh đã được xác định phân bố trên phạm vi rất rộng thuộc 11/24 quận huyện .
Đáng lo ngại, trong những ca bệnh đã được xác định dương tính với Zika thì có 4 phụ nữ đang mang thai (1 người mang thai dưới 3 tháng). Trên thực tế, tại TP.HCM đã ghi nhận trường hợp 1 thai phụ mang thai dưới 3 tháng bị nhiễm Zika ngụ tại quận 2. Sau 1 tháng mắc bệnh, người mẹ đã bị sảy thai.
Ngoài ra, 1 bệnh nhi tại Đắk Lắk đã được xác định bị tật đầu nhỏ vì nhiễm virus Zika. Thực tế trên là minh chứng cho sự liên quan của virus Zika gây ra tật đầu nhỏ ở trẻ đã được các nhà khoa học nêu lên.
Trước tình tình hình trên, Sở Y tế cho biết, ngoài việc tiếp tục triển khai lấy mẫu máu từ những người nghi ngờ mắc bệnh để thực hiện xét nghiệm, chủ động giám sát dịch bệnh, thành phố sẽ nhanh chóng ban hành quy trình theo dõi, chăm sóc thai phụ nhiễm Zika tại các bệnh viện sản khoa và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe Sinh sản trên toàn thành.
Về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng, Sở Y tế TP.HCM cho biết, với 28 ca mắc tại 7 tỉnh thành, Việt Nam đã được đưa lên bản đồ thế giới là vùng có lưu hành bệnh do virus Zika, theo Infonet.
Để đối phó với dịch bệnh, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh, TP.HCM phải kiểm soát bệnh do virus Zika, giữ ở mức là bệnh lưu hành, quyết không để bùng phát thành dịch.
Qua theo dõi của ủy ban và báo cáo của Sở Y tế cho thấy, các phường, xã, thị trấn còn thiếu sự quan tâm đến công tác phòng chống dịch, lơ là trong việc làm vệ sinh, diệt lăng quăng, bọ gậy. Chính vì thế, hiệu quả phòng chống dịch chưa cao, các ca mắc vẫn tiếp tục tăng.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các quận huyện phải giao việc cụ thể cho chủ tịch các phường, xã, thị trấn, không thể chỉ có chỉ đạo bằng văn bản.
Theo BS Nguyễn Trí Dũng, phòng chống muỗi đốt, diệt muỗi, lăng quăng, bọ gậy là biện pháp tiên quyết trong phòng chống Zika và sốt xuất huyết
Từ tuần sau, khi phát hiện các ca nghi mắc Zika, Trung tâm Y tế dự phòng sẽ xử lý ngay chứ không chờ cho đến khi có kết quả, vì trong những mẫu xét nghiệm thời gian qua cho thấy, có đến 50% mẫu dương tính với sốt xuất huyết.
Thành phố sẽ tiến hành phun thuốc diện rộng tại khu vực có người mắc bệnh và các vùng nguy cơ. Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu cho biết, sau cuộc họp “nóng” chiều ngày 3/11, UBND TP sẽ ra quyết định thành lập Ban chỉ đạo phòng bệnh sốt xuất huyết và bệnh do virus zika.
Bên cạnh đó, các quận huyện phải nắm được danh sách thai phụ trên địa bàn để tuyên truyền, theo dõi, kịp thời phát hiện các trường hợp có dấu hiệu mắc bệnh để có biện pháp chăm sóc và tư vấn. Sở Tài nguyên Môi trường phải vào cuộc ngay, phối hợp với các ban ngành thành lập chiến dịch tổng vệ sinh đường phố.