Chủ nhật, 24/11/2024 | 16:13
RSS

Phát hiện trẻ bị dị tật đầu nhỏ do virus Zika đầu tiên ở Việt Nam

Chủ nhật, 30/10/2016, 18:53 (GMT+7)

Bộ Y tế đã có thông báo mới nhất về trường hợp trẻ bị dị tật đầu nhỏ tại tỉnh Đắk Lắk nghi liên quan với virus Zika đầu tiên tại Việt Nam.

Theo những tin tức mới nhất trên báo Tuổi Trẻ, hôm 30/10, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế xác nhận sau khi làm đầy đủ các xét nghiệm chẩn đoán cho mẹ con bé gái hơn bốn tháng tuổi mắc dị tật đầu nhỏ ở Đắk Lắk, Bộ Y tế nhận thấy nhiều khả năng bé bị dị tật đầu nhỏ do virus Zika.

Trường hợp đầu tiên trẻ bị dị tật đầu nhỏ do virus Zika ở Việt Nam

Trường hợp đầu tiên trẻ bị dị tật đầu nhỏ do virus Zika ở Việt Nam Ảnh Thanh Niên

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, sau khi nhận được đầy đủ các xét nghiệm của bệnh nhi và mẹ, Bộ Y tế có cuộc họp trực tuyến với chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới để xác định nguyên nhân dẫn đến chứng đầu nhỏ ở bé gái này, đồng thời so sánh với hai ca đầu nhỏ do Zika đã được xác nhận tại Thái Lan gần đây.

Với các cứ liệu hiện có, Bộ Y tế cho rằng Zika là nguyên nhân đáng kể nhất dẫn đến dị tật đầu nhỏ ở bé gái này. Đây là ca đầu nhỏ do virus Zika đầu tiên tại Việt Nam.

Báo Thanh Niên trích lời ông Trần Đắc Phu cho biết, có nhiều nguyên nhân gây bệnh đầu nhỏ ở thai nhi (do bà mẹ khi mang thai nhiễm virus sởi, Rubella; do một số vi khuẩn, nhiễm độc hóa chất…). Các nguyên nhân này đã được loại trừ trong quá trình tìm kiếm nguyên nhân gây dị tật ở bé gái.

“Với sự lưu hành của virus Zika tại Việt Nam và muỗi vằn truyền virus này phổ biến tại các tỉnh/thành thì dịch do Zika có thể lan rộng hơn. Nguy cơ thêm trẻ bị dị tật đầu nhỏ do virus này cũng khó tránh khỏi nếu các bà mẹ mang thai không áp dụng các biện pháp phòng bệnh hiệu quả”, ông Phu lo ngại.

Có rất nhiều nguyên nhân gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ

Có rất nhiều nguyên nhân gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ. Ảnh WHO

 Theo Bộ Y tế, hiện có 4 cơ sở đủ điều kiện xét nghiệm virus Zika cho phụ nữ mang thai: Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư; Viện Pasteur TP.HCM; Viện Pasteur Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên.

Hiện nay, Bộ Y tế chưa khuyến cáo hạn chế đi lại, song phụ nữ có thai, phụ nữ dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến các vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin về dịch bệnh và các điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh lây truyền virus Zika như sử dụng kem xua muỗi, mặc quần áo dài và ngủ màn kể cả ban ngày.

Phụ nữ mang thai, đặc biệt có thai trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn.

Minh Thùy (t/h)
Theo Đời sống Plus