Thứ năm, 28/03/2024 | 23:31
RSS

Virus Zika: Nỗi lo từ các khu nhà trọ của công nhân

Thứ ba, 01/11/2016, 14:46 (GMT+7)

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Zika gây ra, nhiều công nhân tại các địa phương lo ngại về khả năng dễ bị nhiễm bệnh.

Bởi lẽ, hầu hết công nhân sống tại các khu nhà trọ ẩm thấp, không đảm bảo vệ sinh môi trường, dễ phát sinh muỗi; trong khi đó, kiến thức phòng chống cũng như khả năng nhận biết về dịch bệnh này của công nhân vẫn còn hạn chế...

Khu nhà trọ công nhân ở ẩm thấm, không đảm bảo vệ sinh môi trường rất dễ phát sinh muỗi truyền bệnh

Khu nhà trọ công nhân ở ẩm thấm, không đảm bảo vệ sinh môi trường rất dễ phát sinh muỗi truyền bệnh. Ảnh: LÊ TUYẾT

Cả nước ghi nhận 23 ca dương tính với virus Zika

Cho tới hôm nay, 1.11, cả nước đã ghi nhận 23 trường hợp dương tính với virus Zika, Bộ Y tế xác nhận trường hợp em bé ở Đắc Lắc mắc chứng đầu nhỏ có nguyên nhân phần lớn từ virus Zika. Chỉ riêng ngày 31.10, TPHCM đã ghi nhận thêm 12 trường hợp mắc virus Zika, nâng tổng ca bị nhiễm virus Zika tại TPHCM lên 17 trường hợp. Các ca bệnh đều được phát hiện thông qua hệ thống giám sát dịch bệnh do Sở Y tế TPHCM triển khai.

Ngày 31.10. Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã có buổi làm việc khẩn cấp với Sở Y tế TPHCM, Viện Pasteur TPHCM. Nội dung buổi họp nhằm tìm kiếm các giải pháp, hạn chế sự lây lan của virus Zika. Ông Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng đã yêu cầu TPHCM khẩn trương tìm các biện pháp cụ thể để bảo vệ phụ nữ mang thai trong giai đoạn này.

Trước đó, UBND TP cũng đã ký quyết định công bố dịch do virus Zika ở quy mô xã - phường. Cùng với quyết định công bố dịch, UBND thành phố yêu cầu các sở ngành và địa phương liên quan phải tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch và các đơn vị phải quản lý, giám sát và theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến dịch bệnh do virus Zika trên địa bàn thành phố.

Tỉnh Bình Dương cũng vừa ghi nhận 1 trường hợp nhiễm virus Zika và UBND tỉnh Bình Dương cũng đã có quyết định công bố dịch quy mô xã, phường tại phường Bình Chuẩn, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương. Trước đó, tại Long An cũng ghi nhận 1 ca nhiễm, Phú Yên (1 ca), Khánh Hòa - Nha Trang (1 ca), Đắc Lắc (1 ca), Trà Vinh (1 ca).

Với diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo dịch do virus Zika. Ngành y tế đã tiến hành chiến dịch truyền thông đến người dân ở những khu vực từng có dịch sốt xuất huyết (dịch do virus Zika có chung vật chủ truyền bệnh là muỗi...), đến những người đã đi đến vùng dịch và nhất là đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh sản.

Tại TPHCM, BS Nguyễn Hữu Hưng - Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, việc giám sát dịch bệnh do virus Zika được thực hiện khá tốt tại các cơ sở khám chữa bệnh. Những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ cần được lấy máu và xét nghiệm để phát hiện bệnh - đây là một cách làm hiệu quả trong việc giám sát dịch trong thời gian qua. Thực tế, các ca dương tính với virus Zika tại TPHCM đều được phát hiện từ các cơ sở khám chữa bệnh.

Nhà trọ nhếch nhác, ẩm thấp, công nhân lo ngại virus Zika

Khi Bộ Y tế đã nâng mức cảnh báo dịch do virus Zika thì nhiều người, nhất là công nhân cũng lo ngại với loại virus này. Ghi nhận ở một số khu vực tập trung đông CN tại Dĩ An, Thuận An (Bình Dương), nhiều CN cho biết, họ khá lo lắng khi nhà trọ san sát, mái lợp tôn, nền nhà thấp, nhất là hiện giờ đang mùa mưa, nhiều khu vực thường xuyên ngập nước.

Chị Nga, trọ trên đường Bình Đường 1 (Dĩ An, Bình Dương) không giấu lo lắng khi nói về virus Zika. Vợ chồng chị đang chuẩn bị sinh con nên chị càng lo lắng hơn.

“Tùy vào khả năng của mình, làm được việc gì thì làm” - chị trả lời khi được hỏi về cách phòng, chống virus Zika. “Giữ nhà cửa sạch sẽ, áo quần đồ đạc xếp gọn gàng. Các nơi chứa nước có thể làm chỗ cho muỗi sinh sản phải được bỏ đi. Tối ngủ phải mắc mùng. Tự mình phải bảo vệ cho mình trước” - chị Nga chia sẻ.

Tại TPHCM, một số khu nhà trọ CN ở các vùng ven, đặc biệt gần kênh rạch, bãi đất trống, cây cối, rác thải rất dễ phát sinh lăng quăng, muỗi nên công nhân lo ngại về khả năng bị nhiễm virus Zika. “CN thường tất bật với công việc, đi làm về khá mệt mỏi nên vùi đầu vào ngủ, chứ không để ý dọn dẹp sạch sẽ khu vực mình ở” - mẹ con chị Nguyễn Thị Vân, trọ trên đường Trần Thanh Mãi (quận Bình Tân, TPHCM) nói.

Mẹ con chị ở trọ trong căn phòng 12m2, vì có con nhỏ nên chị chịu khó dọn dẹp nhà cửa nhưng “một mình tôi thì không thể làm hết cho cả khu trọ được. Rác vẫn cứ vứt ra, chủ nhà trọ đến quát tháo thì họ mới uể oải dọn dẹp. Tôi nhắc thì họ bảo khi nào bệnh hẵng hay”.

Còn anh Hưng, trọ 2 năm tại khu nhà trọ phường Tân Tạo A (Bình Tân) thì phản ánh: “Nhà lợp tôn, vách tôn, nền nhà may mắn lắm có được ít ximăng trát… chăn màn chiếu gối phơi tứ tung. Mưa thì dột, nước ngập, ẩm thấp… Như vậy thì giữ vệ sinh làm sao. Trước thông tin virus Zika đang diễn biến phức tạp, chúng tôi mong chính quyền xuống phun thuốc diệt muỗi, lăng quăng để công nhân và người dân ở đây được yên tâm” - anh Hưng nói.

Trong khi đó tại một số khu nhà trọ, chủ nhà và công nhân chủ động phòng, chống dịch theo cách của mình. Bà Nguyễn Thị Thành, chủ nhà trọ, Tổ trưởng Tổ công nhân tự quản Ấp Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn, TPHCM, cho biết, với hơn 100 phòng trọ, gần 300 CN lưu trú, thì giữ gìn vệ sinh phải được chú ý hơn để không phát sinh bệnh dịch.

Thông thường, chủ nhật hằng tuần, các CN cùng dọn dẹp khu vực sân chung của khu nhà trọ. “Tôi có nghe báo đài nói về virus Zika, khá nguy hiểm. Việt Nam có xuất hiện rồi, ở khu vực Hóc Môn thì chưa nghe có thông tin về virus này nhưng tôi vẫn nhắc nhở các cháu đề phòng muỗi, không để ao tù, nước đọng, áo quần phơi phóng gọn gàng” - bà Thành chia sẻ.

Khu nhà trọ công nhân ẩm thấp, dễ phát sinh muỗi truyền bệnh

Khu nhà trọ công nhân ẩm thấp, dễ phát sinh muỗi truyền bệnh.Ảnh: LÊ TUYẾT

Chị Võ Thị Mỹ, trọ tại khu phố 1, phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, TPHCM, cho biết: “Tôi có nghe thông tin về virus Zika qua báo đài. Tôi đang có bầu nên rất sợ. Thường, mỗi khi có dịch sốt xuất huyết thì chính quyền với trung tâm y tế dự phòng quận sẽ xuống phun thuốc nhưng với dịch virus Zika rất nguy hiểm nên chúng tôi phải tự ý thức để giữ vệ sinh, dọn hết các nơi mà muỗi có thể trú ngụ ở xung quanh phòng trọ...”.

Nhiều công ty cũng lên kế hoạch tuyên truyền, giúp CN

Để hỗ trợ cho CN phòng, chống virus Zika, nhiều công ty cũng lên kế hoạch tuyên truyền, giúp CN hiểu về tác hại của dịch bệnh để chủ động phòng ngừa. Ông Đinh Văn Giai - Chủ tịch CĐ Cty TNHH Toàn Thắng (KCN Bình Chiểu, Q.Thủ Đức, TPHCM) cho biết, đa phần CN của công ty đều ở trọ, đặc điểm của các nhà trọ ở vùng ven là ẩm thấp nên CN càng phải chú ý giữ gìn vệ sinh nơi mình ở.

“Là công ty chuyên về thực phẩm nên việc đảm bảo vệ sinh là yêu cầu tiên quyết, tuyệt đối không để các loài vật như ruồi, muỗi, gián, chuột... có nơi trú ngụ. Ở công ty, CN hoàn toàn an tâm nhưng về nhà trọ thì phải chú ý”- ông Giai nói.

Để có kiến thức tuyên truyền giúp CN hiểu hơn về Zika, ông và các cán bộ CĐ trong ban chấp hành CĐ Cty chủ động tìm hiểu về cơ chế gây bệnh, biểu hiện, tác hại, cách phòng tránh bệnh do virus Zika gây ra. “Muốn anh chị em chủ động phòng tránh bệnh thì phải cho anh chị em thấy tác hại của bệnh.

Tuy nhiên, việc tuyên truyền không phải để anh chị em lo sợ mà để anh chị em biết cách phòng ngừa. Ban chấp hành CĐ đang lựa chọn phương án phù hợp để tuyên truyền sao cho hiệu quả, đặc biệt quan tâm đến nữ CN trong độ tuổi sinh sản” - ông Giai cho hay.

Là công ty tổ chức cho CN ở trong khu lưu trú, thuộc khuôn viên của nhà xưởng công ty nên việc đảm bảo an toàn vệ sinh, chủ động phòng dịch bệnh được ban giám đốc Cty TNHH SX Trà Hùng Phát (huyện Củ Chi, TPHCM) đặc biệt chú ý.

Chị Nguyễn Thị Trà Giang - Trợ lý giám đốc Cty, cho biết, không chỉ khi có thông tin có dịch Zika, công ty mới làm công tác giữ vệ sinh hoặc tuyên truyền anh chị em CN giữ vệ sinh mà “đây là nếp thường ngày phải làm”.

Tổ CN tự quản ở khu lưu trú họp, nhắc nhở những phòng chưa chú ý vệ sinh, hằng tuần cả khu lưu trú sẽ cùng làm vệ sinh sạch sẽ, ban giám đốc công ty chủ động phối hợp với Trung tâm Y tế dự phòng để phun thuốc định kỳ, hoặc phun thuốc khi ở khu lưu trú có biểu hiện của bệnh nào đó, hướng dẫn anh chị em cách phòng ngừa...

“Công ty cũng trang bị wifi, khuyến khích anh chị em CN cập nhật thông tin xã hội, giải trí, khi có dịch bệnh do virus Zika thì lưu ý anh chị em đọc thông tin liên quan, để mỗi người chủ động phòng ngừa. Và lưu ý anh chị em, khi có bất kỳ nghi ngờ về sức khỏe cần báo ngay cho công ty, CĐ để có hướng hỗ trợ, đảm bảo sức khỏe, an toàn cho anh chị em” - chị Giang nói.

Hiện nay, vẫn chưa có vaccine phòng virus Zika và cũng chưa có thuốc điều trị. Do đó, để phòng bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ có thai, phụ nữ dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết.

Phụ nữ mang thai, đặc biệt có thai trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch mà có sốt hoặc phát ban và có ít nhất một trong số các triệu chứng đau mỏi cơ/khớp, viêm kết mạc mắt cần đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn. Bên cạnh đó, cần chủ động phòng, chống dịch bệnh một cách tích cực bằng cách diệt muỗi và lăng quăng.

Theo các chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới 80% những người bị nhiễm Zika không có triệu chứng. Những trường hợp có triệu chứng thường biểu hiện ở dạng nhẹ như sốt và phát ban, ngoài ra cũng có thể gây đau cơ và đau khớp, nhức đầu, đau sau mắt và viêm kết mạc (ngứa, đỏ mắt). Nhiễm virus Zika chỉ tạo ra triệu chứng nhỏ, nhưng di chứng của nó rất khó lường.

Ngoài sự nguy hiểm cho phụ nữ có thai, gây ra dị tật đầu nhỏ, những nghiên cứu mới đây cho thấy có sự liên quan giữa virus Zika với hội chứng Guillain-Barré, một tình trạng mà hệ thống miễn dịch tự tấn công các dây thần kinh sau khi nhiễm virus, gây nên tình trạng yếu cơ và liệt.

 

Minh Phạm - Lê Tuyết
Theo Lao Động