Thông tin trên Báo VietNamNet cho biết, ngày 29/10, tại trường đại học Kinh tế quốc dân, 10 trường khối kinh tế bao gồm: trường đại học Kinh tế Quốc dân, trường đại học Kinh tế TP HCM, trường đại học Ngoại thương, trường đại học Thương mại, trường đại học Kinh tế - đại học Huế, trường đại học Kinh tế - đại học Đà Nẵng, trường đại học Kinh tế - đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Ngân hàng, Học viện Tài chính, Học viện Chính sách và Phát triển đã cùng nhau ký kết thỏa thuận hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và đảm bảo chất lượng giáo dục
Theo đó, căn cứ nhu cầu thúc đẩy hợp tác trong đào tạo, nghiên cứu khoa học, trao đổi sinh viên/học viên (người học), giảng viên, 10 trường trên cùng thống nhất ký kết bản thỏa thuận hợp tác liên quan đến hoạt động trao đổi sinh viên/học viên (người học), hoạt động nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác. Bản thỏa thuận này này có hiệu lực kể từ ngày ký và có thời hạn 5 năm. Việc gia hạn hiệu lực tùy thuộc vào sự nhất trí của tất cả các trường tham gia.
Cụ thể, đối với việc tổ chức các khóa trao đổi sinh viên/học viên được thực hiện dưới dạng các khóa dài hạn (1 học kỳ tương ứng khoảng 15 tuần), cho phép người học của các trường được đăng ký học tập/ thực tập/nghiên cứu tại trường đối tác. Người học đăng ký tối đa 25 tín chỉ, các học phần đăng ký phải có trong chương trình đào tạo của trường tiếp nhận. Người học được sắp xếp học tập, thực tập, nghiên cứu cùng các với người học của trường tiếp nhận trong các lớp học được mở theo kế hoạch học tập của trường.
Đối với các khóa ngắn hạn (tương ứng từ 3 đến 8 tuần), các trường đại học tổ chức khóa học ngắn hạn trong thời gian hè, công bố chương trình, nội dung khóa học và cho phép người học của các trường được đăng ký học tập tối đa 12 tín chỉ. Ngoài thời gian lên lớp, người học có thể tham gia thực tập, nghiên cứu dưới sự hướng dẫn của giáo viên trường tiếp nhận. Ngoài nội dung học tập chuyên môn, trường tiếp nhận tổ chức các hoạt động trải nghiệm, giao lưu văn hoá, hoạt động cộng đồng… Khóa ngắn hạn được tổ chức chung cho tất cả người học của các trường tham gia.
10 trường đại học ký thoả thuận hợp tác vào sáng ngày 29/10. Ảnh: Báo Tiền phong
Chương trình bắt đầu được mở từ học kỳ hè năm học 2022-2023 tại trường đại học Kinh tế TP HCM, các chương trình tiếp theo sẽ được tổ chức luân phiên tại các trường (theo đăng ký tự nguyện của các trường). Người học có nhu cầu đăng ký học chương trình trao đổi tại trường khác, trường cử đi có trách nhiệm lập danh sách người học đủ điều kiện gửi cho trường tiếp nhận trước khóa trao đổi chậm nhất 2 tuần trước khi học kỳ bắt đầu. Số lượng người học và điều kiện đầu vào (bao gồm kết quả học tập, điều kiện ngoại ngữ,…) của người học tham gia chương trình trao đổi cho từng năm học sẽ được trường tiếp nhận công bố ít nhất 1 kỳ trước khi năm học bắt đầu.
Trường tiếp nhận ra quyết định tiếp nhận người học và biên chế vào các lớp phù hợp. Người học đăng ký các chương trình trao đổi sinh viên sẽ đóng học phí theo số tín chỉ được miễn, công nhận tại trường cử đi. Người học không phải đóng học phí cho trường tiếp nhận đào tạo. Chi phí ăn ở, đi lại và tham gia các hoạt động (ngoài học phí) do người học tự chi trả.
Các trường tiếp nhận có thể hỗ trợ về ký túc xá hoặc các thông tin cần thiết khác. Các trường tham gia có trách nhiệm đóng góp kinh phí cho trường đăng cai tổ chức các chương trình để tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, trải nghiệm cộng đồng của người học. Các trường đăng cai tổ chức khóa học chung có thể mời giảng viên đến từ các trường thành viên tham gia giảng dạy.
Về việc công nhận kết quả các khóa học cho sinh viên/học viên, kết thúc khóa trao đổi, trường tiếp nhận có trách nhiệm cấp bảng điểm, xác nhận hoàn thành chương trình. Trường cử đi có trách nhiệm công nhận/miễn hoặc chuyển đổi kết quả học tập của các học phần đã học theo qui định (bao gồm học phần bắt buộc, tự chọn, tự chọn tự do tương ứng với chương trình đào tạo cử nhân hoặc thạc sĩ) của người học, hoặc tính điểm rèn luyện khi người học tham gia các hoạt động ngoại khóa tùy thuộc vào qui định của từng trường.
Đối với hoạt động nghiên cứu khoa học, các trường luân phiên chủ trì và phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế dành cho giảng viên trẻ; luân phiên chủ trì và phối hợp tổ chức hội thảo khoa học quốc tế dành cho sinh viên khối trường kinh tế và kinh doanh Đồng thời các trường có trách nhiệm chia sẻ dữ liệu và thông tin phục vụ hoạt động nghiên cứu khoa học và tư vấn…
Ngoài ra, các trường cùng chia sẻ bài giảng điện tử, các khóa học trực tuyến dùng chung; chia sẻ dữ liệu thư viện điện tử dùng chung; chia sẻ kinh nghiệm về công tác đảm bảo chất lượng giáo dục; công tác sinh viên, công tác hợp tác quốc tế và các hoạt động khác.
Về vấn đề mỗi trường sẽ có những giáo trình và tiêu chuẩn khác nhau nên khi trao đổi sinh viên có cần những quy chuẩn chung đề đảm bảo chất lượng, trao đổi với Tạp chí Người đưa tin, GS.TS Phạm Hồng Chương – Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết, các trường đã có hoạt động điều chỉnh làm cho các chương trình đào tạo tương đối gần nhau, sinh viên học các môn tại trường của mình dễ dàng tương thích với các môn nào trong chương trình học học tập ở trường khác.
GS.TS Phạm Hồng Chương nhấn mạnh, việc chuyển đổi các môn học tương đương sẽ do phía trường tiếp nhận sinh viên quyết định. Điều quan trọng sinh viên trường nào vẫn là sinh viên trường đấy, trao đổi này chỉ tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội trải nghiệm.